Đồng bào dân tộc Mường đua nhau hiến đất làm đường giao thông

Phúc Tuấn

Có khoảng 96% hộ là đồng bào dân tộc Mường của xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá đã tự nguyện tham gia hiến đất làm đường.

Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 80 km về phía Tây, xã Ngọc Sơn thuộc huyện miền núi Ngọc Lặc có dân số khoảng 4.800 nhân khẩu nhưng điều đặc biệt là nơi đây có tỷ lệ đồng bào dân tộc Mường chiếm tới 80%.

Đường giao thông ở xã Ngọc Sơn đã được bê tông hoá 100%

Đua nhau hiến đất làm đường

Mặc dù ở khu vực miền núi đang còn khó khăn về kinh tế nhưng khi Nhà nước vận động xây dựng nông thôn mới thì hầu hết, đồng bào dân tộc ở xã Ngọc Sơn đều một lòng tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, ngày công để làm đường giao thông.

Chỉ tay về phía đường bê tông mới được mở rộng, bà Phạm Thị Dần (76 tuổi, dân tộc Mường ngụ ở thôn Thanh Sơn xã Ngọc Sơn) tâm sự: Tôi giờ đã có tuổi, cả một khu đất vườn rộng mênh mông. Từ khi nghe cán bộ đến tuyên truyền vận động, tôi có trao đổi lại với con gái đang làm ăn xa với ý định hiến khoảng 310 m2 đất và được con gái đồng ý. Thế là tôi đã hiến 100 m chiều dài mặt tiền, tự lùi tường rào vào gần 3 m, chặt bỏ cây cối mà không nhận bất cứ một đồng tiền đền bù nào cả.

Chị Cao Thị Hường chỉ tay về phần đất mà gia đình chị hiến để làm đường giao thông

Là hàng xóm với bà Dần, chị Cao Thị Hương cũng là người dân tộc Mường cho hay: Nói gì thì nói chứ việc hiến đất ở đây đầu phải riêng chúng tôi. Ở miền núi như chúng tôi đất nhiều lắm nhưng để phát huy được giá trị thì phải có đường đẹp, khang trang. Vợ chồng tôi bàn bạc thống nhất hiến 450 m2 đất để làm đường giao thông, với hơn 300m2 mặt tiền.

"Từ khi con đường bê tông rộng rãi được hoàn thành thì chúng tôi không chịu cảnh lầy lội khi mưa, bụi bặm khi nắng nữa. Các cháu đi học cũng đỡ vất vả hơn nhiều", chị Hương phấn khởi nói về việc hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới.

Được biết, năm 2012, xã Ngọc Sơn bắt đầu triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua rà soát xã mới đạt 1/19 tiêu chí. Đến năm 2016 xã mới thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 36%. Hạ tầng giao thông chưa được đáp ứng, nhiều con đường đất đi lại lầy lội vào mùa mưa, khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Kể từ khi phát động xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Ngọc Sơn đã tự nguyện tham gia hiến đất, dỡ bỏ các tường rào, chặt các loại cây trồng có giá trị kinh kế cao để mở rộng đường giao thông trên khắp địa bàn xã. Tổng diện tích đất đã được hiến lên tới hàng chục nghìn m2, trong đó, thôn Thanh Sơn có 25 hộ hiến 2.327 m2, thôn Linh Sơn có 37 hộ hiến 3.825 m2, thôn Minh Tiến có 23 hộ hiến 2.528 m2, thôn Hoành Sơn có 28 hộ hiến 2.538 m2,… Đáng chú ý, khoảng 96% các hộ tham gia hiến đất đều là đồng bào dân tộc Mường.

Tỷ lệ tham gia hiến đất ở xã Ngọc Sơn chiếm tới khoảng 96% là dân tộc Mường

Vượt khó để đạt chuẩn nông thôn mới

Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, tình hình kinh tế - xã hội ở xã Ngọc Sơn đã có nhiều thay đổi, thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt hơn 40,3 triệu đồng/năm. Nếu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ngọc Sơn chiếm 36% với 310 hộ thì đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm rõ rệt xuống còn khoảng 5%. 100% các hộ dân đồng bào dân tộc có nhà kiên cố; Tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt 97,79%.

Từ một xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đến nay toàn bộ hệ thống giao thông liên thôn, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa với hơn 25,8 km. Hệ thống các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cùng với đó nhân dân đóng góp xây dựng được 22,2 km đường điện chiếu sáng công cộng. Năm 2019, xã Ngọc Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Ngọc Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Từ một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đến nay diện mạo nông thôn xã Ngọc Sơn đã thay đổi. 100% đường giao thông liên thôn, bản đến các trung tâm trong xã đều đã thảm nhựa và bê tông hoá. Phong trào hiến đất làm đường được bà con các dân tộc nhiệt tình hưởng ứng.

"Chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường tham gia hiến đất xây dựng hạ tầng giao thông, các công trình khác. Đường làm mới và mở rộng khiến việc giao thương hàng hoá, đi lại được thuận tiện, thu nhập của người dân ngày càng tăng cao", ông Giang cho biết thêm.

Phúc Tuấn

Cùng chuyên mục