Trong ký ức chỉ hơn chục năm về trước, ông Lý Cher - người dân tộc Khmer, hiện cư ngụ ở đường Trần Hưng Đạo (nối dài), khu vực 15, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ nhớ rõ hình ảnh cứ vào mùa lũ, bà con Khmer đi lại nước ngập ngang đầu gối. Về tới nhà, ai nấy ướt sũng.
Ông Cher cho biết: “Trước đây bà con dân tộc chúng rất nghèo, đường sá chưa được đầu tư. Cán bộ đi công tác ngang đây, cũng phải quấn quần trên cổ chứ không chơi. Lộ cặp mé sông nước cuộn chảy siết, nhà không có xuồng thì không dám lội nước. Người già lớn tuổi, trẻ em rất sợ nước cuốn trôi”...
Con lộ được nâng cấp rộng rãi, thông thoáng. Ảnh: Hồ Thảo
Phường Châu Văn Liêm chia thành 15 khu vực. Người dân tộc Khmer chiếm 927 trên 5.912 hộ, và hầu như họ chỉ ở tập trung khu vực ven sông. Trước đây, như lời ông Lý Cher kể, từ khi mới lên phường, một số lộ giao thông xuống cấp, vào mùa nước nổi tháng 8, tháng 9 Âm lịch, lộ thấp hơn mực nước cả mét.
Nhiều người Khmer phải đi lại bằng ghe, xuồng rất chật vật. Trong khi đó, đời sống của những người dân tộc Khmer khó khăn, thiếu thốn. Hàng ngày họ chủ yếu làm thuê làm mướn, thu nhập bấp bênh, con em phải nghỉ học giữa chừng…
Bà con Khmer ở phường Châu Văn Liêm không còn phải chịu cảnh đi đường sình lầy, ngập nước. Ảnh: Hồ Thảo
Nhưng từ ngày được Nhà nước, chính quyền địa phương, đầu tư nâng cấp các tuyến đường GTNT đi qua các xóm có người Khmer sinh sống, cuộc sống của họ đã thay đổi rõ rệt. Là người trực tiếp thụ hưởng những cái lợi nhờ tuyến GTNT mang lại, cũng là người tuyên truyền vận động bà con, hiến đất làm đường trong khu vực, làm công tác xã hội suốt 36 năm qua, ông Lý Cher nhận rõ những thay đổi từng ngày.
“Khi có chủ trương Nhà nước sẽ đầu tư nâng cấp con lộ cao thoáng, sạch, đẹp, bà con đều đồng tình hiến đất. Riêng tôi hiến 65m2 đất thổ cư. Đúng là như đã tính. Đường rộng thông thoáng, đi lại dễ dàng, mọi thứ cũng thay đổi theo. Nhà cửa cả xóm giờ khang trang, đông đúc. Đường sá đến trường thênh thang, nên con cháu bà con lối xóm học hành tốt nghiệp 12/12, có cháu làm giáo viên, kỹ sư, bác sĩ. Cháu nào không lên được đại học thì làm công nhân xí nghiệp, thu nhập ổn định”, ông Cher khẳng định.
Ông Lý Sen và con đường vừa mới nâng cấp. Ảnh: Hồ Thảo
Ông Lý Sen 71 Tuổi , ở hẻm 2, khu vực 15, phường Châu Văn Liêm cho biết: “Khi được vận động, tôi sẵn sàng hiến đất làm lộ. Từ khi có được đường đẹp, mặt đường rộng 4m bê tông, bản thân tôi và bà con cao tuổi nơi đây cũng yên tâm. Bởi nếu bệnh tật nửa đêm, xe cấp cứu chạy vào được đến nơi. Hồi đó gia đình làm kinh tế chủ yếu bằng lao động chân tay - làm thuê làm mướn, nay có lộ thông thương, nhà mở thêm buôn bán, con cái làm ăn khấm khá hẳn lên, xây được nhà đẹp, rộng.
Đi lại dễ dàng nên việc chăm sóc ruộng, lúa của nông dân quanh vùng cũng thường xuyên, nên cứ được mùa trúng giá. Rất cảm ơn Nhà nước, chính quyền phường đã rất quan tâm đến đời sống của chúng tôi. Bà con nơi đây ai cũng rất phấn chấn, vui mừng”.
Con đường hoàn thành, ông Sen cũng sửa chữa căn nhà mình khang trang hơn. Ảnh: Hồ Thảo
Để có được những con đường đẹp, khang trang, đó là thành quả của con đường giữa chính quyền địa phương và người dân đồng lòng chung hướng. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch phường Châu Văn Liêm: “Thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, phường Châu Văn Liêm cùng bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn đồng lòng ủng hộ chương trình làm cầu đường. Rồi tiếp đến là chương trình của Chính phủ lo bà con về nhà ở...
Đối với các tuyến GTNT, chúng tôi vận động bà con hiến đất, làm đường. Tính đến nay, toàn phường đã hoàn thành 5.000m đường với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trước đây các con lộ chỉ có bề ngang 2m, nên chúng tôi vận động người dân hiến thêm đất, nâng cấp rộng thành 4m”.
Hẻm 2, khu vực 5 của phường Châu Văn Liêm đã rộng rãi, sạch sẽ. Ảnh: Hồ Thảo
Anh Trung kể, có người dân hiến đến vài chục mét đất thổ cư. Với giá thời điểm hiện tại lên đến 2 triệu đồng/m, có thể thấy sự đồng tình của bà con người dân tộc lên đến mức nào. Thời gian tới phường sẽ trình UBND huyện xin kinh phí hoàn thành tuyến đường cuối cùng còn lại là tuyến khu Lãng Quên, chiều dài 1km thuộc khu vực 15.
Đây sẽ là con đường thông thương khu vực vùng ven còn lại, để đạt 100% đường giao thông bê tông hóa đi qua vùng có người dân tộc Khmer sinh sống.