Niềm vui trong lớp "xóa mù"!

Tạ Vĩnh Yên

Lớp "xoá mù" vùng Krông Pa (Gia Lai) được mở ra mà những học sinh là những người mẹ, người bà. Những bàn tay thô ráp đã nắn nót từng nét chữ...

Lẫn khuất dưới những tán rừng, phơi lưng trên nương rẫy nhiều người mẹ, người bà trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn mờ mịt với cái chữ. Trước tình trạng ấy, Hội Liên hiêp phụ nữ huyện Krông Pa phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tổ chức những lớp học đặc biệt ấy từ đầu năm tới nay.

Một lớp học xóa mù chữ ở vùng sâu vùng xa huyện Krông Pa.

Vỡ oà khi viết được tên chính mình

Chị Ksor H’Tuing (buôn Ngôl, xã Uar, Krông Pa) sinh ra trong gia đình Jrai nghèo, đông anh em. Tuổi thơ của chị lầm lũ trên rẫy, cứ vụ mùa này đến vụ mùa khác như thế trôi đi. Những nhà chòi trong rẫy cách xa làng đã trở thành tuổi thơ của chị. Và, cũng bởi bởi cuộc sống mưu sinh, người phụ nữ tuổi 9X này chưa một lần được tới trường để biết thế nào là bảng đen, phấn trắng, chưa biết thế nào là tuổi học trò...

Cuộc sốn cứ thế trôi đi, chị H’Tuing bắt chồng theo phong tục địa phương rồi sinh con. Ngặt nỗi, chưa một lần biết cái chữ là gì nên khi con của chị học tiểu học nên... không thể kèm cặp được con. Thậm chí ngại ngùng mỗi khi phải họp phụ huynh cho con. “Mình không biết cái chữ, không biết dạy con. Giấy tờ gì cũng không biết đọc, chỉ biết điểm chỉ bằng ngòn tay thôi...”.

Đâu phải riêng chị H’Tuing, ở ngay buôn của chị cũng có rất nhiều người không biết cái chữ. Con cái lớn lên cho đi học không thể nào chỉ dạy, kèm cặp khi con lớn. Cứ thế, khát khao biết đọc, biết viết cứ âm ỷ trong lòng mỗi người nhưng bảo đi học lại ngại ngùng vì tuổi đã lớn và không sắp xếp thời gian được.

Trước mong muốn của những người phụ nữ ở buôn làng, Hội phụ nữ xã Uar đã vận động tham gia lớp xóa mù chữ do Trường Tiểu học xã Uar tổ chức hồi đầu tháng 4 năm nay. Chị chị H’Tuing và những người phụ nữ khác trong làng đều rất háo hức. Ai cũng hăm hở, sắp xếp công việc gia đình trang bị cho mình những cuốn vở.

Bắt đầu từ những chữ cái đầu tiên, cho đến khi nắn nót viết từng con chữ, nhất là viết đầy đủ họ tên mình trên tập vở khiến những người phụ nữ lâu nay mù mịt bởi những chữ cái đã vỡ oà hạnh phúc.

Biết đọc, biết viết khiến H’Tuing tự tin hơn hẳn trong cuộc sống. Chị có thể đọc sách, cầm chiếc điện thoại cảm ứng lên mạng lướt facebook, sử dụng internet, kiểm tra bài học của con mỗi ngày… điều chị chưa bao giờ nghĩ đến trước đây.

“Biết chữ giúp mình nhiều thứ lắm, mình có thể ký tên lên nhiều loại giấy tờ, đọc tin nhắn trên điện thoại, cập nhật thông tin trên mạng xã hội, dạy cho con học bài…”, Chị ’Tuing chia sẻ.

Những người trẻ, người già không ngại ngần đến lớp để tập nắn nót từng con chữ.

