Hạ tầng giao thông phát triển, đồng bào dân tộc ở Sóc Trăng được hưởng lợi

Gia Minh

Hạ tầng giao thông phát triển, kéo theo điện, nước, trường học… phát triển theo, nâng cao đời sống văn hóa đồng bào DTTS ở Sóc Trăng.

Xây dựng NTM, thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng đồng bào phát triển

Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, việc thực hiện Chương trình 135 là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, gắn kết chặt chẽ, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, kịp thời phục vụ nhu cầu đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và địa phương nghiên cứu, tổ chức lồng ghép nhiều nguồn lực khác.

Đường giao thông được nhựa hóa, giúp người dân vùng đồng bào DTTS ở Sóc Trăng đi lại dễ dàng, giao lưu hàng hóa thuận lợn hơn, đời sống của bà con được nâng cao.

Chính vì được sự quan tâm sâu sát, kịp thời, nên các hạng mục công trình hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào sử dụng, nhất là công trình giao thông nông thôn.

Hiện nay, tỉnh có 102 tuyến đường huyện, đường ô tô đã đến được trung tâm của 109/109 xã, phường, thị trấn kết nối được với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh… với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận lợi, vận chuyển hàng được thông suốt.

Theo đó, hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn, có nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng hiệu quả và lồng ghép với các chính sách an sinh xã hội khác như hỗ trợ vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, vốn xây dựng NTM, vốn đào tạo nghề nông thôn…

Anh Sơn Thi (ngụ huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ: "Những năm qua, hạ tầng giao thông nông thôn nối ấp liền ấp, đã có đường ô tô đến trung tâm xã giúp bà con vùng sâu, vùng xa đi lại dễ dàng. Mùa mưa các cháu học sinh đi học an toàn, không còn cảnh lội đường sình lầy, quần áo lấm lem bùn đất đến lớp".

Anh Ngô Thanh Hậu (xã An Ninh, huyện Châu Thành) chia sẻ: "Vì vậy, từ khi được tuyên truyền chủ trương chủ trương xây dựng NTM, bà con đồng bào đã hiểu và đồng tình hiến đất, góp ngày công làm lộ.

Đến khi những tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, xe ô tô tải 1,5 tấn có thể đến nhà thu mua nông sản, được lợi rất nhiều từ khi có đường, bà con đồng bào DTTS rất phấn khởi.

Từ đó, đồng bào rất tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là trong phong trào hiến đất làm đường xây dựng NTM, NTM nâng cao".

Đua ghe Ngo là một trong những lễ hội lớn và mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ ở Sóc Trăng.

Trong năm 2022, tỉnh Sóc Trăng dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS với số tiền hơn 237 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào DTTS, giúp họ có vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhờ vậy, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2 - 2,5%, riêng đồng bào DTTS giảm hàng năm từ 2,5 - 3,5%.

Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng thiết yếu

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Sóc Trăng, trong những năm qua, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng phối hợp với một số địa phương, tổ chức Hội thảo “Tuyến đường NTM kiểu mẫu”.

Các cuộc Hội thảo là dịp để các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện tuyến đường NTM kiểu mẫu. Từng bước cải thiện bộ mặt nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Ông Thạch Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ những chính sách của Trung ương, địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các vùng đồng bào DTTS được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện.

Từ đó, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá giả kéo theo mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào DTTS cũng nâng lên, bà con yên tâm phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung các nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn. Nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, liên vùng phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS như: giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa....

Gia Minh

Cùng chuyên mục