Mới đây, ông Danh Phúc - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đã trao đổi với Báo Giao thông xung quanh về chuyện lo nhà và đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc Khmer.
Đến nay toàn tỉnh Kiên Giang còn 2 xã và 10 ấp đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài các chính sách chung như đầu tư GTNT, hỗ trợ vốn sản xuất... thì Kiên Giang còn có những chính sách nào dành cho họ, thưa ông?
Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Phải nhắc đến chính sách lớn về đất ở và nhà. Thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số theo các Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số: 74/2008/QĐ-TTg, Quyết định số: 29/2013/QĐ-TTg… trong những năm qua, Kiên Giang đã giải quyết hỗ trợ đất ở cho đồng bào dân tộc Khmer bằng nhiều nguồn vốn.
Tính đến nay, Kiên Giang đã hỗ trợ cho trên 12.500 hộ không có đất ở, với diện tích trên 12ha, với kinh phí hỗ trợ trên 45 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng ban Tuyên giáo (đeo kính) và ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang (thứ 2 từ trái sang) thăm sư sãi, bà con ở chùa Giồng Đá, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng vào dịp Tết Chol Thnam Thmay 2020. Ảnh: Hoàng Nghiệp
Hiện nay nhu cầu hỗ trợ đất ở hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều, nhưng quỹ đất của địa phương không còn. Thời gian qua tỉnh đã linh động thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ bằng nhiều hình thức như bố trí đưa vào các cụm tuyến dân cư vượt lũ và vận động thân nhân chuyển nhượng với giá cả hợp lý…
Tuy nhiên, giá đất ở hiện nay khá cao, vốn hỗ trợ ít không đủ để mua đất ở hỗ trợ cho đồng bào, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ đất ở cho đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Qua khảo sát, toàn tỉnh còn 790 hộ đồng bào dân tộc Khmer cần hỗ trợ đất ở, với kinh phí 23,7 tỷ đồng.
Ngoài đất ở, ông có nhắc đến việc hỗ trợ cả nhà ở?
Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Đúng. Được sự quan tâm thực hiện, trong những năm qua toàn tỉnh đã hỗ trợ cất được 12.252 căn nhà cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg và sửa chữa trên 1.500 căn với kinh phí trên 150 tỷ đồng. Trong đó thực hiện theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đã xây dựng 1.009 căn cho hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer, với tổng kinh phí 20,3 tỷ đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thông qua cuộc vận động Quỹ vì người nghèo và sự đóng góp của cộng đồng xã hội cũng đã cất được 1.500 căn nhà đại đoàn kết, với kinh phí trên 30 tỷ đồng. Hiện nay tỉnh đang thực hiện chính sách về nhà ở theo Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên qua rà soát toàn tỉnh vẫn còn trên 8.000 hộ là đồng bào dân tộc Khmer cần được hỗ trợ về nhà ở, với kinh phí khoản 240 tỷ đồng. Đây là vấn đề mà chúng tôi cần giải quyết rốt ráo trong thời gian tới.
Lo đất và nhà, nông dân người Khmer nghèo vẫn cần tư liệu sản xuất, và Kiên Giang đã giải quyết như thế nào?
Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Kiên Giang đã hỗ trợ đất sản xuất cho trên 2.000 hộ và hỗ trợ chuộc lại đất sản xuất cho trên 2.800 hộ, với diện tích trên 960ha, với kinh phí hỗ trợ trên 52 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ cho vay đối với những hộ không đất sản xuất để chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho trên 10.180 lao động, với kinh phí thực hiện trên 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã giải quyết cấp đất sản xuất cho 734 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo không đất hoặc thiếu đất sản xuất ở 2 khu kinh tế mới là Rọc Xây và KH 9 thuộc huyện Kiên Lương (ở vùng Tứ giác Long Xuyên) với diện tích đất sản xuất là 2.202 ha.
Nâng cấp mở rộng tuyến đường GTNT có đông đồng bào dân tộc Khmer từ Thứ 2 đi Công Sự chiều dài 28km, vốn đầu tư 200 tỷ đồng thuộc 2 huyện An Biên và U Minh Thượng, Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Nghiệp
Tại 2 khu kinh tế này, mỗi hộ được cấp từ 2-3ha đất và được hỗ trợ vật tư, phương tiện sản xuất. Đồng bào còn được hỗ trợ nhà ở, tiền san lắp mặt bằng, cải tạo đất, tiền ăn trong thời gian chưa sản xuất được (cho 798 hộ, với kinh phí 15,96 tỷ đồng - mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng). Từ đó tạo điều kiện cho đồng bào có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống. Hiện nay phần lớn đồng bào dân tộc Khmer sống ở vùng sâu, vùng xa, nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên diện tích đất sản xuất của mỗi gia đình lại ít, trải qua khó khăn nên nhiều gia đình phải cầm cố, sang bán dần đất sản xuất dẫn đến thiếu đất và không đất sản xuất chiếm tỷ lệ khá cao trong số hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Như đã nói, hiện nay quỹ đất ở địa phương hầu như không còn, nên việc hỗ trợ đất sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Giá đất sản xuất hiện nay cũng khá cao so với mức được nhà nước hỗ trợ, nên khó khăn trong quá trình thực hiện. Hiện nay qua khảo sát còn khoảng 852 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất và 2.694 hộ không còn quỹ đất cần phải chuyển đổi ngành nghề, với kinh phí thực hiện khoản 105 tỷ đồng.
Kiên Giang sẽ làm gì để hoàn thiện những vướng mắc trên?
Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Trước mắt, Kiên Giang tập trung đào tạo nghề lao động nông thôn lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề phi nông nghiệp. Đồng thời chú trọng dạy nghề cho đồng bào Khmer, nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện cho những hộ không có đất sản xuất. Nếu học nghề thì tập trung vào các trình độ cao đẳng, trung cấp tìm việc làm ổn định ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, ổn định đời sống. Khi đồng bào thoát nghèo, có tích lũy, đương nhiên tự họ cũng có thể mua đất, cất nhà, mua vườn ruộng và giảm dần những hộ trong danh sách cần hỗ trợ.
Còn về phía tỉnh, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 của Chính phủ; triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ triển khai thực hiện tốt 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 120. UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức khảo sát xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh bao gồm 10 dự án có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cảm ơn ông.