Hồng Dân là vùng căn cứ địa cách mạng của Tỉnh ủy Bạc Liêu, trong chiến tranh bị tàn phá hết sức nặng nề, hy sinh nhiều sức người, sức của.
Sau giải phóng, hệ thống kết cấu hạ tầng nơi đây hầu như không có gì, đi lại chủ yếu bằng đường thủy, kinh tế - xã hội còn kém phát triển, sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, huyện Hồng Dân đã huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển toàn diện, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống, vùng khó khăn ở các xã: Lộc Ninh, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A,...
Diện mạo nông thôn mới ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu).
Từ khát vọng phát triển không ngừng, huyện nông thôn này đã tạo được nhiều bứt phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, vực dậy phát triển kinh tế - xã hội như: Lộc Ninh - Ninh Thạnh Lợi; Đầu Sấu - Lộc Ninh; Ninh Quới - Ngan Dừa - Cầu Đỏ - Ba Đình; Lộc Ninh - Vĩnh Lộc.
Xây dựng hệ thống đường từ kênh Dân Quân đến kênh 6.000 (xã Ninh Thạnh Lợi A)… và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn khác với chiều dài hơn 100km.
Những tuyến đường giao thông không chỉ giúp kết nối đồng bộ giữa các vùng nông thôn, đặc biệt là những khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống của huyện về trung tâm các xã, thị trấn, đến trung tâm các huyện lân cận, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn thấy những con đường về được nhựa hóa, bê tông hóa, giao thông đi lại thuận tiện, anh Danh Tấn Đạt (ngụ ấp Trèm Trẹm, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Quê hương càng ngày càng phát triển, những vùng sâu, vùng xa nhất của huyện nay ô tô chạy đến nhà, đời sống người dân cũng được nâng lên.
Không còn cảnh lội bộ trên đường mòn, các em học sinh cũng không phải đi đò dọc đến lớp. Người dân thật sự rất vui mừng phấn khởi”.
Cũng theo anh Đạt, hạ tầng giao thông phát triển kéo hạ tầng điện, nước phát triển theo. Đến nay hầu hết bà con trong ấp đã có đường điện, có nước sạch đến nhà, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ông Võ Văn Thum, Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) chia sẻ, địa bàn xã có hơn 3.000 hộ dân, đồng bào dân tộc Khmer chiếm khoảng 300 hộ, trong đó, tập trung đông ở 2 ấp Đầu Sấu Đông và Đầu Sấu Tây.
Diện mạo nông thôn mới tại ấp Cầu Đỏ, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu).
“Hiện nay, ở các ấp đồng bào dân tộc sinh sống đã có lộ giao thông đến nhà (chiều rộng từ 2,5 - 3,5m, chiều dài khoảng 10km) tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại giao thương hàng hóa.
Các thương lái vào thu mua nông sản cũng dễ dàng hơn, sản phẩm nông dân làm ra không còn cảnh bị ép giá, không còn cảnh qua sông lụy phà”, ông Thum cho hay.
Trong giai đoạn 2016 - 2020 đến nay, từ đường huyện đến đường xã trên địa bàn huyện Hồng Dân đã được xây dựng đồng bộ, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm.
Đã có hơn 200 công trình đường và cầu giao thông nông thôn hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài gần 100km.
“Hiện tại, 100% các xã có đường ô tô từ huyện về đến trung tâm; 100% xã trong huyện đạt tiêu chí Nông thôn mới, diện mạo vùng quê nghèo thay đổi rõ rệt”, một lãnh đạo Huyện ủy Hồng Dân cho hay.
Để tiếp tục thực hiện tốt các chương trình chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, huyện Hồng Dân đã đề xuất, kiến nghị Trung ương tăng định mức hỗ trợ về đầu tư kết cấu hạ tầng, dự án duy tu bảo dưỡng và phát triển sản xuất cho xã, ấp đặc biệt khó khăn.
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, tổng vốn Trung ương đầu tư cho chương trình là gần 102 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển (đầu tư cơ sở hạ tầng) gần 73 tỷ đồng (gồm 275 công trình giao thông, 12 công trình nhà văn hóa ấp và công trình thủy lợi).
Hầu hết các công trình đều đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, phát huy hiệu quả ngay sau khi được đưa vào sử dụng và bàn giao về cho các xã quản lý bảo dưỡng.