Từ việc kêu gọi người dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiến đất làm đường từ nhiều năm trước, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều tuyến đường thông thoáng, tiết kiệm kinh phí nhà nước, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
70% tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Đam Rông đã được cứng hóa
Dân đồng lòng làm đường phá thế độc đạo
Khu vực Đầm Ròn gồm 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) vốn là vùng đất nghèo và xa xôi, dân trí thấp, đời sống của người dân, số đông là đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn. Trước đây, khi muốn đến Đạ R’sal, xã giáp với tỉnh Đăk Lăk có sự phát triển nhanh và mạnh nhất huyện Đam Rông, bà con thường di chuyển bằng phương tiện đò ngang qua sông Krông Nô, tiếp tục đi đường bộ dọc theo sông rồi mới đến được chợ trung tâm Đạ R’sal.
Còn nếu di chuyển theo đường bộ trên tuyến Tỉnh lộ 722 thì phải mất khoảng 30 km ra ngã ba Bằng Lăng, rồi tiếp tục di chuyển theo Quốc lộ 27 thêm 20 km nữa mới tới được các điểm mua bán tại xã Đạ R’sal.
Theo huyện Đam Rông, để làm đường từ Đạ M’rông - Đạ R’sal, tổng diện tích đất phải san bạt để cho tuyến đường Đạ M’rông- Đạ R’sal được mở là trên 151.500 m2 đất nông nghiệp, 18.800 đất lâm nghiệp của 131 hộ dân và 1 doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn 2 xã Đạ M’rông, Đạ R’sal.
Phần lớn các hộ có diện tích đất nằm trong khung của tuyến đường đi qua đều là người đồng bào DTTS nghèo. Diện tích đất giải tỏa hầu hết là đất hoa màu sản sinh ra nguồn lương thực nuôi sống hàng ngày. Ý thức được một con đường hình thành sẽ phá đi rào cản bởi chính con đường.
Vì thế, các hộ dân có con đường đi qua nơi đây đều tình nguyện được hiến đất mà không đòi tiền bồi thường. Số hoa màu đang thời kỳ chuẩn bị hoặc đang thu hoạch mà huyện Đam Rông bồi thường cho người dân có đất giải tỏa chỉ vỏn vẹn gần 1,3 tỉ đồng.
Ông Rơ Lick Y Dring, một người dân tiên phong hiến đất mở đường tại huyện Đam Rông, cho biết: “Mở tuyến đường này rất thuận lợi cho nhân dân, thông đường liên xã với nhau thuận lợi đi lại. Gia đình có đất ở trên tuyến đường đi qua thì gia đình cũng hiến đất cho nhà nước để xây dựng công trình.
Cái này cũng là mục đích chung cho cộng đồng để nhân dân đi lại được dẽ dàng. Và cũng phải ghi nhận sự cố gắng của ngành chức năng và chính quyền xã Đạ M’rông và Đạ M’sal đã vận động các hộ tự nguyện hiến đất để làm đường".
Theo huyện Đam Rông, việc người dân tự nguyện hiến đất để làm đường thực sự đã mang lại rất nhiều mặt tích cực cho việc tiến hành triển khai thi công. Bên cạnh đó, việc bà con nghèo không đòi tiền bồi thường đất cũng đã làm lợi và tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí gần 4 tỉ đồng.
Ông Đỗ Linh Nhật Thành, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đam Rông, cho biết: Đường Đạ M’rông - Đạ R’sal như một nút mở gắn kết sự thông thương của người dân nghèo 3 xã Đầm Ròn với những vùng phát triển. Qua đó, giúp khu vực Đầm Ròn thoát khỏi “vùng trũng” về kinh tế xã hội.
Do ý nghĩa to lớn của cung đường nên đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo các hộ dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS nghèo ở xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông, trong đó có có hộ ông Rơ Lick Y Dring, ở thôn Đa Tế, hộ đã hiến trên 3 sào đất của gia đình để xây dựng đường Đạ M’rông- Đạ R’sal.
Tỉnh lộ 722 phá thế đọc đạo chia cắt các xã vùng sâu, giúp người dân thuận tiện vận chuyển nông sản, hàng hoá.
Con đường thay đổi bộ mặt dân cư
Đường Đạ M’rông - Đạ R’sal có bề rộng nền đường 7m, lòng đường 4m, trải bê tông nhựa hạt chung, với tổng kinh phí trên 63 tỉ đồng, trong đó vốn JICA SPL VI của Nhật Bản là 34,5 tỉ còn lại là vốn đối ứng ngân sách của tỉnh Lâm Đồng.
Con đường này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân vùng đồng bào DTTS, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh bền vững và rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm 3 xã Đầm Ròn đến xã Đạ R’sal, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, trao đổi hàng hóa.
Cũng theo ông Đỗ Linh Nhật Thành, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đam Rông: "huyện Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo trong toàn quốc, có đến gần 75% là bà co đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, từ khi thành lập huyện năm 2004 đến nay 100% hộ dân tình nguyện hiến đất để mở đường. Có chăng, chính quyền chỉ phải đền bù số cây xanh của dân phá đi để mở đường".
Một huyện chủ yếu là hộ đồng bào DTTS nghèo đã hiểu được ý nghĩa cộng đồng to lớn của phát triển kinh tế khi có mạng lưới giao thông tốt, mà cùng ý thức tự nguyện hiến đất làm đường. Việc làm tốt đẹp này thêm góp phần tích cực cùng địa phương này thực hiện chương trình nông thôn mới.
DR2: Đoạn đường nào có dấu hiệu hư hỏng đều được khắc phục sửa chữa kịp thời
Trên địa bàn huyện Đam Rông, ngoài Quốc lộ 27 và đường tỉnh 722, 724 do Bộ GTVT và tỉnh hàng năm đầu tư sửa chửa thường xuyên, sửa chửa vừa và nhỏ, trung đại tu, cải tạo nâng cấp, xây dựng mới. Hệ thống mạng lưới đường giao thông liên xã và giao thông nông thôn cũng đã được tỉnh và huyện tiếp tục tập trung đầu tư; 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được nhựa hoá; các tuyến đường xã, đường thôn cơ bản được cứng hoá đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cả hai mùa trong năm. Mật độ đường giao thông so với dân số toàn huyện 57,4m2/người.
Đối với các tuyến đường trục xã, toàn huyện có 25 tuyến, tổng chiều dài 124,8Km, đường trục thôn 161,433Km, đường trục chính nội đồng: 32,561Km; hiện giao thông nông thôn đã được cứng hóa đạt trên 70% đạt tiêu chí về nông thôn mới.
Về công tác bảo đảm trật tự ATGT, ông Thành cho biết, huyện Đam Rông luôn là huyện tuyên truyền cho người dân hiểu và ý thức tốt về việc tham gia giao thông. Có rất nhiều năm huyện Đam Rông không để xảy ra một vụ TNGT làm chết người.