“Cõng luật” về tận buôn làng
Những năm qua, Ban ATGT tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật ATGT cho thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc sinh sống dọc các tuyến quốc lộ trên địa bàn.
Theo đó, Ban đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Phòng CSGT Công an tỉnh về tận các bon, buôn tổ chức tuyên truyền, cho đối tượng là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ven các tuyến Quốc lộ.
Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông phối hợp với Ban ATGT, Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền ATGT cho thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống dọc đường Hồ Chí Minh qua huyện Đắk Mil. Ảnh: Ngọc Hùng
Ông Y Ái Byă, Chánh thanh tra, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Trên các tuyến quốc lộ, tình trạng thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc vi phạm Luật ATGT diễn ra phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng. Chúng tôi xác định đây là nhóm đối tượng “nóng” về vi phạm trật tự ATGT, cần được tuyên truyền”.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, đây là chiến dịch nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật giao thông và đề ra các giải pháp nhằm phòng ngừa và kéo giảm TNGT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, đồng thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê phán các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.
Ngoài ra, chiến dịch còn chú trọng vai trò của mỗi gia đình, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc tham gia công tác phòng ngừa không để số người vi phạm gia tăng, nhất là trong gia đình, các trường học, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống.
Tại các buổi tuyên truyền, Đại úy Đặng Thị Phương Thanh, Đội tuyên tuyền - Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông vừa trình chiếu hình ảnh, những thước phim về các lỗi vi phạm được ghi lại tại bon, buôn làng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT.
Đồng thời, CSGT đã giảng giải các kiến thức pháp luật về ATGT như: quy định về đội MBH, độ tuổi khi lái xe máy, xe mô tô, quy định về tốc độ, phần đường, làn đường, biển báo, đèn tín hiệu,… Qua đó, giúp các thanh niên hiểu sâu về kiến thức trật tự ATGT, góp phần kéo giảm TNGT đối với đối tượng là thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Anh Y Cam (31 tuổi, ngụ huyện Cư Jút) chia sẻ: “Thông qua buổi tuyên truyền, tận mắt chứng kiến hình ảnh về các vụ tai nạn và được trang bị kiến thức ATGT em không dám vi phạm Luật ATGT để bảo vệ tính mạng cho mình và người khác”.
Quyết tâm không để TNGT là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng
Ông Y Ái Byă, Chánh thanh tra, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông còn cho biết: “Ban luôn xác định đối tượng thanh, thiếu niên cần những người cần được tuyên truyền để nâng cao được ý thức khi tham gia giao thông, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ góp phần kéo giảm tai nạn và tránh thương vong.
Những buổi tuyên truyền luôn thu hút đông thanh, thiếu niên tham gia và mang lại hiệu quả trong công tác phòng ngừa tai nạn và kéo giảm TNGT trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hùng
“Nhóm đối tượng trên, khi uống rượu bia vào thường chạy xe rất nhanh, không đội MBH và còn chở ba rất dễ xảy ra tai nạn. Đồng thời, chính đối tượng trên là trụ cột gia đình, nếu để xảy ra tai nạn sẽ tạo gánh nặng cho gia đình cộng đồng, kéo giảm sự phát triển kinh tế gia đình và xã hội”, ông Y Ái nhấn mạnh.
Ông K’Khét Atô, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Đắk Nông cho biết: “Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho thanh thiếu niên đồng bào dân tộc mang lại hiệu quả rất tốt. Hàng năm, Ban Dân tộc phối hợp với Ban ATGT tỉnh, lực lượng CSGT về tận thôn, bon tổ chức tuyên truyền bằng hai thứ tiếng là tiếng kinh và Ê đê. Nội dung tuyên truyền như: đội MBH khi tham gia giao thông, không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không chở quá số người quy định,… vừa chiếu phim, vừa tuyên truyền và cấp phát tờ rơi, để người dân hiểu được, biết được pháp luật ATGT, giúp người dân tham gia giao thông an toàn”.
Theo ông K’Khét Atô, quá trình tuyên truyền, Ban chọn một là thanh thiếu niên, hai là phụ nữ, ba là già làng (người có uy tín) với mong muốn người ta hiểu để trực tiếp truyền đạt, nhắc nhở cho các cháu, đó là mô hình cần nhân rộng. Trước đây, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ATGT trong các thôn, buôn chiếm tỷ lệ khá cao. Nhất là trên đường Hồ Chí Minh qua các xã Trường Xuân (huyện Đắk Song), Thuận An, Đắk Gằn (huyện Đắk Mil),… nơi rất đông người dân đồng bào dân tộc tập trung sinh sống.
Qua tuyên truyền giúp đồng bào các dân tộc nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành Luật Giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông, đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm trật tự ATGT, từng bước góp phần giảm thiểu TNGT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tổ chức phát tờ rơi đến từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại cộng đồng bôn, buôn. Tổ chức kí cam kết không vi phạm ATGT, chấp hành Luật Giao thông đường bộ và tham gia giữ gìn trật tự ATGT.
“Trong những năm qua, kinh phí không còn được bố trí thường xuyên nên việc tổ chức tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn. Để từng bước trang bị kiến thức ATGT cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thanh thiếu niên sinh sống ven tuyến quốc lộ, góp phần ngăn ngừa TNGT, rất mong có sự phối hợp của Ban ATGT tỉnh và các ngành chức năng để công tác tuyên truyền ngày càng lan rộng”, ông K’Khét Atô nhấn mạnh.
Theo Ban ATGT tỉnh Đắk Nông, trong 9 tháng đầu năm 2021, Ban đã phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT. Vì vậy, TNGT đã được kiềm chế và giảm số người chết so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, trong 9 tháng toàn tỉnh xảy ra 50 vụ, làm 25 người chết, 39 người bị thương, hư hỏng 70 phương tiện. So sánh với cùng kỳ năm 2020, số vụ TNGT tăng 2 vụ; số người chết giảm 10 người.
Trong thời gian qua, trên tuyến đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ) và các tuyến Tỉnh lộ đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Trong đó, TNGT liên quan đến học sinh, thanh niên và người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) xảy ra còn cao. Cụ thể: đã xảy ra 9 vụ, làm 5 người chết (2 người ĐBDTTS và 3 học sinh); 6 người bị thương (5 người ĐBDTTS). Trong đó, TNGT do người dân tộc thiếu số gây ra là 4 vụ, làm 1 người chết (người ĐBDTTS).