Về giáo xứ Vân Lung nghe kể chuyện hiến đất làm đường

Phúc Tuấn

Ông Bùi Công Bằng (71 tuổi), người dân tộc Mường tại xã Thành Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa đã hiến hàng trăm m2 đất để làm đường.

Xã Thành Long có 1.359 hộ dân với 6.548 nhân khẩu. Đây là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 90%, đồng bào công giáo chiếm 60%.

Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu nhờ vào sản xuất nông lâm nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng, trong cuộc vận động chung tay xây dựng nông thôn mới, đã không ít người dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông.

Ông Bùi Công Bằng là Người uy tín đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào công giáo ở xã Thành Long

Người uy tín trong cộng đồng dân tộc

Trong số những người tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, gương điển hình ở xã Thành Long ai cũng nhắc đến đó là ông Bùi Công Bằng (71 tuổi, dân tộc Mường theo đạo Thiên chúa giáo, trú tại thôn Thành Minh, xã Thành Long, huyện miền núi Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Ông Bằng hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Vân Lung.

Ông Bùi Công Bằng sinh ra trong một gia đình thuần nông, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ năm 1987-1994, ông Bằng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long. Năm 2005, ông nghỉ chế độ và đến nay được nhân dân và chính quyền tin tưởng bầu là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Ông Bằng hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Vân Lung

“Khi được tín nhiệm giao trọng trách Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Vân Lung, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình là vừa chăm lo cho đồng bào công giáo, vừa thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, chính quyền địa phương, tạo động lực khơi dậy phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong cộng đồng dân cư”, ông Bằng nói.

Năm 2012, sau khi địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Bằng đã vận động bà con dân tộc thiểu số, bà con giáo dân tự nguyện tháo dỡ tường rào, hoa màu, cây cối, hiến đất để làm đường giao thông, thuận tiện trong giao thương, sinh hoạt.

Đặc biệt, bản thân gia đình ông Bùi Công Bằng đã gương mẫu, tự nguyện hiến gần 600m2 đất (trong đó có 290m2 là đất thổ cư có giá trị kinh tế cao, còn lại khoảng 300m2 là đất vườn, trồng cây) được gia đình ông tự nguyện hiến đất cho địa phương.

“Việc đóng góp để xây dựng nông thôn mới là việc mà mỗi người dân nên làm để quê hương thêm giàu đẹp.

Khi triển khai tuyến đường bê tông liên thôn, nhận thấy việc con đường đi theo thiết kế sẽ đi vòng, gây bất tiện cho bà con nên tôi đã chủ động hiến đất để đường làm tắt qua nhà mình.

Là một người dân cũng như là một Chánh xứ, được đóng góp những điều nhỏ nhoi này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, ông Bằng chia sẻ.

Không những thế, trong thời gian qua, ông Bùi Công Bằng đã vận động bà con giáo dân đóng góp 215 ngày công, 3,4 tỷ đồng để bê tông hóa 11,4 km đường liên thôn, 4 km đường giao thông nội đồng, xã hội hóa giáo dục xây dựng 2 trường học đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế đạt chuẩn về y tế, làm 171 cây cột điện chiếu sáng trong khu dân cư...

Nhiều năm qua, ông Bằng đã vận động người dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nếp sống văn hoá

Xứ đạo yên bình - Gia đình văn hoá

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Trọng Hùng - Chủ tịch UBND xã Thành Long cho biết: Ông Bùi Công Bằng là Chánh trương giáo xứ Vân Long, ông là một trong những người năng nổ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bên cạnh việc hiến đất làm đường giao thông, ông thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật, chủ trương chính sách của nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số và các giáo dân, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.

Từ những cố gắng nỗ lực của bản thân, ông Bùi Công Bằng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành tặng thưởng Bằng khen, giấy khen.

"Trước đây, ông Bằng từng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong UBND xã. Sau khi nghỉ chế độ, ông vẫn công tác ở các ngành đoàn thể như Chủ tịch Hội Khuyến học xã, Chủ tịch Hội làm vườn xã…Ở bất kỳ vị trí nào ông Bằng cũng luôn gương mẫu, đi đầu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông luôn động viên bà con chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương", Chủ tịch UBND xã Thành Long thông tin thêm.

Trong những năm qua, ông Bằng đã cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong hệ thống chính trị của xã, công an xã, các tổ an ninh trật tự, an toàn xã hội của thôn tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận về chính trị và tinh thần trong đồng bào theo đạo.

Ngoài việc vận động bà con dân tộc thiểu số, bà con công giáo hiến đất, góp sức, góp tiền làm đường, những năm qua, ông Bằng cũng đã tham mưu cho Đảng bộ, chính quyền các đoàn thể trong hệ thống chính trị, Hội đồng Giáo xứ Vân Lung xây dựng Đề án mô hình “Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa”.

Qua thống kê của xã Thành Long, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 5/5 thôn tập trung đồng bào giáo dân sinh sống được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần vào xây dựng xã Thành Long đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 45,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 78 hộ dân tương đương còn 1,7% .

Theo ông Hùng, hiện nay toàn xã có 70% các trục đường xã, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; nhà đa năng của xã đạt chuẩn theo quy định; các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được duy trì; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 85%; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Được những thành tích như ngày hôm nay cũng không

Phúc Tuấn

Cùng chuyên mục