Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 37.000 xe máy kéo nhỏ được người dân sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp đa phần là của đồng bào thiểu số sử dụng.
Vụ TNGT liên quan đến xe công nông tại Chư Păh, Gia Lai hôm 4/7/2022 khiến 2 mẹ con tử vong.
Mất ATGT nội thị do công nông
TP. Pleiku mỗi buổi sớm đều xuất hiện tình trạng người dân điều khiển máy kéo nhỏ chạy xuôi ngược chở hàng hoá lưu thông trong nội thị. Ngay tại đường Phan Đình Phùng, đoạn ngã ba Hoa Lư trung tâm của thành phố mỗi buổi sớm mai hay chiều tối đều thấy những chiếc "công nông" (tên thường gọi của máy kéo nhỏ) chạy chở hàng hoá nông sản. Theo một lãnh đạo của TP. Pleiku, số phương tiện này hoạt động thường xuyên khắp nhiều nơi trong nội thị, nhất là khu vực có ruộng rẫy của những ngôi làng đồng bào thiểu số trong đô thị Loại 1 này.
Thật không khó để cảm nhận cảnh mất ATGT khi những chiếc máy kéo nhỏ này chạy băng băng trong những tuyến đường chính của Pleiku. Xa hơn nữa, những tuyến đường liên huyện, liên tỉnh và các tuyến quốc lộ đều xuất hiện cảnh những chiếc "công nông" tham gia trên đường. Có những trường hợp xe công nông chở ngất ngưởng hàng hoá nông sản và một nhóm người ngồi ở phía sau.
Theo Sở GTVT tỉnh Gia Lai, qua thống kê có 37.000 xe máy kéo nhỏ được người dân sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh. Hầu như các máy kéo này không đảm bảo đúng quy định như: về kết cấu của xe được độ chế từ hệ thống bánh lái; trục chuyển động, cầu, hộp số; bộ tăng ga và hệ thống khung, thùng, đèn chiếu sáng thậm chí không có.
Đáng nói hơn, các phương tiện trên gần như là không giấy tờ, không bằng lái, không biển số, không đèn, không vô lăng, không chiếu hậu... Và cũng chính lý do này nên hầu hết các phương tiện máy kéo, công nông của người dân tham gia giao thông hoàn toàn vi phạm quy định của pháp luật.
Ở các địa phương tỉnh ở Tây Nguyên như Gia Lai thì việc xử lý gần như rất ít. Chủ yếu là nhắc nhở, răn đe. Và cũng chính vấn đề trên nên xe công nông, máy kéo mặc dù nhiều yếu tố chưa đảm bảo kỹ thuật, nhưng người dân mặc định với những điều này là "bình thường"... Và trong mắt những người làm quản lý nhà nước, lực lượng chức năng cũng coi đây là bình thường.
Chưa kiểm soát được xe công nông
Tại Gia Lai, nhiều năm qua đã xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Nỗi lo tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, đặc biệt là khi lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ lâu nay như một bài toán nan giải, thách thức những nhà quản lý, những lực lượng chức năng cũng khó để mà xử lý thấu tình đạt lý mỗi khi tai nạn xảy ra.
Đơn cử như vụ TNGT liên quan đến xe công nông làm 2 người tử vong vào trưa ngày 4/7 tại Km 1581 đường Hồ Chí Minh thuộc thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Theo đó, thời điểm trên, chị Nguyễn Thị Ph. (SN 1984) điều khiển xe mô tô BKS 82B1-601.89 chở con trai là cháu Nguyễn Ph. (SN 2008, cùng trú tại khu phố 5, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã va chạm với xe “công nông” cùng chiều chạy phía trước do anh Nguyễn Văn Khỏe (SN 1983, trú tại thôn 2, TT. Phú Hòa, huyện Chư Păh) điều khiển. Sau cú va chạm, cả hai nạn nhân đi mô tô được người dân kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Theo số liệu báo cáo đến tháng 9/2022 của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, trong thời điểm 9 tháng xảy ra 9 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, làm 8 người tử vong và 3 người khác bị thương. Tình trạng TNGT liên quan đến xe công nông tăng tất cả các tiêu chí so với năm 2021.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đoàn Đức Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai cho biết: "Hiện nay đại đa số phương tiện máy kéo thô sơ hay thường gọi là xe công nông đa phần là của người dân tộc đồng bào thiểu số sử dụng chuyên chở nông sản. Theo quy định hiện hành thì phương tiện người điều khiển chỉ được phép lưu thông trong đường làng ngõ xóm, đường đi nương đi rẫy. Nhưng thực tế ở các tuyến quốc lộ, thậm chí ở các đô thị vẫn có rất nhiều người đồng bào điều khiển lưu thông chuyên chở nông sản, chở người tham gia cùng với các phương tiện giao thông khác. Một điều kiện khác là người điều khiển phải có GPLX hạng A4. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ có GPLX rất ít. Người đồng bào thiểu số thì nhận thức kém đồng thời không quan tâm đến chuyện học GPLX hạng A4. Vậy nên tình trạng mất ATGT xảy ra từng ngày trên các tuyến đường ở Gia Lai và khu vực miền núi.
Ông Trần Đình Sơn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh lâu nay rất phức tạp. Giải pháp đề ra từ nhiều năm trước như: tuyên truyền vận động người dân chấp hành luật thì việc xử lý của ngành chức năng và sự vào cuộc của chính quyền địa phương thực sự vẫn chưa quyết tâm, vẫn còn còn “hời hợt” và thực sự chưa chuyển biến sâu rộng trong nhân dân.
Cũng theo ông Sơn, trong nhiều năm qua, Ban ATGT tỉnh đã có rất nhiều văn bản gửi đến các ngành địa phương để ngành chức năng vào cuộc kiểm soát phương tiện, người lái đối với xe công nông. Tuy nhiên, thực tế việc vào cuộc này vẫn chưa được tốt. Tình trạng mất ATGT do người dân điều khiển xe công nông tham gia giao thông không kiểm soát nổi. Nhiều người dân vẫn tâm lý chủ quan khi điều khiển phương tiện này tham gia giao thông nên vẫn xảy ra TNGT.
"Người có GPLX hạng A4 trên địa bàn tỉnh rất ít, mà có GPLX thì cũng như không vì không có sự vào cuộc của ngành chức năng vào cuộc răn đe, xử lý nghiêm", ông Sơn nói đồng thời cho rằng thời gian tới các ngành các cấp, nhất là chính quyền địa phương phải quyết tâm vào cuộc thì mới thay đổi tình hình này".