Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 37.000 xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp với khoảng 11.000 người có nhu cầu đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4.
Người dân sát hạch GPLX hạng A4 tại Gia Lai
Tạo điều kiện cho dân hết mức để có GPLX
Thống kê của Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay toàn tỉnh có trên 37.000 phương tiện máy kéo, công nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên mới chỉ có 207 người có GPLX hạng A4, đạt 0,5% số GPLX so với phương tiện. Đa số phương tiện này là của người dân đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh.
Ông Tăng Xuân Kiên - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, tỉ lệ học viên đăng ký học và sát hạch GPLX hạng A4 của tỉnh Gia Lai là rất thấp. "Hầu như người dân không hề quan tâm đến việc học để được cấp GPLX hạng A4. Đa số là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số họ nghĩ rằng các phương tiện này chỉ dùng đi lên nương lên rẫy nên không cần thiết phải học. Các cơ sở đào tạo tạo mọi điều kiện như cơ sở hạ tầng, bài giảng và đến tại địa phương vận động để người dân học GPLX hạng A4 nhưng người dân không mặn mà.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đoàn Đức Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai cho biết: Hiện nay, chương trình đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 được xây dựng rất chi tiết, các bài giảng dễ hiểu, dễ nhớ và đáp ứng cho tất cả các học viên theo học, kể cả người không biết đọc, viết tiếng Việt.
"Lâu nay, vấn đề khó nhất khiến học viên e ngại là các thao tác thi sát hạch GPLX trên máy vi tính. Nhưng với giáo trình mới, chỉ cần giáo viên hướng dẫn 2 buổi là học viên có thể nắm bắt được, thời gian tham gia khóa học cũng chỉ 10-15 ngày. Bên cạnh đó, sau khi làm việc với Sở GTVT, Công ty đã thống nhất hỗ trợ 50% học phí cho tất cả các học viên đăng ký (hiện còn 800 ngàn đồng). Tuy nhiên, trong những năm qua, việc thu hút học viên tham gia các khóa đào tạo gặp nhiều khó khăn khi người dân vẫn thờ ơ với việc học lấy GPLX hạng A4", ông Hùng nói và cho biết thêm: "Trong năm 2021 cơ sở đào tạo được 20 học viên và năm 2022 chỉ đào tạo được 50 học viên".
Khoá học GPLX hạng A4 tại Gia Lai
Tích cực vận động nhưng kết quả không khả quan
Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4. Trong năm 2022, Sở đã chọn các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pưh và Phú Thiện làm điểm về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4. Các cơ sở đào tạo đều miễn 100% học phí (1,8 triệu đồng) cho 50 người đầu tiên và giảm 50% học phí cho những người tiếp theo trong năm 2022. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo miễn giảm học phí, đi đến tận địa phương để vận động người dân đăng ký học GPLX hạng A4 nhưng rất ít người dân tham gia.
Ông Tăng Xuân Kiên - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cho biết thêm: “Ngoài chính sách hỗ trợ về học phí, giáo trình đào tạo và sát hạch cấp GPLX hạng A4 cũng được Sở GTVT Gia Lai xây dựng đảm bảo truyền tải đầy đủ nội dung cơ bản, kết hợp phương pháp đào tạo phù hợp, trực quan sinh động thông qua hình ảnh, video minh họa. Toàn tỉnh hiện có 2 đơn vị đủ chức năng đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 là Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) và Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai). Mức học phí đào tạo, sát hạch từ 1,6 triệu đồng đến 2 triệu đồng/người.
“Để thu hút được nhiều người dân tham gia các khóa đào tạo rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, người dân nắm rõ các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế TNGT liên quan đến xe máy kéo nhỏ. Bên cạnh đó, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp xã phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh, đào tạo; đặc biệt là cung cấp danh sách, thông tin cụ thể về người dân chưa có GPLX và tạo điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện đào tạo cho người dân ngay tại địa bàn cư trú”, ông Kiên cho biết.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đình Sơn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, "Qua phân tích thì nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà tham gia các khóa đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A4 là do người dân nhận thức chưa nghiêm túc về việc học GPLX hạng A4. Đối với chính quyền một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và chưa phân tích để người dân hiểu được các cơ chế, chính sách mới, những quyền lợi mà học viên được hưởng. Cùng với đó, việc xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện xe máy kéo nhỏ không có GPLX của các cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe, còn cả nể nên người dân chủ quan, thờ ơ với việc tham gia các khóa đào tạo.
Ông Sơn cho rằng: "Việc đào tạo, thi sát hạch cấp GPLX hạng A4 cho người dân là vấn đề cần thiết, cấp bách. Vấn đề đào tạo, sát hạch cũng được Sở đề xuất lên cơ quan cấp trên với mục đích tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để phổ cập kiến thức giao thông đối với người điều khiển phương tiện loại này. Thời gian tới, để tổ chức được lớp đào tạo, thi sát hạch cấp GPLX hạng A4 rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia đăng ký đào tạo, thi sát hạch. Từ đó góp phần hạn chế, kéo giảm các vụ tai nạn và va chạm giao thông liên quan đến xe công nông”.
Cũng theo ông Sơn, "Thời gian qua chúng ta có thể chứng kiến việc vào cuộc của ngành chức năng trong việc xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng nồng độ cồn đã góp phần giảm thiểu TNGT. Bên cạnh đó, việc xử lý quyết liệt đối với người tham gia giao thông sử dụng rượu bia tạo chuyển biến nhận thức rất lớn đối với mỗi người dân. Vậy nên, nếu quyết liệt vào cuộc để tuyên truyền, vận động cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng chắc chắn người dân sẽ ý thức hơn với việc học GPLX hạng A4", ông Sơn nói.