Dù có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng và đi lại của người dân các xã vùng sâu, xã biên giới, nhưng kết cấu mặt đường của tỉnh lộ 665 ở huyện Chư Prông (Gia Lai) nhiều năm qua vẫn là một trong những lực cản để phát triển biên giới vùng biên này...
Tỉnh lộ 665 qua tỉnh Gia Lai xuống cấp
Những khó khăn nơi vùng sâu
Ia Mơr là xã xa nhất của huyện Chư Prông (Gia Lai). Tỉnh lộ 665 chạy qua địa bàn xã có chiều dài khoảng 25 km. Nhiều lần đi trên tuyến đường đến Ia Mơr, chúng tôi đã có những chuyến hành trình vất vả trên con đường cũ nát, đầy ổ voi ổ gà.
Dù là tỉnh lộ nhưng chủ yếu là đường đất. Mùa nắng bụi mù, mùa mưa lầy lội. Những căn nhà xiêu vẹo, đời sống vất vả, nhọc nhằn in hằn trên nét mặt người dân nơi đây.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết: “Xã có trên 2.600 hộ dân, trong đó trên 65,62% dân số là đồng bào Jrai, tỉ lệ hộ cận nghèo chiếm 17,62%, hộ nghèo là 8,25%. Xã Ia Mơr là một trong những địa bàn còn rất nhiều khó khăn của tỉnh".
Cũng theo ông Tiến, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân thuần nông. Nghề làm nông lại phụ thuộc vào thiên nhiên mà nơi này chủ yếu là mùa mưa. Còn mùa khô thì đất đai vẫn chưa thể canh tác được vì thiếu nước tưới.
“Nhiều năm trước, cứ đến độ cuối tháng 7 đến hết tháng 8 địa phương gần như bị “cô lập” bởi đường sá không thể đi được. Mưa xuống làm cho đường lầy lội, các phương tiện vận tải khó có thể đi vào địa bàn. Đã từng có người dân bị ốm nhưng phải dùng võng rồi thay nhau cõng cả chục km đường đất mới có thể đến nơi phương tiện đi lại được.
“Khó khăn vất vả đã đành nhưng vấn đề lớn hơn đó là đường hỏng và chưa được đầu tư đã vô hình trung tạo thành lực cản để phát triển kinh tế”, ông Tiến nói và giải thích thêm: “Tháng 8 hàng năm là vụ thu hoạch lớn của người dân nhưng lại rơi vào mùa mưa.
Khi người dân tổ chức thu hái cũng là lúc mưa xuống. Cùng với đó là đường sá hỏng, xe tải vào không được nên nguy cơ nông sản hư hỏng, lên mộng sẽ mất giá trị”.
Người dân hi vọng tỉnh lộ 665 cùng với các dự án giao thông kết nối khác sẽ tạo cho Ia Mơr và các xã kề cận ở vùng biên thoát khỏi tình cảnh tương tự.
Giao thông còn tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn ở khu vực vùng biên này. Vì thế, nguyện vọng người dân mong muốn tỉnh lộ 665 sớm hoàn thành.
Cũng theo ông Tiến, Ia Mơr cũng là vùng phên dậu của Tổ quốc, việc phát triển cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống là nhu cầu cấp thiết trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng đảm bảo chủ quyền an ninh, biên giới.
“Tỉnh lộ 665 là tuyến huyết mạch kết nối Ia Mơr với các địa phương lân cận và về trung tâm huyện. Vì hầu hết là đường đất nên cứ vào mùa mưa là bà con phải sống chung với cảnh lầy lội, nhiều điểm trũng thấp thường xuyên bị cô lập. Do vậy, khi được đầu tư làm đường bê tông nhựa, người dân rất vui mừng”.
Trao đổi với ông Bùi Văn Phụng - Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr (huyện Chư Prông), chúng tôi được biết thêm trước đây tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng biên của huyện rất phức tạp, nhất là tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Campuchia.
Nguyên nhân một phần do các phần tử xấu kích động, dụ dỗ, lừa bịp. Nhưng phần lớn là do hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên giới thấp, trình độ canh tác lạc hậu, hệ thống chính trị cơ sở còn hạn chế, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn...
Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 thuộc hợp phần Dự án Tam giác phát triển (VDTA) của Việt Nam đang triển khai.
Kỳ vọng tạo động lực phát triển
Tỉnh lộ 665 (Gia Lai) có tổng chiều dài 60 km, điểm đầu từ Km 0 giao với đường Hồ Chí Minh tại Km 552+140 (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) và điểm cuối giao với quốc lộ 14C tại Km 204 (xã Ia Mơr).
Đây là con đường huyết mạch, chạy qua các xã Ia Băng, Ia Rtô, Ia Me, Ia Pia, Ia Ga, Ia Mơr cùng với đó là tuyến đường giúp người dân xã Ia Lâu, Ia Piơ đến được với trung tâm huyện Chư Prông.
Sau nhiều năm chờ đợi, Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 đã được triển khai, tạo động lực phát triển vùng.
Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 thuộc hợp phần Dự án Tam giác phát triển (VDTA) của Việt Nam có tổng mức đầu tư 122,11 triệu USD (trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 106,51 triệu USD, vốn đối ứng 15,6 triệu USD). Số tiền này hỗ trợ cho 5 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Bình Phước) để thực hiện các công trình nhằm góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân vùng thụ hưởng.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện Dự án. Ban Quản lý Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB-Tiểu dự án tỉnh Gia Lai (PPMU Gia Lai) là cơ quan đại diện chủ đầu tư quản lý Dự án. Dự án bao gồm 2 gói thầu, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2022.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Đình Hạnh- chủ tịch UBND huyện Chư Prông (Gia Lai) cho biết, nhiều năm qua tuyến đường xuống cấp đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế tại địa phương.
Kể từ khi Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 665 được triển khai thì chính quyền địa phương rất kỳ vọng Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh ở địa phương.
“Thực sự con đường khi nâng cấp đã tạo nên làn gió mới tại địa phương. Con đường cũng tạo nên bộ mặt khang trang, kết nối giao thông giữa tỉnh lộ với các tuyến đường liên huyện, liên xã, đường giao thông nông thôn mới.
Điều này rất có ý nghĩa khi hàng hoá nông sản của người dân được thuận tiện đi ra ngoài. Và có con đường thì dân mới mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp từ đó giúp dân thoát nghèo”, ông Hạnh nói.