Xác định tiêu chí xây dựng GTNT là vấn đề cốt lõi, để phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới. Đảng ủy, chính quyền, UBND xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã quyết tâm và đạt được những thành quả trong phong trào xây dựng GTNT. Có những khó khăn ban đầu nhưng với cách làm sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, người dân đồng lòng ủng hộ.
Xã nghèo khởi sắc
“Người dân tộc chúng tôi “ngang như cua”. Như người ta thường nói, nhưng từ khi thấy được những thay đổi trong đời sống và những chính sách đúng đắn, nói được làm được của chính quyền địa phương, chúng tôi rất vui mừng phấn khởi”, anh Châu Trường, người dân tộc Khmer ở ấp Thới Hòa, xã Thới Đông nói vậy…
Con đường khang trang dẫn vào trung tâm xã.
Thới Đông là một xã nghèo, cách trung tâm huyện Cờ Đỏ hơn 10 km. Trước đây, xã qua xã, ấp qua ấp, đường nội đồng, cục bộ hoàn toàn. Kênh, rạch, chia cắt, ngang khu vực, bà con nơi đây rất khó khăn trong việc vận chuyển, chuyên chở, sản xuất.
Người dân tộc đồng bào Khmer trước nay sống sâu trong xóm, ấp nơi mà làm ruộng lúa là kinh tế chủ yếu, vận chuyển chính bằng đường sông. Họ rất hạn chế trong việc tiếp cận kỹ thuật nông nghiệp, đời sống dân trí còn thấp.
Thấy được khó khăn của bà con đồng bào dân tộc, đặc biệt là dân tộc Khmer, chính quyền địa phương đã vận động, bà con hiến đất, làm đường. Bên cạnh đó giải quyết vướng mắc, giải thích cho bà con đồng bào dân tộc thấy rõ tầm quan trọng, hiệu quả trong việc xây dựng GTNT. Chính họ là người thụ hưởng.
Ông Thạch Hoàng Anh, người dân tộc Khmer, Tổ trưởng ở ấp Thới Xuân, chia sẻ: “Là người sống ở địa phương từ nhỏ, bản thân gia đình gương mẫu trong ấp. Nên khi được chính quyền địa phương nơi đây tín nhiệm, tin tưởng, tôi đã tham gia vận động bà con hiến đất, làm đường”.
Ông nói, lúc trước đời sống người dân tộc ở đây nghèo khổ, thiếu thốn lắm. Đi ra khỏi nhà đụng lộ đất, xập xệ, sình lầy, trơn trợt, cách vài căn nhà là tới con kênh, rạch, cầu bằng cây, gập ghềnh, trẻ con đi không quen dễ bị té ngã xuống sông.
Nơi đây không có tuyến đê bao nên thường xuyên phải chịu nhiều tổn thất hoa màu, ruộng lúa, bị nước ngập úng thất thu. Vào mùa mưa, lũ, con trẻ phải nghỉ học, người lớn lội nước đến lở da chân.
Những con đường đã được bê tông hóa.
Nhưng từ khi có được con lộ bê tông khang trang như ngày hôm nay, đời sống, thay đổi rất nhiều, muốn vận chuyển hàng hóa cũng dễ dàng hơn, con cái đi lại thuận tiện. Bà con nơi đây ai cũng phấn khích đồng tình với việc hiến đất, làm đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm””, ông cho biết.
Người dân tộc hân hoan
Thới Đông là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống với 239/970 hộ trên toàn xã. Từ khi phong trào mở rộng lộ GTNT đẩy mạnh, đời sống của họ đã có sự thay đổi về kinh tế, chất lượng, cuộc sống được cải thiện. Trong năm 2021, trên địa bàn xã, số hộ nghèo thuộc người đồng bào, dân tộc chỉ còn 1 hộ.
Anh Châu Trường là 1 nông dân chí thú, làm ăn, thoát nghèo, từ bàn tay trắng giờ đã xây được nhà cao, rộng, đẹp, khang trang, vợ thì mở buôn bán thêm, thành hộ khá, giàu trong trong ấp Thới Hòa, xã Thới Đông.
Anh Châu Trường cho biết: “Khi Nhà nước có chủ trương xây GTNT trước nhà, anh đã rất phấn khởi, hiến đất và vận động anh, em, bà con, trong gia đình chủ động dọn đường, phá cây để thi công, thuận tiện”, anh kể.
Anh nói, trước đây chưa có cầu bê tông, muốn đi ruộng, phải lội kênh sang bờ bên kia, việc chăm sóc ruộng lúa cũng gặp khó khăn. “Từ ngày có con lộ cao ráo, sạch sẽ, giờ muốn ăn, uống, mua sắm gì cũng có người bán đến tận nơi, giá vật tư nông nghiệp, phân, thuốc trừ sâu giá thành cũng giảm, nhờ vận chuyển đường bộ tiết kiệm chi phí”, anh cho biết thêm.
Để đạt được nhưng thành công bước đầu, đó là những nỗ lực không ngừng của Đảng, chính quyền địa phương nơi đây. Ông Lê Phước Đức, Chủ tịch UBND xã Thới Đông chia sẻ: “Về kết quả đánh giá tiêu chí Nông thôn mới, tiêu chí về GTNT xã đã đạt. Từ năm 2017 xã được công nhận Nông thôn mới.
Do xã nghèo nên rất khó khăn, đặc biệt là kinh phí, nhưng xã đã vận động tối đa nguồn kinh phí Nhà nước, xã hội hóa, sáng tạo trong cách làm”.
Ông nói, chính quyền sẽ chọn những người sống lâu năm, có tiếng nói để vận động bà con, hiến đất, làm đường. Nhờ vậy, đạt được sự đồng thuận ủng hộ 100%.
Con đường vào xã khá khang trang.
“Đời sống bà con đồng bào dân tộc nơi đây, vươn lên rõ rệt. Đặc biệt là đời sống kinh tế, xã hội, ý thức chấp hành luật lệ giao thông, đường lối chính sách. Ngoài ra, hộ nghèo nơi đây xóa đói gần 100%”, ông hớn hở.
Hiện xã cũng có 3.200 mét đường từ trung tâm xã đến xã Thới Xuân (tuyến Cờ Đỏ - Nóc Bằng) đã đầu tư nhựa hóa 100%, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Đường trực ấp và liên ấp được cứng hóa theo quy định của Bộ GTVT đạt 16.432/31.700 mét, chiếm 51%.
Toàn xã đã không còn những chiếc cầu gỗ rập rình, những đường trơn trợt, sình lầy, đầy “ổ gà”, “ổ voi”. Thay vào đó là tuyến đường thẳng tắp, thênh thang, cao ráo, cho con em người đồng bào dân tộc được đến trường trong niềm hân hoan. Chất lượng sống của đồng bào ngày một nâng cao.