Lớp xoá mù "đặc hiệu"

Để tăng cường khả năng đọc, viết và giao tiếp bằng tiếng Việt cho hội viên phụ nữ, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện Krông Pa đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện tổ chức 7 lớp xóa mù chữ tại các xã: Uar, Chư Drăng, Chư Rcăm, Ia Rmok, Phú Cần với 70 hội viên, phụ nữ tham gia. Nhờ tham gia lớp học này, từ chỗ không biết chữ, đến nay nhiều chị em đã có thể đọc, viết, giao tiếp tiếng Việt khá lưu loát.

Cô giáo Ksor H’Pranh - giáo viên trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng tham gia giảng dạy lớp xóa mù chữ cảm thấy hạnh phúc lây vì những ngượng nghịu của những người mẹ, những tiếng cười vui vẻ trong lớp học của mình.

“Lớp học có nhiều chị ở nhiều lứa tuổi, có chị đã làm mẹ, làm bà. Mọi người đều bận rộn với công việc nương rẫy lẫn việc gia đình nhưng luôn có mặt đầy đủ trong các buổi học. Họ cũng khao khát biết đọc, biết viết như mọi người nên rất chú ý lắng nghe, chăm chỉ luyện chữ viết dù vẫn còn lóng ngóng, ngượng nghịu. Nhiều chị sau khi tham gia lớp học này không những biết viết, biết đọc mà còn chỉ được cho con em mình học bài”, cô giáo Ksor H’Pranh chia sẻ.

Chứng kiến niềm vui, sự hứng khởi của những học trò lớn tuổi, cô giáo H’Pranh càng tận tâm với bài giảng của mình. Giáo án cho lớp học đặc biệt cũng được cô biên soạn sao cho dễ hiểu, phù hợp với khả năng tiếp nhận của chị em.

Theo Hội LHPN huyện Krông Pa, để khích lệ tinh thần học tập của hội viên, phụ nữ, cán bộ hội không chỉ đến từng nhà hội viên động viên, nói rõ lợi ích của việc biết đọc, biết viết mà còn tặng các chị bút, vở, dụng cụ học tập.

Bà Rơ Ô Lễ - Chủ tịch Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, ở các xã vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ phụ nữ không biết chữ trên 30 tuổi trở lên vẫn còn 30 - 40%. Có người phải tới vận động nhiều lần, nhưng cũng có nhiều chị chủ động đăng ký đi học để đáp ứng những nhu thiết thực của cuộc sống. Để phù hợp với sinh hoạt, tập quán của chị dân tộc thiểu số, các lớp học được tổ chức vào buổi tối để mọi người đều có điều kiện và khung thời gian phù hợp tham gia lớp học đầy đủ, không bỏ giữa chừng.

“Lớp học xóa mù chữ giúp chị em nâng cao sự hiểu biết, cập nhập được thông tin về cuộc sống bên ngoài buôn làng qua sách báo, qua thông tin truyền thông. Từ đó, họ có thể áp dụng những những kiến thức tìm hiểu qua sách, báo vào sản xuất, chăn nuôi, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình. Hơn nữa, việc biết chữ còn giúp các chị xóa đi mặc cảm, không còn ngại ngùng, e dè khi đi họp phụ huynh hay ký vào sổ liên lạc cho con. Nhiều chị sau khi biết đọc, biết viết mới mạnh dạn đăng ký vay vốn ngân hàng qua kênh của phụ nữ để đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất”, Bà Rơ Ô Lễ cho biết thêm.

Cũng theo Chủ tịch Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa, qua các đợt bùng phát dịch bệnh, hội LHPN các cấp tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh, các hoạt động an sinh xã hội, các chủ trương, phong trào, cuộc vận động của phụ nữ thông qua mạng xã hội. Nếu không biết chữ, các chị sẽ rất khó tiếp cận các nguồn thông tin kịp thời, chính xác. Trong tình hình mới, việc biết đọc, biết viết sẽ hỗ trợ chị em phụ nữ rất nhiều trong cuộc sống. Do đó, trong thời gian tới, hội LHPN huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo mở thêm các lớp xóa mù chữ để nâng cao dân trí, giúp thêm nhiều chị em biết đọc, biết viết, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động cộng đồng.

Tạ Vĩnh Yên

Cùng chuyên mục