Giao thông thuận tiện
Tuyến Quốc lộ N2 có chiều dài trên 440 km nối QL22 và QL30 xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Đoạn qua địa bàn Long An có điểm đầu từ cầu vượt Củ Chi (TP.HCM) đi vào Tỉnh lộ 8, rồi qua các huyện Đức Hòa, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Tân Thạnh (Long An) vượt qua vùng mênh mông sông nước về tận cái rốn của Đồng Tháp Mười là thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Tuyến QL.N2 đánh thức Đồng Tháp Mười
Chạy suốt quãng đường dài khoảng 100 km, vượt qua 30 cây cầu, PV Báo Giao thông cảm thấy trong lòng ngất ngây bởi những cánh đồng lúa bạt ngàn nặng trĩu hạt, những đầm sen lung linh khoe sắc hòa quyện với vị ngọt của hương tràm, bay lẫn trong gió.
Theo quan sát của PV, dọc theo Quốc lộ N2, đoạn từ huyện Đức Hòa (Long An) về huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), nhiều ngôi biệt thự hoành tráng, nhà tường cao tầng kiên cố, khang trang đua nhau mọc lên hai bên đường. Bên cạnh đó là những dự án, công trình hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang thi công san lắp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng.
Bà Nguyễn Ngọc Châu (60 tuổi, giáo dân huyện Thạnh Hóa, Long An) cho biết, trước khi có Quốc lộ N2, vùng này ít ai đến vì đi lại rất khó khăn. Một số người từ nơi khác đến đây lập nghiệp nhưng cũng bỏ trở về quê. Từ khi Quốc lộ N2 đưa vào sử dụng đến nay, cuộc sống người dân nâng lên rõ rệt, nhà kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, trong nhà có đầy đủ tiện nghi... Sản xuất nông nghiệp cũng đỡ vất vả vì máy móc vào tận ruộng.
“Con tôi đi làm xí nghiệp ở Tân An được xe công ty rước tận nhà, đưa đến tận nơi, các cháu đến trường không còn cảnh bơi xuồng ba lá. Đồng bào công giáo huyện Thạnh Hóa giờ đi lễ nhà thờ hàng tuần được thuận lợi”, bà Châu chia sẻ.
Anh Lê Tài Lợi, lái xe tải chuyên chở hàng hóa, nông sản, thực phẩm ở huyện Tân Thạnh (Long An) cho biết, trước đây hàng hóa từ Tân Thạnh đi TP.HCM và ngược lại phải ra QL1 rất xa, tốn nhiều thời gian, tăng thêm chi phí. Từ khi có Quốc lộ N2 đến nay, đoạn đường được rút ngắn rất nhiều, chi phí cho một chuyến hàng cũng giảm đáng kể.
Ông Huỳnh Văn Tấn (ngụ xã Long Thành, Thủ Thừa, Long An) canh tác 5 ha lúa ở xã Long Thành, huyện Thủ Thừa cho biết: “Nhờ có Quốc lộ N2 việc vận chuyển hàng chục tấn lúa mỗi vụ của gia đình tui được thuận tiện hơn. Trước đây phải vận chuyển bằng ghe, xuồng giới hạn trọng tải nên phải đi nhiều chuyến, tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí tăng lên. Nay chỉ cần lúa chuyển lên Quốc lộ N2 thì có xe tải chở một mạch về nhà máy bán cho thương lái…”.
Vực dậy nền kinh tế nông nghiệp Đồng Tháp Mười
Bà Hồ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, Long An cho biết, huyện đang tập trung xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ dọc tuyến Quốc lộ N2 qua địa bàn huyện. Đồng thời, huyện triển khai đầu tư xây dựng đường Nguyễn Văn Tiếp; nhựa hóa đường vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ để phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện.
Có tuyến QL.N2 người dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo Đồng Tháp Mười đi lại thuận lợi.
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, Quốc lộ N2 đưa vào sử dụng góp phần vực dậy nền kinh tế nông nghiệp ở khu vực Đồng Tháp Mười, giảm phần nào áp lực quá tải QL1. Đồng thời, kết nối khu vực này với vùng kinh tế Đông Nam bộ, nhất là TP.HCM. Tỉnh cũng đang khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường kết nối với Quốc lộ N2 như đường tỉnh 817, 816, 819…để tạo sự phát triển toàn diện trong khu vực.
Tuy nhiên, những năm gần đây lưu lượng phương tiện tăng cao, Quốc lộ N2 và đoạn chồng lấn QL62 đang bị qua tải, nhất là những ngày lễ, Tết giao thông ùn ứ liên tục. Vì vậy, nếu Quốc lộ N2 và QL62 cùng được đầu tư nâng cấp, mở rộng sẽ giảm áp lực quá tải, giảm ùn tắc giao thông kéo dài. Đồng thời, rút ngắn thời gian đi lại của người dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo của các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang với TP.HCM, tạo hành lang kết nối không gian Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp Long An với các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam và vùng kinh tế trọng điểm của Campuchia.
Qua đó, thúc đẩy giao thương kinh tế với Campuchia qua cửa khẩu Bình Hiệp - Prây Vo; tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối hiệu quả với các trung tâm đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và hệ thống cảng, logistics trên địa bàn tỉnh Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận với khu vực Đồng Tháp Mười. Từ đó, làm tăng thêm tính hấp dẫn, mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị… tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp Long An và các địa phương trong vùng.