Có cầu bê tông, người dân miền Tây bớt khổ
Những ngày cuối tháng 12/2021, Đại đức Thích Lệ Tấn, Sư thầy Trụ trì chùa Giác Hoa, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An rất bận rộn với hàng loạt lễ khánh thành cầu giao thông nông thôn, bàn giao nhà tình thương. Đặc biệt, trong 2 ngày 21-22/12, Đại đức Thích Lệ Tấn cắt băng khánh thành 5 cây cầu tại 3 xã Hậu Thạnh Tây, Hậu Thạnh Đông và Kiến Bình (huyện Tân Thạnh), tổng trị giá khoảng 3 tỷ đồng.
Hàng trăm cầu giao thông nông thôn được khánh thành thay thế "cầu khỉ" vùng sông nước miền Tây
Các cầu được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, ngang từ 3,3 - 3,5 m, có lan can bảo vệ an toàn, tải trọng từ 1,5 tấn trở lên đảm bảo phục vụ vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp và đi lại của người dân, học sinh. Cũng trong tháng 12 này, Đại đức Thích Lệ Tấn tiếp tục khởi công 15 cây cầu nữa.
Ông Trịnh Văn Vĩnh (ngụ xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cho biết, thầy Thích Lệ Tấn vận động xây cầu bắc qua kênh ấp 2 xã này, người dân rất mừng. Có cây cầu, giúp cho việc đi lại thuận lợi, học sinh đến trường không còn lụy đò.
Còn ông Lê Hoàng Dũng (ngụ ấp 7 Ngàn, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) cho biết, cầu bắc qua Kênh 6000 nối liền ấp Bằng Lăng - ấp 7 Ngàn được thầy Lệ Tấn vận động xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, đảm bảo theo tiêu chuẩn cầu giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Cầu có 3 nhịp chính, với chiều dài 22 m, rộng 3,3 m, có lan can bảo vệ an toàn, tải trọng 2,5 tấn. Ông Dũng tâm sự: “Mong mỏi cây cầu này lâu lắm rồi. Cầu hoàn thành, người dân rất vui mừng, cảm ơn thầy Lệ Tấn”.
Ông Đoàn Văn Liệt, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh cho biết, cầu được thông xe đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhân dân địa phương. Đồng thời, kết nối thông suốt tuyến đường bê tông liên xã Tân Ninh, Tân Lập và các tuyến đường giao thông khác đi ra Quốc lộ N2, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Thạnh.
“Kỹ sư áo nâu” trên 28 năm xây cầu giao thông
Hơn 28 năm qua, Đại đức Thích Lệ Tấn được người dân miền Tây biết đến như một “kỹ sư áo nâu” xây dựng cầu giao thông nông thông. Mỗi năm ông vận động khoảng 10 tỷ đồng để xây cầu, làm đường giao thông, xây nhà tình thương, tặng quà cho hộ nghèo... Theo Đại đức Thích Lệ Tấn, tính riêng trong 3 năm (2019 - 2021), ông đã vận động khoảng 30 tỷ đồng thực hiện công tác xã hội, xây dựng 70 cây cầu bê tông cốt thép và 7 cầu dây văng kết hợp bê tông ở các xã trong huyện và các địa phương lân cận. Đặc biệt, công trình cầu treo lớn bắc qua kinh Dương Văn Dương trên địa bàn huyện Tân Thạnh được xây dựng với chiều dài 80 m, rộng 3 m, tải trọng 3,5 tấn, tổng giá trị 1,6 tỉ đồng.
Tâm nguyện của Đại đức Thích Lệ Tấn là: “Xây được nhiều cây cầu, giúp cho nhiều hộ gia đình khó khăn góp phần cải thiện đời sống cho bà con vùng sông nước miền Tây. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của địa phương, cũng như các sinh hoạt của người dân nông thôn ngày càng văn minh, tiến bộ. Đặc biệt việc đi lại của người dân, học sinh, phật tử đảm bảo ATGT”.
Đại đức Thích Lệ Tấn đang thực hiện tiếp 15 cây cầu giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Tân Thạnh và các địa phương lân cận
Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, Long An cho biết, Đại đức Thích Lệ Tấn bén duyên với việc xây cầu từ hàng chục năm trước. Ngoài việc dành thời gian đi khảo sát thực địa, vận động kinh phí từ các mạnh thường quân, nhà sư cùng nhóm thợ còn mày mò, thiết kế những chiếc cầu giá thành rẻ nhưng bền đẹp, được ngành xây dựng cấp phép.
Từ đó, những chiếc cầu bê tông mang thương hiệu “kỹ sư áo nâu” bắt đầu xuất hiện ở nhiều vùng quê nghèo, từ Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành (Long An) đến một số địa phương lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp... Đặt biệt, Đại đức Thích Lệ Tấn vừa được trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận là nhà sư vận động xây cầu và các công trình từ thiện nhiều nhất tỉnh Long An. Đại đức còn là Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện liên tục 4 nhiệm kỳ.
Không chỉ xây cầu, Đại đức Thích Lệ Tấn còn quan tâm nhiều đến những mảnh đời khó khăn, bất hạnh ở các địa phương trong tỉnh. Trong năm 2021, ngoài việc xây cầu, Đại đức cùng tăng, ni phật tử chùa Giác Hoa trao tặng hàng ngàn phần qua cho người dân trong thời gian dịch bệnh Covid-19; xây dựng hàng chục căn nhà đại đoàn kết làm hàng ngàn mét đường bê tông.
“Mong rằng trong thời gian tới, nhiều công trình mang thương hiệu “kỹ sư áo nâu” sẽ tiếp tục được xây dựng theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ đó từng bước nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An”, ông Đông chia sẻ.