Người tiên phong “cõng luật” về với buôn làng
Suốt gần 10 năm qua, đồng bào các buôn làng không ai không biết Trung tá H’Dona Êban (SN 1978, cán bộ Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm hành chính thuộc Phòng CSGT)
Cùng chị H’Dona “cõng luật” về với buôn làng mới cảm nhận được sự thân thiết của chị với đồng bào. Già làng Y Út Byă (tên thường gọi là Ama Min) ở buôn M’Yui, xã Ea Trang (huyện M’Đrắk), cùng bà con vui vẻ đón đội tuyên truyền từ đầu đường dẫn vào buôn.
Ngay khi vừa gặp, chị H’Dona bế một cháu bé lên chơi đùa với những cháu nhỏ như người thân lâu ngày về buôn. Chính vì vậy, buổi tuyên truyền thu hút đông đảo đồng bào trong buôn tham gia.
Nữ cán bộ H'Dona hòa vào cùng các cháu để buổi tuyên truyền sinh động hơn
Mở đầu buổi tuyên truyền, Trung tá H’Dona Êban đã trình chiếu hình ảnh, những thước phim về các lỗi vi phạm của người dân, được các chiến sĩ CSGT trực tiếp ghi lại tại địa bàn xã Bông Krang.
Sau đó, Trung tá H’Dona phân tích cụ thể về những hành vi vi phạm như: quy định về đội MBH, độ tuổi khi lái xe máy, xe mô tô, quy định về tốc độ, phần đường, làn đường, biển báo, đèn tín hiệu,… Đồng thời, đưa ra các quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB để người dân hiểu.
Kết thúc buổi tuyên truyền, Trung tá H’Dona Êban tổ chức trò chơi, trả lời đúng các câu hỏi về Luật Giao thông Đường bộ để nhận quà. Qua trò chơi này người dân có thể hiểu sâu, nhớ lâu những kiến thức pháp luật ATGT,
Chị H’Donan tâm sự: “Để một chương trình tuyên truyền diễn ra thành công, toàn đội phải đầu tư rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đời sống, nhu cầu của người dân; nắm tình hình, hoạt động giao thông của từng địa bàn, đặc biệt là nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT.
Từ đó, lựa chọn hình thức, biện pháp tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với trình độ nhận thức của người dân, phong tục tập quán từng dân tộc”.
Thông thường, khi tuyên truyền ở các buôn làng là người đồng bào Êđê sinh sống thì chị H’Dona sử dụng hai ngôn ngữ (tiếng Êđê và tiếng Kinh) để giải thích cho người dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ Luật GTĐB.
Nội dung tuyên truyền cũng hết sức phong phú, với nhiều hình thức như chiếu hình ảnh, chỉ ra những hành vi thường hay vi phạm khi tham gia giao thông, phát tờ rơi... nên hiệu quả rất cao.
Theo chị H’Dona: “Người dân ở các buôn làng, ban ngày phải lên nương rẫy, tối mịt mới về nhà, nên công tác tuyên truyền Luật GTĐB thường phải tổ chức buổi tối. Tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa phải kiên trì, linh hoạt, gắn với thực tiễn đời sống để người dân hiểu, dễ nhớ...”.
Sự thân thiện, gần gũi và sáng tạo trong tuyên truyền đã thu hút đông đảo bà con đồng bào tham gia
Được biết, từ năm 2012 được điều động về nhận nhiệm vụ tại Phòng CSGT, phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, Trung tá H’Dona cùng đồng đội đã tích cực đi đến tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATGT đến mọi đối tượng từ học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân, viên chức đến đội ngũ lái xe, nông dân...
Chị tâm sự: “Làm công tác tuyên truyền đối với nam đã vất vả thì đối với nữ càng vất vả hơn nhiều lần. Phải có sự đam mê, lòng yêu nghề mới vượt qua được.
Ngoài công tác chuyên môn, phụ nữ còn phải chăm lo cho gia đình. Những hôm đi sớm về khuya hay đứng dưới cái nắng 40 độ C để tuyên truyền, phát mũ bảo hiểm cho người đi đường cũng vất vả.
Tuy vậy, được sự thấu hiểu của chồng, sự giúp đỡ của gia đình nội ngoại giúp tôi yên tâm công tác, làm tròn trách nhiệm với gia đình và nhiệm vụ đơn vị giao, được đồng đội, lãnh đạo tin tưởng, quý mến”.
Nữ chiến sĩ công an sáng tạo trong tuyên truyền pháp luật
Đó là nữ chiến sĩ công an trẻ tuổi Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 1991) hiện đang công tác tại Phòng PX03, Công an tỉnh Lâm Đồng rất được chị em phụ nữ tỉnh Lâm Đồng quý mến.
Chị đã tiên phong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phần việc “Tuyên truyền pháp luật trong học sinh, cán bộ, hội viên phụ nữ tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng” với mục đích tuyên truyền, giáo dục, đề cao tinh thần nêu gương của cán bộ, chiến sĩ công an, các bậc cha mẹ và cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội ngay từ trong gia đình.
Từ năm 2017 đến nay, chị đã tham mưu phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 23 đợt tuyên truyền pháp luật cho 4.270 lượt người tham dự.
Đơn cử như, tuyên truyền pháp luật về ATGT cho hơn 300 thanh niên, phụ nữ tại thôn Đạ Cháy - Đạ Nhim (Lạc Dương). Tuyên truyền pháp luật về ATGT và phòng chống tệ nạn xã hội tại xã Phi Tô (Lâm Hà) cho gần 200 đồng bào dân tộc thiểu số và tặng 30 phần quà trị giá 200.000 đồng/suất và 50 mũ bảo hiểm.
Tuyên truyền pháp luật về ATGT và tặng 200 suất quà tổng trị giá 60 triệu đồng tại buôn Con Ó - xã Mỹ Đức và buôn Tố Lan - xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh).
Với nhiều thành tích tuyên truyền xuất sắc chị Huyền Trang (thứ 2 từ bìa trái) liên tục được tặng các danh hiệu cấp tỉnh và Trung ương trao tặng.
Chị Huyền Trang cho biết: “Để hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật thật sự đạt kết quả và tập hợp thu hút đông đảo người tham gia thì ngoài nội dung, hình thức tuyên truyền dễ hiểu, có sự sáng tạo, cần kết hợp với hoạt động thăm, tặng quà, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bản thân chị Trang luôn tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ - Công tác gia đình và trẻ em Công an tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trong cán bộ, hội viên phụ nữ Công an tỉnh về việc xây dựng gia đình “No ấm - Bình đẳng - Tiến bộ - Hạnh phúc bền vững”, không có tội phạm và tệ nạn xã hội trong gia đình cán bộ, chiến sĩ Công an”.
Với những thành tích đó, Thượng úy Nguyễn Thị Huyền Trang - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Lâm Đồng là 1 trong 10 điển hình cá nhân tiêu biểu toàn quốc vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tặng bằng khen tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết liên tịch số 01/TW giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2017 - 2020.