Giao thông mở lối thoát nghèo vùng biên viễn
Những ngày cuối năm, PV Báo Giao thông từ Quốc lộ 18C (QL18C) chạy thẳng đến nhiều thôn, bản giáp biên thuộc huyện Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái, Quảng Ninh.
Dưới dãy núi Cao Ba Lanh hùng vĩ chạy tít tắp giữa đại ngàn biên cương, hiện ra những khu dân cư trù phú bên cạnh những thửa ruộng chín vàng đang chuẩn bị thu hoạch, bạt ngàn những cánh rừng hồi, rừng sở đang kỳ khép tán.
Xa xa thấp thoáng màu áo lính quân hàm xanh đang cùng bà con thăm đồng, tiếng cười nói rộn ràng trong bình yên nơi biên ải.
Bà con thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn và cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô chuẩn bị gặt vụ chiêm
Đưa tay gạt những giọt mồ hôi chảy dài trên đôi gò má đen sạm, Thiếu tá Phạm Bình Vọng, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu đang cùng bà con bản Phai Lầu chuẩn bị gặt lúa cho hay: Trước đây đường lên bản rất khó, muốn đến được phải qua nhiều ngầm nước, vì thế mùa mưa lũ, bản hay bị chia cắt, cô lập.
"Cách trở giao thông khiến việc học hành của trẻ nhỏ, rồi khám chữa bệnh, mua bán vật dụng thiết yếu... rất khó khăn. Hơn 60 hộ dân người Dao nơi đây buộc phải duy trì nếp sinh hoạt tự sản tự tiêu, cái nghèo, cái đói cứ theo đó vây bám", Thiếu tá Vọng kể.
Nhưng giờ đây, tuyến QL18C đã nối trung tâm huyện Bình Liêu lên khu kinh tế Hoành Mô - Đồng Văn đi qua Phai Lầu, rồi các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất này được triển khai, khiến cuộc sống của bà con đổi khác.
QL18C được nâng cấp, tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Quảng Ninh phát triển kinh tế - xã hội
Anh Tằng Dẩu Tình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phai Lầu đang trên đường sang giúp một hộ dân trong thôn làm căn nhà 2 tầng kể, thời gian trước cả bản chìm trong bóng tối, trẻ con học dưới ánh sáng tù mù của nến, đèn dầu. Đường đi lại thì gian truân, từ trung tâm huyện về bản 20km mà phải đi chừng 2 tiếng.
Từ khi có đường, có điện, cuộc sống nơi đây đã đổi khác. Từ một bản có hơn chục nóc nhà khi mới thành lập, đến nay, Phai Lầu có 96 hộ với 329 nhân khẩu. Hiện người dân nào cũng được ở trong nhà kiên cố, có xe máy, có điện lưới, trong nhà có nhiều đồ sinh hoạt đắt tiền. Con, em trong bản giờ đã có nhiều người học hết THPT, đi học cao đẳng, làm công nhân...
Tuyến đường từ khu dân cư kết nối với QL18C, đoạn qua địa bàn huyện Hải Hà đang được đầu tư
Xuôi QL18C theo vành đai biên giới qua huyện Hải Hà đến xã Hải Sơn, TP Móng Cái. Đây là xã biên giới với gần 100% người dân tộc thiểu số sinh sống, trước đây giao thông cách trở, tập tục canh tác lạc hậu.
Vài năm trước, tuyến QL18C từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh vào trung tâm xã được nâng cấp, mở rộng, bà con được hướng dẫn cách thức làm ăn mới, hàng hóa dễ tiêu thụ, nên cuộc sống cứ thế được nâng lên.
Vào thăm thôn Thán Phún Xã, xã Hải Sơn, TP Móng Cái - bản kinh tế mới với gần 30 hộ dân được hình thành cách đây gần 20 năm, dễ dàng thấy những ngôi nhà tầng, nhà Thái to đẹp giữa vườn cây, ao cá bình yên, đầm ấm.
Ngôi nhà của một hộ dân tại Thán Phún Xã, xã Hải Sơn, TP Móng Cái phục vụ cho phát triển du lịch trải nghiệm.
Con đường mòn giữa bản nay là tuyến đường bê tông kéo dài đến điểm đấu nối QL18C. Từ đây, các bản dễ dàng nối đến trung tâm xã, với khu di tích Pò Hèn, với cột mốc 1347, với đỉnh Mã Thầu Sơn và suối Mã Thầu Sản... tiến tới là nối với tuyến đường trọng lực Pò Hèn - Hải Tiến đang được thi công.
Thiếu tá Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Hèn, TP Móng Cái cho hay: Do giao thông phát triển cùng với việc tư duy làm ăn của bà con trong xã đổi mới, nên cuộc sống cứ thế đi lên.
Hiện thôn Pò Hèn đang hình thành điểm du lịch cộng đồng với làng bích họa, tuyến đường hoa... QL18C từ trung tâm xã xuống TP Móng Cái cũng đang khẩn trương hoàn thành. Khi ấy, du khách sẽ đến địa phương đông hơn, và từ đó, hệ thống dịch vụ sẽ phát triển hơn làm cho đời sống bà con ổn định hơn.
Giữ vững cửa ngõ biên cương
Quảng Ninh có gần 100 thôn, bản giáp biên giới trên bộ, thuộc 10 xã, thị trấn của 3 địa phương Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái.
Từ sự chủ động, sáng tạo, chăm chỉ của người dân, cộng với những trợ lực từ Chương trình 135, Đề án 196, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM)... đã khiến cho các thôn, bản giáp biên, vùng "phên dậu" của tỉnh này ngày càng giàu mạnh, đời sống nhân dân ấm no.
Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh hành quân dã ngoại giúp người dân khu vực biên giới thu hoạch lúa.
Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 82 xã, phường thuộc khu vực biên giới, biển đảo. Đây là địa bàn "phên giậu" Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
Do đặc thù địa bàn, các địa phương khu vực biên giới, hải đảo của Quảng Ninh có thời kỳ vẫn còn khó khăn nhiều so với những khu vực khác, nhất là hạ tầng giao thông cách trở, tập tục canh tác của đồng bào các dân tộc còn lạc hậu.
Do biết cách làm ăn, nhiều hộ đồng bào ở khu vực biên giới của tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng được nhà cao tầng
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho thí điểm thực hiện chủ trương tăng thêm cán bộ là chỉ huy đồn biên phòng vào cấp ủy của 5 huyện, thành phố biên giới, biển đảo của tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm: Cô Tô, Vân Đồn, Bình Liêu, Hải Hà và Móng Cái. Các đồn biên phòng cũng tăng cường cán bộ về các xã, phường, thôn, bản để xây dựng và củng cố cơ sở chính trị ngày càng vững chắc.
"Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh duy trì mô hình cán bộ biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy ở 24 xã, phường biên giới, phát huy tốt vai trò tham mưu xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở", Đại tá Hưng chia sẻ.
Cán bộ Biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy địa phương biên giới ở Quảng Ninh thường xuyên bám sát địa bàn
Theo ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường tham gia Thành ủy, Đảng ủy xã và các chi bộ ở khu vực biên giới đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho địa phương thực hiện có hiệu quả 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.