Người có uy tín - Những tấm gương tiêu biểu để đồng bào noi theo ở Yên Bái

Toàn tỉnh Yên Bái có 872 người uy tín trong đồng bào các dân tộc, họ thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào hiến đất làm đường.

Người có uy tín gương mẫu hiến đất

Nói đến Người có uy tín trong cộng đồng, ông Cư A Phần (ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, Yên Bái) là tấm gương điển hình tiêu biểu. Nhận thấy người dân thiếu con đường để đi lại, sản xuất, ông Phần đã hiến đất để thực hiện một con đường mới. Ông không tính toán hết bao nhiêu mét vuông, chỉ biết là con đường rộng 3 mét và chạy dài gần 1km trong phần đất sản xuất của gia đình.

Nhiều hộ dân xã Nà Hẩu (Văn Yên) đã hiến nhiều diện tích cây lâu năm để có đường đi lại thuận tiện.

Ngoài ra, gia đình ông Phần đã hiến hơn 4.000 m2 đất để xây dựng lớp học cho các cháu mẫu giáo của thôn, nhờ đó, mà trẻ em có cơ hội đến trường với lớp học khang trang, sạch sẽ. Gia đình ông còn hiến đất xây dựng Nhà văn hoá thôn (416 m2), phục vụ cho sinh hoạt và hội họp của Nhân dân trong thôn. Từ việc làm nghĩa cử của gia đình ông, phong trào hiến đất làm đường tại địa phương được lan tỏa rộng khắp, những con đường mới cũng vì thế mà được trải dài hơn.

Ông Cư A Phần, người có uy tín (xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, Yên Bái) cho biết: “Ở đây có rất nhiều gia đình hiến đất làm công trình phúc lợi chứ không riêng gì tôi. Hiến đất làm đường là thể hiện trách nhiệm của mình vì mọi người, vì mục tiêu chung, quan trọng hơn có đường đi thuận lợi, bán được nhiều lợn, dễ hơn, để đời con cháu mình đỡ khổ”.

Được biết, số hộ nghèo của xã Nà Hẩu vẫn chiếm 55% và thu nhập bình quân đầu người mới đạt 25 triệu đồng năm 2021. Trong khi đó, để đạt chuẩn NTM theo quy định, tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 10%, thu nhập phải đạt trên 36 triệu đồng/người/năm.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên nỗ lực hiến đất làm đường GTNT dài 600 mét.

Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Toàn xã có gần 500 hộ dân với 2.429 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Mông địa phương phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được xác định là tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Hiện nay, xã còn 5,9 km đường và 4 cầu ngầm tràn đang mong muốn được tỉnh, huyện đầu tư. Địa phương cũng mong muốn được sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn của Nhà nước”.

Nhân dân làm theo

Còn nhớ cuối tháng 9/2022, PV Báo giao thông có dịp về xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, được ông Đặng Tòn Dất - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã dẫn đi thăm “con đường trong mơ” theo cách gọi của người dân nơi đây. Cùng tham gia đoàn đi có ông La Tài Quan, Phùng Vinh Minh - là Người có uy tín của địa phương và ông Đặng Nho Quên, nông dân làm kinh tế giỏi của xã. Sở dĩ Phó Bí thư Thường trực xã Mỏ Vàng Đặng Tòn Dất mời thêm hai người có uy tín và ông Quên đi cùng, bởi chính các ông là những người luôn gần gũi, được người dân tin tưởng, do đó quá trình vận động người dân thu hoạch quế giải phóng mặt bằng làm đường giao thông đã dễ dàng hơn.

Phóng viên Báo Giao thông cùng trải nghiệm con đường do những Người có uy tín trong cộng đồng ở xã Mò Vàng, huyện Văn Yên đi đầu trong thời gian vừa qua.

Ông Phùng Vinh Minh - Người có uy tín thôn Trung tâm chia sẻ: “Trước kia do tích nước làm thủy điện, nước lại dâng cao, khiến cho 80 hộ đồng bào dân tộc Mông ở cụm Khe Ngõa và cụm Gốc Sấu bị cô lập hoàn toàn. Còn phía bên kia là xã Viễn Sơn, nếu muốn đi sang đó, thì phải vòng hơn 50km qua nhiều xã, đường đi lại vô cùng khó khăn. Nhờ sự tích cực truyên truyền, vận động hợp tình, hợp lý của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là từ tâm tình của Người uy tín như ông Phùng Vinh Minh, La Tài Quan với người dân, nói lên những lợi ích đặc biệt khi có con đường sẽ giúp việc đi lại được thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế...

Chia sẻ với phóng viên ông Đặng Tòn Lây, Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng cho biết: “Tuyến đường Khe Ngõa - Vàng Mỏ đấu nối với xã Viễn Sơn có chiều dài 6 km với nền đường rộng 3,5 m, có hệ thống rãnh thoát nước hai bên đã hoàn thành, phá thế cô lập của 80 hộ đồng bào Mông giữa lòng hồ”.

Theo thống kê sơ bộ, người dân đã hiến khoảng 40.000 m2 đất, hàng vạn cây quế lớn nhỏ, trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều hộ là gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Có những hộ hiến hàng nghìn mét vuông đất và hàng nghìn cây quế, tiêu biểu như gia đình ông Ly Seo Chuy, hiến 3.450 m2 đất rừng và khoảng 1.000 cây quế, trị giá cây quế cũng hàng trăm triệu đồng.

Người dân xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên thu hoạch quế để làm đường GTNT.

Những Người có uy tín như các ông: Cư A Phần, Phùng Vinh Minh, La Tài Quan, chỉ là những ví dụ điển hình về Người có uy tín đang thể hiện vai trò, trách nhiệm khi được nhân dân tin tưởng bình bầu, chính quyền công nhận. Nêu cao trách nhiệm của mình, họ là những tấm gương sáng, tiên phong hiến đất của chính gia đình mình; cũng như việc vận động con cháu, người thân, dòng họ tham gia hiến đất, bỏ ngày công làm đường. Nhờ có họ, phong trào hiến đất, hiến ngày công làm đường trở nên sôi động. Và cũng cho thấy, các hoạt động vì cộng đồng là trách nhiệm chung của mỗi người, không phải công việc của riêng ai...

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 872 người uy tín trong đồng bào các dân tộc, những năm qua người có uy tín trong đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Cao Lan… Những người có uy tín, đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào hiến đất làm đường, chung tay xây dựng Nông thôn mới. Họ chính là điểm tựa để người dân tin và làm theo, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên mỗi bản làng.

Cùng chuyên mục