"Cõng" ATGT lên bản
Chiều trung tuần tháng 8, PV Báo Giao thông cùng Tổ công tác của Đồn Biên phòng Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh lên bản Mốc 13, xã Quảng Đức để nắm tình hình số người chưa có giấy phép lái xe mô tô, từ đó có giải pháp phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tổ chức mở lớp học và thi cho bà con.
Cán bộ Đồn Biên phòng Quảng Đức phổ biến kiến thức pháp luật trật tự ATGT cho bà con bản Mốc 13
Thiếu tá Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quảng Đức cho biết: Trên tuyến biên giới bộ do đơn vị phụ trách có 2 xã Quảng Sơn và Quảng Đức với trên 1.827 hộ/8.000 nhân khẩu.
Khu vực này chủ yếu là đồng bào người Dao, Tày, Hoa, Sán Chỉ.. sinh sống. Hầu hết bà con dân tộc ở 2 xã này chỉ đi học để biết đọc, biết viết rồi ở nhà đi nương, làm rẫy, thậm chí một số người lớn tuổi còn không biết chữ.
Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT cũng có tính đặc thù, phải có những ví dụ, hành động cụ thể, đơn giản như: Đội mũ bảo hiểm như nào đúng cách, xe phải lắp gương chiếu hậu, không chở 3, chở 4...
Thấy Tổ công tác, anh Tằng Dánh Thân, Trưởng bản Mốc 13 đang lùa đàn trâu vào chuồng, vui vẻ khoe: "Vài năm nay, theo thống kê, toàn bản không có vụ TNGT nào. Bà con thường xuyên được bộ đội Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn các quy định khi tham gia giao thông".
Bản Mốc 13 là bản giáp biên giới có 70 hộ với 334 nhân khẩu là người Dao, người Hoa sinh sống. Ngoài việc làm nông – lâm nghiệp, một số người trong bản còn thường xuyên tham gia vận tải thuê hàng hóa ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh bằng xe máy.
Theo anh Tằng Dánh Thân, trước kia, do nhận thức còn hạn chế, nhiều người dân bản Mốc 13 còn chở hàng rất cồng kềnh và thường xuyên uống bia, rượu. Mấy năm trước, một người trong bản uống rượu say đi xe máy lại chở hàng quá tải đã lao xuống rãnh nước ven đường bị thương ngất đi, may có người đi qua phát hiện kịp đưa về nhà.
"Sau đận ấy, cán bộ Biên phòng đã xuống tận bản tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về ATGT kết hợp với bài học của vụ ngã xe trong bản, mọi người dần hiểu ra và chấp hành tốt hơn", anh Thân nói.
Chị Triệu Thị Hồng, nhà ở đầu bản Mốc 13 bộc bạch: "Nhà em khi mua được xe, bố em dạy mấy hôm rồi cứ thế phóng ra chợ, lên nương... Thanh niên trong bản xưa nay cũng thế, cứ có xe là tự tập rồi đi thôi. Thế rồi, em được cán bộ Đồn Biên phòng hướng dẫn phải đội mũ bảo hiểm, kiểm tra phanh xe ra sao cho an toàn. Em mong có lớp học và thi giấy phép lái xe để lái xe an toàn".
Một buổi tập huấn, phổ biến kiến thức về ATGT cho cán bộ, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức cuối tháng 7 vừa qua
Phát huy vai trò người có uy tín
Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, hiện địa phương này có trên 162.500 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 12,32% dân số sinh sống, cư trú rải rác trên 85% diện tích toàn tỉnh.
Ở những vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Ninh, đã từng khá phổ biến nhưng vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện…
Để kiềm chế, đẩy lùi nguy cơ TNGT ở vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, các cơ quan chức năng và địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho bà con.
Cùng với tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thôn, lực lượng chức năng còn bám sát địa bàn, phát huy cao độ vai trò của đội ngũ người có uy tín.
Đội ngũ cán bộ, người có uy tín trong vùng DTTS luôn được cung cấp những kiến thức cơ bản về ATGT, từ đó làm nòng cốt cho việc tuyên truyền tại khu dân cư
Bà Trịnh Thị Vân Anh, cán bộ Phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho hay: Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của Quảng Ninh đã có 6.525 lượt người có uy tín được cấp có thẩm quyền công nhận. Đây là lực lượng luôn tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật trật tự ATGT.
"Thời gian qua, lực lượng này là những “tuyên truyền viên” ATGT tích cực ở thôn, bản trong việc vận động, tuyên truyền, khuyên bảo bà con không vi phạm Luật Giao thông", bà Vân Anh nói.
Theo bà Vân Anh, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp đã lựu chọn những cán bộ am hiểu tiếng đồng bào dân tộc thường xuyên tiếp cận đội ngũ này để truyền đạt những quy định, kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn về ATGT cho người trong thôn, bản.
Chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tổ chức 6 hội nghị tập huấn, phổ biến thông tin về ATGT tại huyện Tiên Yên, Đầm Hà và TP Móng Cái cho gần 400 người. Từ kiến thức về ATGT được tập huấn, người có uy tín đã phổ biến lại cho đồng bào mình.
Ông Triệu Đình Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Liêu cho hay, là địa phương biên giới có tới trên 95% người DTTS sinh sống, các cấp chính quyền của huyện đều đặc biệt quan tâm đến đội ngũ già làng, trưởng bản, đội ngũ người có uy tín ở các thôn, bản trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật cho bà con.
"Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ATGT, nên nhận thức của đồng bào về vấn đề này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn so với trước đây", ông Sinh nói.
Việc phổ biến kiến thức về ATGT cho vùng đồng bào DTTS một cách thiết thực, hiệu quả đã góp phần kéo giảm TNGT của tỉnh Quảng Ninh trên cả 3 tiêu chí trong nhiều năm nay. Địa phương đã có 10 năm (từ năm 2010-2020) liên tiếp giảm về số vụ, số người chết, số bị thương do TNGT.