Lạ lùng nhiều hộ đồng bào khó khăn "rủ nhau" viết đơn xin thoát nghèo

Tạ Vĩnh Yên

Hàng chục hộ người đồng bào dân tộc thiểu số tại Đăk Tờ Re (Kon Rẫy, Kon Tum) đã thay đổi nếp nghĩ và tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo...

Những năm trước, cuộc sống của nhiều người dân dân tộc thiểu số ở Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) khá khó khăn, lười lao động, chủ yếu trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thế nhưng, giờ đây, bà con đã thay đổi nếp nghĩ cách làm. Tại xã Đăk Tờ Re hiện nay đã có hàng chục hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng A Thinh vẫn tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo

Chỉ trong thời điểm 2 năm (2019 - 2020), xã Đăk Tờ Re đã có gần 50 hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Theo chân cán bộ xóa đói giảm nghèo xã, chúng tôi tìm đến thôn 8 của xã để gặp gia đình chị chị Y Đưi (32 tuổi). Trước mắt chúng tôi, căn nhà cấp 4 lụp xụp rộng khoảng 30 mét vuông do nhà nước hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo vài năm trước. Bên trong căn nhà "trống huơ, trống hoác". Gần như trong căn nhà này không có vật dụng gì đáng giá. Căn nhà là nơi ăn chốn ngủ, sinh hoạt của 6 người trong gia định chị Y Đưi.

Thế nhưng khi đón chúng tôi, chị Y Đưi vui cười và xác nhận gia đình chị đã làm đơn xin thoát nghèo. Theo chia sẻ của Y Đưi, gia đình chị có 4 người con và cả gia đình sống nhờ vào hơn 1ha mì và 1 sào lúa. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nên hàng ngày vợ chồng chị phải đi cạo lấy mủ thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống. Dù vậy, gia đình chị vẫn tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo.

Thấy chúng tôi băn khoăn, chị Đưi cười xoà cho biết: "hai vợ chồng mình có sức khỏe, làm rẫy, làm thuê. Không khá giả nhưng sẽ tích luỹ dần dần. Với 1 ha đất, gia đình dự kiến sẽ trồng giống mỳ, trồng các loại cây khác hiệu quả và năng suất hơn. Đầu tư chăm sóc, làm cỏ nhiều hơn. Rồi gia đình cũng phải nuôi thêm gà cải thiện cuộc sống... .

Chẳng lẽ cứ phải trông chờ nhà nước cho mãi. Thế nên, vợ chồng mình bàn bạc rồi quyết định viết đơn xin thoát nghèo nhường phần hỗ trợ người nghèo của gia đình cho để Nhà nước tập trung lo cho những người nghèo đó".

Tương tự, cũng tại thôn 8, gia đình A Thinh (51 tuổi) cũng quyết định viết đơn xin thoát nghèo. Vợ chồng A Thinh có 7 người con, trong đó có 4 người con đã lập gia đình. Hiện nay, vợ chồng anh đang nuôi 3 người con ăn học, trong khi đó cuộc sống chủ yếu trông chờ vào 3 sào mì, 3 sào lúa và hơn 800 gốc cà phê.

Theo ông A Thinh, cuộc sống gia đình anh vẫn thiếu lên hụt xuống, vẫn rất vất vả nhưng vợ chồng anh quyết định xin thoát khỏi hộ nghèo. Bởi theo anh A Thinh, gia đình nhiều người có sức khỏe. Chỉ cần mạnh dạn đầu tư, chắt chiu và chịu khó lao động và có thể tăng năng suất vườn tược.

"Mình biết, nếu xin thoát nghèo thì sẽ mất nhiều chế độ ưu đãi cho hộ nghèo như về bảo hiểm y tế, con cái học hành không được hỗ trợ sách vở và các chính sách hỗ trợ khác…nhưng mình không thể ỷ lại hay trông chờ mãi vào nhà nước được. Mình phải tự quyết tâm, vươn lên thôi, vì vậy, mình quyết định viết đơn xin thoát nghèo", A Thinh chia sẻ.

Y Đưi bên căn nhà nhỏ

Hiệu quả của sự kiên trì vận động

Hai năm gần đây, có hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đăk Tờ Re đã viết đơn xin thoát nghèo là kết quả sự kiên trì, linh hoạt trong công tác vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đảng ủy, chính quyền và các hội đoàn thể xã và nhiều chương trình hỗ trợ.

Theo một cán bộ xã Đăk Tờ Re, trước đây, đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và ở xã Đăk Tờ Re nói riêng còn khá nặng về tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước. Trong các năm qua, Nhà nước đã và đang có rất nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ các hộ nghèo để họ vươn lên trong cuộc sống. Cũng vì được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nên nhiều hộ gia đình không muốn thoát khỏi hộ nghèo bởi nếu thoát nghèo sẽ mất nhiều chế độ, chính sách ưu đãi. Do đó, để làm thay đổi nhận thức đã ăn sâu vào suy nghĩ, tiềm thức của bà con là điều không hề dễ dàng mà đòi hỏi sự kiên trì trong công tác vận động.

Ông Huỳnh Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết: "Để thay đổi nhận thức, cũng như cách nghĩ cách làm, chúng tôi đã đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, chúng tôi phân công tác thành viên UBND phụ trách từng thôn; tham mưu cho đảng ủy xã phân công, phân nhiệm cho đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ và huy động sự tham gia của các hội, đoàn thể tích cực đến từng hộ nghèo, tuyên truyền vận động để bà con tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Qua công tác tuyên truyền, mô hình kinh tế hiệu quả giúp cho người dân nhận thức tốt hơn về công tác xoá đói, giảm nghèo tại địa phương. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên, nhiều người dân đã hiểu, thay đổi nếp nghĩ cách làm, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình nên đã tự nguyện viết đơn thoát nghèo.

“Việc có hàng chục hộ dân viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo cho thấy công tác tuyên truyền đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Điều đó cũng cho thấy người dân đã nâng cao được nhận thức, thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm và trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đó là hiệu quả của sự kiên trì trong công tác vận động”- ông Huỳnh Quốc Thái cho hay.

Rõ ràng, việc hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở Đăk Tờ Re tự nguyện xin thoát nghèo đã và đang tạo ra một tín hiệu khả quan trong công tác giảm nghèo ở Đăk Tờ Re. Và càng mừng hơn là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thay đổi được nếp suy nghĩ cũ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ mà chủ động tự lực vươn lên, tích cực giúp nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Trong công tác vận động, chúng tôi tìm hiểu kỹ về khả năng, tiềm lực của từng hộ, từ đó cán bộ đảng viên cùng với các đoàn thể và huy động già làng, thôn trưởng, người có uy tín kiên trì vận động để họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tự vươn lên thoát nghèo. Sau đó, lấy những tấm gương ấy tiếp tục tuyên truyền đến các hộ khác, làm sao để thúc đẩy ý thức tự vươn, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình…”, ông Trần Quốc Bảo - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tờ Re chia sẻ.

Theo UBND huyện Kon Rẫy, đến 2025 huyện phấn đấu 45% trở lên hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất;

Trên 30% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện (có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân tộc thiểu số trong huyện, có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố và một số vật dụng thiết yếu như ti vi, xe gắn máy…).

Trên 30% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 6%; UBMTTQVN huyện mỗi năm đều xây dựng từ 1 đến 3 mô hình thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”...

Tạ Vĩnh Yên

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục