Hiệp Thành là một xã vùng ven của TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Toàn xã có 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống, có 2.075 hộ với 8.205 khẩu (trong đó, hộ đồng bào dân tộc là 434 hộ với 1.917 khẩu, tập trung nhiều ở hai ấp Giồng Giữa và Xóm Lẫm).
Đi trên con đường bê tông hóa thuộc ấp Giồng Giữa, anh Thạch H. phấn khởi, trước đây, chưa có đường bê tông, việc đi lại của người dân, các cháu học sinh đi học vất vả. Đường đất mòn, trời nắng khô ráo đạp xe đi được, còn trời mưa phụ huynh phải theo dõi đến giờ tan trường để rước các cháu về.
Đường bê tông hóa mở ra diện mạo mới cho khu vực có đông đồng bào dân tộc ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
“Không có đường, mỗi khi đến đợt thu hoạch rẫy, bị thương lái thu mua ép giá, bà con chúng tôi ở đây cũng chịu luôn. Khi hay tin chuẩn bị làm đường, bà con vui mừng lắm, người hiến đất, người góp ngày công, có đường rồi đi lại thuận tiện, giao thương thông thoáng, điện, nước sạch cũng tới nhà bà con chúng tôi phấn khởi lắm và cảm ơn chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc được tốt hơn”, anh H. chia sẻ thêm.
Cũng theo anh H., vừa qua địa phương có vận động người dân cùng nhau phát hoang bụi rậm trồng hoa kiểng để tạo cảnh quan hai bên đường, bà con hăng hái tham gia nhiệt tình, đường sá cũng khang trang và sạch sẽ hơn, nhất là dịp Tết đến, Xuân về đang rất cận kề.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó, UBND xã Hiệp Thành đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, đồng bào dân tộc, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, các Nghị định của Chính phủ về công tác dân tộc, góp phần tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Hiệp Thành chung sức xây dựng Nông thôn mới, làm đẹp đường quê.
Đáng ghi nhận, lãnh đạo xã Hiệp Thành đã kịp thời giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số thoát nghèo (từ đó xã không còn hộ nghèo là người dân tộc thiểu số).
Bà Dương Thị An Til, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, thời gian qua, xã đã giới thiệu việc làm cho 102 người thuộc đồng bào dân tộc.
“Nhằm giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có được nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, UBND xã đã tranh thủ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi như: chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch - vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng…
Đồng thời, đưa 4 người đi tập huấn kiến thức, tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh để phổ biến lại trong cộng đồng người dân tộc, giúp nhau thoát nghèo”, bà Til cho hay.
Cũng theo bà Til, hiện nay, xã có 4/4 ấp có Nhà Văn hóa và xã có Nhà Văn hóa để sinh hoạt cộng đồng dân cư; tỷ lệ huy động học sinh dân tộc đến trường đạt 100%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch và hố xí hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 100%; 100% số hộ chăn nuôi chuồng trại hợp vệ sinh.
Phụ nữ đồng bào dân tộc xã Hiệp Thành trồng hoa kiểng tạo cảnh quan đô thị.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc, đặc biệt là quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi để phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc, tiến đến xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu”, bà Til thông tin thêm.
Theo Phòng Dân tộc TP. Bạc Liêu, xã Hiệp Thành là đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo tích cực thực hiện sống “Tốt đời - đẹp đạo”, giúp các tín đồ nâng cao nhận thức về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Các cuộc vận động thi đua yêu nước, xã hội từ thiện được phát động rộng rãi, được các chức sắc tôn giáo phối hợp vận động tín đồ hưởng ứng như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”… Từ đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.