Nhiều đường được cứng hóa, phá thế độc đạo
Chỉ cách trung tâm xã Yên Định và thị trấn An Châu vài km nhưng trước đây, mỗi lần có việc phải đến trung tâm xã, huyện, người dân thôn Tiên Lý, xã Yên Định lại phải đi bộ, trèo đèo, lội suối vài giờ.
Đường liên xã An Châu, Yên Định và Giáo Liêm, huyện Sơn Động được cứng hóa từ nguồn vốn 30a.
Nguyên nhân là do, thôn nằm giữa thung lũng, bao quanh bởi các dãy núi cao, vực sâu, địa hình hiểm trở giao thông đi lại khó khăn.
“Trước đây, năm nào gia đình tôi và các hộ dân trong thôn cũng huy động nhân lực, dùng cuốc, xẻng mở đường vượt núi để đi ra bên ngoài. Ban đầu, tuyến đường chỉ phục vụ đi bộ, sau đó đã được mở rộng phục vụ xe đạp, xe máy nhưng vẫn thường xuyên bị chia cắt trong mùa mưa, bão”, bà Hoàng Thị Chiến (55 tuổi), dân tộc Tày, thôn Tiên Lý chia sẻ.
Thực trạng trên đã khiến cuộc sống của các hộ dân thôn Tiên Lý gặp nhiều khó khăn, hàng hóa, nông sản làm ra đều khó tiêu thụ, giá trị thấp.
Trước tình cảnh này, năm 2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt dự án xây dựng đường liên xã An Châu, Yên Định và Giáo Liêm, huyện Sơn Động với tổng mức đầu tư hơn 37,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình 30a thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và vốn đối ứng của UBND huyện Sơn Động.
Nguồn vốn 30a đã giúp người dân Sơn Động xóa đói, giảm nghèo. Ảnh Xuân Thỏa.
Dự án nhằm khắc phục khó khăn về giao thông, kết nối, đi lại của người dân trong khu vực. Từng bước xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tại các xã An Châu, Yên Định, Giáo Liêm và huyện Sơn Động. Qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giảm số hộ nghèo tại địa phương.
Với vai trò, ý nghĩa trên, trong năm 2018, dự án xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn xã Long Sơn và Thanh Luận, huyện Sơn Động được phê duyệt, triển khai với tổng mức đầu tư hơn 22 tỷ đồng. Đến nay, các dự án trên đều đã hoàn thành cứng hóa mặt đường, không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, các loại hàng hóa, nông sản như gỗ rừng trồng, vải thiều, nhãn... làm ra đều được vận chuyển, tiêu thụ thuận lợi. Từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân.
Tạo đà giúp dân giảm nghèo
Theo UBND huyện Sơn Động, trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình 30a dành cho xây dựng hạ tầng giao thông đạt hơn 200 tỷ đồng.
Từ năm 2009 đến nay, huyện đã cứng hóa được gần 500km đường giao thông; 100% đường đến trung tâm các xã đều đã được cứng hóa. Đường điện, trạm y tế, trường học cũng được xây dựng, đạt chuẩn quốc gia. Đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập gấp 2,5 lần khi bắt đầu thực hiện đề án, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Sau chương trình hỗ trợ trên, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn cũ đã giảm từ hơn 50%, hiện xuống còn 16%.
Đổi thay rõ nét nhất chính là hệ thống cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo vùng cao, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kinh tế.
“Bằng nguồn vốn hỗ trợ này, hàng năm đơn vị đều lập các dự án đầu tư, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Qua đó góp phần giúp người dân đi lại thuận tiện, xóa đói, giảm nghèo”, ông Khúc Trường Sinh, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Sơn Động nói.
Tuy đã đạt được kết quả bước đầu như trên nhưng trao đổi với PV Báo Giao thông, Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động chia sẻ: Tuy đã được chú trọng đầu tư, tập trung giúp người dân giảm nghèo nhưng hiện nay Sơn Động vẫn là địa phương khó khăn nhất của tỉnh.
Với mục tiêu phát triển kinh tế rừng là mũi nhọn, trọng tâm thực hiện, UBND huyện Sơn Động đã xây dựng đề án, đề nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ 176 tỷ đồng giúp sửa chữa, nâng cấp 36 ngầm tràn dân sinh, cứng hóa các tuyến đường liên thôn trên địa bàn. Dự kiến, chương trình sẽ được triển khai trong năm 2022 và 2023 theo chương trình hỗ trợ phát triển giao thông miền núi; giúp người dân thuận tiện trong lưu thông, giảm nghèo và phát triển hơn nữa đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn.