Xây đường, mở lối làm giàu cho người dân miền núi
5 năm trước, tuyến giao thông qua trung tâm thôn Tr’Lêê (xã A Tiêng, huyện biên giới Tây Giang) là đường đất, mùa mưa lầy lội khiến lưu thông hết sức khó khăn. Đường sá trắc trở nên nông sản người dân làm ra bán rẻ như cho.
Nhưng từ ngày con đường bê tông xi măng có bề rộng nền đường 5m, mặt đường rộng 3,5m chạy dài khoảng 6km đi qua địa bàn thông đến trung tâm xã đã "mở lối" làm ăn, phát triển kinh tế cho hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số. Đường sá được kiên cố hóa, người dân có đất sản xuất ở khu vực xa xôi trước kia quyết định cất nhà, đưa cả gia đình vào định cư. Hàng chục ngôi nhà mọc lên, cuộc sống ở làng mới khởi sắc với mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi.
Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang trao đổi với lãnh đạo xã Tr'hy về công tác mở đường vào khu sản xuất phục vụ phát triển kinh tế cho người dân.
Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, những năm qua, nhờ sự lồng ghép các chương trình, dự án, huyện biên giới Tây Giang đã tranh thủ được nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông. Không chỉ kiên cố hóa các tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã, từ xã đến thôn, mà còn mở thêm các tuyến đường vào khu vực sản xuất, canh tác, vùng nguyên liệu của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
"Đến nay, toàn bộ đường vào trung tâm xã đã thông suốt; đường từ trung tâm xã tới các thôn được đầu tư khoảng 70%, hơn 50% đường vào vùng nguyên liệu đi lại thuận lợi", ông Linh nói.
Tương tự, ở làng Tu Gia, thôn Tắc Pổ (xã Trà Tập, huyện miền núi Nam Trà My), nhờ có tuyến đường đường bê tông kiên cố dẫn thẳng từ xã lên, nên trong 3 năm qua, đời sống của gần 50 hộ đồng bào thay đổi nhờ làm ăn khấm khá hơn. Nhà nhà đều sắm xe máy để thuận tiện cho việc đi lại.
Theo già làng Hồ Văn Núi, trước đây khi chưa có đường giao thông, cứ mỗi lần trong làng có người đau ốm, bà con phải cõng, khiêng bộ đi cấp cứu. Cái nghèo, cái đói cứ đeo bám không dứt. Nhưng từ khi có con đường mở ngang qua làng, già và bà con ai nấy đều phấn khởi. Nhờ có điều kiện tiếp thu văn hóa đời sống mới, nên người dân nâng cao nhận thức, suy nghĩ, nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế.
Ông Lê Đình Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho hay: Hiện toàn xã Trà Tập có 27 nóc ở 4 thôn, trong đó 6 nóc khó khăn nhất đã có hệ thống giao thông dẫn đến tận nơi nhằm vực dậy đời sống cho bà con. Riêng làng Tắc Pổ, từ khi có con đường đến nay, cuộc sống bà con bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Có đường giao thông vào tận thôn/làng, người dân Cơ Tu huyện Tây Giang có điều kiện phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi.
Theo ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, chủ trương đầu tư xây mới các tuyến đường giao thông, đường vào khu vực sản xuất, vùng nguyên liệu không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, mà còn góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương.
Trong thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục tìm kiếm, huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường vào khu vực sản xuất, vùng nguyên liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân làm ăn, nâng cao thu nhập, đời sống.
Tiếp tục đầu tư công trình thí điểm vào vùng nguyên liệu
Những ngày gần đây, tuyến đường vào khu sản xuất thôn A Dinh (thị trấn Prao, huyện Đông Giang) dài 3km đang được triển khai thi công. Đây là một trong 9 dự án công trình đầu tư được HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua chủ trương hỗ trợ nguồn vốn địa phương thực hiện.
Theo ông Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đông Giang, mở tuyến đường vào khu sản xuất thôn A Dinh sẽ khai mở nhiều vấn đề. Trước hết, gần 150 hộ dân đi vào khu vực sản xuất, thu hoạch sẽ rất thuận lợi vì ven tuyến hiện hữu 250ha rừng keo, 35ha quế, 15ha chè dây, 7ha ba kích tím, 8ha đinh lăng và nhiều loại cây khác. Đường mở ra là điều kiện hiện thực hóa mục tiêu sắp xếp dân cư; phát triển 71ha cây dược liệu, trồng 170ha rừng gỗ lớn theo quy hoạch tại A Dinh. Đặc biệt sẽ tháo “điểm nghẽn” phát huy hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cải thiện thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Người đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện biên giới Tây Giang thay đổi cuộc sống nhờ phát triển mô hình trồng lúa nước, thay cho trồng lúa rẫy năng suất thấp.
Theo ông Võ Công Phúc, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, năm 2020, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư nhóm dự án đường giao thông vào vùng nguyên liệu, với 9 công trình thí điểm tại 9 huyện miền núi.
Ông Linh cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh, mỗi huyện miền núi chọn làm thí điểm một tuyến giao thông vào vùng nguyên liệu, hiện huyện Tây Giang đề xuất đầu tư đường từ thôn H’júh đi thôn Atu I về thôn Cha’nốc (đầu tuyến giao với ĐH4.TG, cuối tuyến giáp với ĐT606 đi cửa khẩu phụ). Công trình sẽ tạo động lực, niềm tin cho nhân dân phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực biên giới.
"Hiện huyện Tây Giang đã quy hoạch vùng sản xuất xã Ch’Ơm khoảng 1.000ha để trồng đảng sâm, táo mèo, cam, sâm bảy lá, rừng gỗ lớn… Đường sá rộng mở sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng cây dược liệu, giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới", ông Linh nói.
Tuyến đường vào vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) được nâng cấp, mở rộng.
Ông Mẫn cũng cho hay, đối với Nam Trà My, huyện quyết định chọn tuyến đường vào vùng nguyên liệu xã Trà Dơn để đề xuất tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí đầu tư. Tuyến đường này sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Khi lưu thông thuận lợi, các sản phẩm chủ lực ở Trà Dơn như lúa, bắp..., hay dược liệu sẽ tăng giá trị.
Ông Huy cho biết: Khi có chủ trương mở đường, người dân nơi đây rất ủng hộ khi mở đường, nên ai cũng đồng thuận hiến làm đất. Để sớm hoàn thành tuyến đường vào khu sản xuất thôn A Dinh (thị trấn Prao), hiện huyện Đông Giang đã có kiến nghị tỉnh Quảng Nam sớm tiếp tục bố trí nguồn vốn hỗ trợ để thi công bề hạng mục mặt đường.
"Trước những tiềm năng, kỳ vọng từ việc đầu tư đường vào thôn A Dinh, UBND huyện Đông Giang cũng đang xây dựng đề án phát triển hạ tầng giao thông gắn với vùng nguyên liệu. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vào các khu sản xuất trên địa bàn Đông Giang không chỉ giải bài toán tăng cường khả năng lưu thông, mà còn tạo thuận lợi phát triển nông - lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xóa đói giảm nghèo bền vững", ông Huy thông tin.