Trong nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai đã tận dụng nguồn lực hỗ trợ để xây dựng đường sá giao thông vào các làng, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Điều này đã giúp đỡ đồng bào nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội...
Làm đường giao thông nông thôn ở Chư Păh, Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Làm đường cấp bách
Đường vào làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, Gia Lai) là tuyến giao thông huyết mạch của người dân 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số xã Hà Ra, gồm: Jơ Long, Bok Ayol, Kdung, Bchăk và Đê Kôn. Trong đó, đoạn từ làng Kdung vào làng Đê Kôn dài 2,9 km không đi lại được vào mùa mưa. Đây là làng đặc biệt khó khăn, có 70 hộ dân, phần lớn là người Ba Na sinh sống bằng nông nghiệp. Giao thông không thuận lợi và cách trở nên việc mua bán nông sản vào những tháng cuối năm gần như bế tắc, tư thương ép giá, đời sống sinh hoạt của bà con bị nhiều ảnh hưởng.
Theo ông Drưm (làng Đê Kôn), chỉ những ai từng qua đây mới hiểu dân làng mong mỏi có 1 con đường như thế nào. Mùa mưa, người dân đau ốm phải khiêng, cõng xuống núi vì đường xấu.
Cuối năm 2020, con đường này lầy lội lại càng sạt lở nghiêm trọng hơn khi phải gánh chịu hàng loạt cơn bão lũ. Con đường đi Đê Kôn không thể đi lại được. Đường đất dốc cao thẳng đứng, trơn trượt, nhiều đoạn xói lở sâu, không có phương tiện giao thông nào có thể ra vào, làng bị cô lập. Mùa mưa, nhiều hôm giáo viên phải cho học sinh nghỉ học.
Ông Lê Trọng, chủ tich UBND huyện Mang Yang cho biết, trước tình hình cấp bách chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ xe cơ giới san gạt, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, giúp bà con phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh trong cộng đồng người dân nơi đây.
Giao thông làm thay đổi bộ mặt nông thôn
“
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương đến nay trên toàn tỉnh có 129/182 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.
Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết.
”
Hòa Phú là xã thứ 4 của huyện Chư Păh vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020. Có được kết quả đó là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự cố gắng của chính quyền địa phương cùng người dân chung sức hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM. Theo đó, xã đã vận động người dân tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”, phụ nữ thi đua thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”... Qua đó, người dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, hiến đất, tự nguyện dỡ bỏ hàng rào để làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng.
Ông Rơ Châm Khoan - Trưởng thôn Hreng (xã Hoà Phú) cho hay: Người có điều kiện thì đóng góp kinh phí, người không có điều kiện thì góp ngày công hoặc hiến đất để làm nhà văn hóa, mở rộng hơn 4 km đường giao thông nông thôn và nhiều công trình khác.
“Giờ đây, xã Hòa Phú đã đạt chuẩn NTM, hệ thống điện-đường-trường-trạm được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của bà con. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao”, ông Khoan nói.
Thời gian qua, huyện Chư Păh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cải tạo lại vườn tạp, sửa chữa nhà ở, làm nhà vệ sinh, chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, người dân tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, sửa chữa, nạo vét kênh mương các công trình thủy lợi, công trình nước sạch nông thôn phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 6,06% và phấn đấu đến cuối năm 2021 giảm còn dưới 3,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm.
Một chiếc cầu giao thông nông thôn ở Gia Lai.
Nhiều thay đổi khi thực hiện chương trình 135
“
Trong 5 năm (2016 - 2020), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Gia Lai từ 19,71% (vào thời điểm đầu năm 2016) giảm còn 5,38% (vào cuối 2020).
Bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,86%;
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai trong thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho thấy, tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm đến phát triển giao thông ở các vùng đồng bào khó khăn.
Cơ sở hạ tầng đầu giai đoạn 2016, còn nhiều hạn chế, nhất là giao thông đi lại, mùa mưa gặp nhiều khó khăn, một số nơi chưa có trường mẫu giáo, trường tiểu học còn tạm bợ, trạm y tế ở nhiều xã vùng sâu xuống cấp... Thu nhập người dân ở vùng đặc biệt khó khăn rất thấp.
Tuy nhiên, từ 2016 đến cuối 2019, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 980 công trình xây dưng cơ bản, riêng về công trình giao thông lên tới 731 công trình. Đến nay có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% số thôn có đường giao thông đi lại được cả hai mùa, giao thông đi lại thuận tiện giúp cho việc lưu thông trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế trong vùng, làm thay đổi rõ rệt. Bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu đã tồn tại nhiều năm qua ở vùng dân tộc thiểu số.
Kết quả thực hiện Chương trình 135 tác động lớn đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số cả về đời sống vật chất và tinh thần. Chương trình 135 đã hòa nhịp cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực.
"Cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn được đặc biệt quan tâm, đến nay giao thông đi lại thuận tiện giúp cho việc lưu thông trao đổi hàng hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong vùng", ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai nêu.