Cựu chiến binh tiên phong hiến đất làm đường ở Tây Nguyên

Văn Tư

Đi dọc các tỉnh Tây Nguyên câu chuyện hiến đất làm đường của cựu chiến binh luôn tiên phong, được người dân học theo để xây dựng nông thôn mới.

Cựu chiến binh tiên phong hiến đất làm đường

Đến thị xã Buôn Hồ không ai không biết cựu chiến binh (CCB) Y Blăm Niê (buôn Rlat, xã Ea Drông) là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó làm giàu trên mảnh đất quê hương và hết lòng vì cộng đồng buôn làng.

Ông Y Blăm sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tây Nguyên. Năm 1975, ông tham gia vào lực lượng du kích địa phương và phục vụ trong quân đội. Năm 1979, ông trở về với cuộc sống đời thường và sinh sống ở buôn Rlat cho đến ngày hôm nay.

Rời quân ngũ trở về địa phương, ông bắt tay vào làm kinh và nổi lên là một CCB làm kinh tế giỏi.

Hội CCB góp công rất lớn cho đường làng, ngõ xóm khang trang trên Tây Nguyên

Năm 1999, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho buôn Rlat xây dựng nhà văn hóa cộng đồng nhưng chưa tìm được khu đất trung tâm của buôn để xây dựng. Biết được thông tin này, tôi đã tự nguyện hiến 250m2 đất vườn nhà mình để xây dựng nhà cộng đồng”.

Đến năm 2004, Trường tiểu học Trần Quốc Toản được xây dựng tại buôn Ralt nhưng không có đường dẫn vào cổng trường. Thương các cháu nhỏ trong buôn, ông đã phá bỏ hơn 100 trụ tiêu của gia đình, hiến 1,5m đất chiều ngang, 60m chiều dài để làm con đường đi vào trường. Ngoài ra, ông đã vận động thêm hai hộ dân trong buôn hiến thêm mỗi hộ 1,5m chiều ngang, 50m chiều dài để có con đường hoàn chỉnh dẫn tới trường. Từ ngày có trường học, số lượng học sinh trong buôn Rlat luôn duy trì ổn định.

“Hằng ngày, nhìn các cháu trong buôn tung tăng tới trường trên con đường thông thoáng, lòng tôi vui lắm! Vui vì con em mình được đến trường học chữ, tiếp thu kiến thức để sau này không còn vất vả, khổ cực như cha mẹ, ông bà nó nữa”, ông Y Blăm chia sẻ.

Đến xã Buôn Tría, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk hỏi thăm về CCB Khúc Tiến Long ở thôn Liên Kết 2 thì ai cũng biết, bởi ông là người tiên phong tự nguyện hiến đất làm đường nông thôn ở địa phương.

Ông Long chia sẻ, trước đây đoạn đường trước nhà ông chỉ là một bờ ruộng nhỏ nên việc đi lại của các hộ dân trong khu vực hết sức khó khăn, gia đình nào muốn vận chuyển nông sản, hàng hóa đều phải để nhờ ở nhà ông rồi khiêng sang từng ít một. Đã thế, vào mùa mưa nước ngập trắng đồng không thấy đường sá đâu để đi lại.

“Năm 2016, địa phương có chủ trương làm đường giao thông, tôi đã tự nguyện hiến 2.000 m2 đất ở và tài sản trên đất để mở rộng đường lên 5,5 m phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong thôn. Sau khi tôi hiến đất mở đường, 7 gia đình có tuyến đường đi qua cũng đồng ý hiến đất để nối dài tuyến. Từ ngày con đường được nâng cấp, mở rộng đến nay, thấy người dân trong vùng vui mừng làm mình cũng ưng cái bụng lắm!”, ông Long cười nói.

Đoạn đường do CCB Khúc Tiến Long ở thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría, huyện Lắc hiến đất làm đường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương đi lại.

Nằm cách trung tâm huyện Krông Pa (Gia Lai) 16 km, xã Chư Rcăm hiện có 1.424 hộ với 6.620 khẩu, trong đó 67% là người Jrai. Khó khăn lớn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã là các tuyến đường nội thôn, xóm chỉ rộng 2-3 m, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Do đó, khi xã phát động phong trào hiến đất để mở rộng đường, Hội CCB xã kêu gọi hội viên gương mẫu đi đầu để tạo sức lan tỏa đến các hộ dân khác.

Hội CCB xã Chư Rcăm chọn thôn Quỳnh Phụ 3 làm điểm để làm đường giao thông vì thôn hiện còn nhiều đoạn nhỏ hẹp. Theo ông Nguyễn Ngọc Chuẩn, Chủ tịch Hội CCB xã Chư Rcăm, ban đầu, Hội CCB xã phối hợp với Trưởng thôn, Bí thư chi bộ cùng cán bộ Mặt trận, đoàn thể tổ chức họp tất cả hội viên trong thôn để tuyên truyền, giải thích về lợi ích của việc phóng tuyến mở rộng đường. Từ đó, kêu gọi tinh thần tự nguyện đóng góp của hội viên.

Vừa nghe vận động, 7 hội viên chi hội CCB thôn Quỳnh Phụ 3 xung phong hiến đất, tự nguyện lùi hàng rào, cổng ngõ để mở rộng đường 2-3 m thành đường 5m. Nổi bật như hộ ông Phạm Ngọc Thanh hiến 800m2 đất, 6 hộ khác mỗi hộ đều hiến từ 150m2 trở lên.

Thấy gia đình hội viên CCB nhiệt tình ủng hộ, 27 hộ dân khác trên địa bàn thôn Quỳnh Phụ 3 cũng tự nguyện hiến đất làm đường. Tổng cộng, nhân dân thôn Quỳnh Phụ 3 đã hiến trên 6.000 m2 đất để mở rộng đường mà không yêu cầu đền bù, hỗ trợ.

Đáng mừng hơn, sau thành công từ mô hình vận động hội viên và nhân dân thôn Quỳnh Phụ 3 hiến đất làm đường thì 7 thôn, buôn còn lại cũng bắt tay làm theo. Đặc biệt, tại thôn Cầu Đôi, người dân đã hiến đất mở rộng tuyến đường với chiều dài 1,5 km. Có thể nói, nhờ phát huy đúng lúc tinh thần tự nguyện, gương mẫu, đi đầu của hội viên Hội CCB, bài toán mở rộng hạ tầng giao thông tại xã Chư Rcăm đã được giải quyết một cách nhanh gọn, hiệu quả.

Hội CCB luôn phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ

Những CCB không chỉ hiến đất mà còn trực tiếp tham gia làm đường cũng bà con

Nổi bật trong phong trào hội viên Hội CCB tham gia hiến đất làm đường thời gian qua tại Gia Lai còn phải kể đến Hội CCB huyện Chư Pưh.

Trong hơn 4 năm (2014-2018), Hội CCB huyện đã triển khai nhiều hoạt động cùng với các cấp, ngành địa phương chung tay cải thiện hạ tầng giao thông.

Theo ông Chu Xuân Toàn, Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn huyện đã vận động nhân dân giải tỏa được 10.936 m2 đất (không yêu cầu hỗ trợ đền bù) để làm đường giao thông nông thôn với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng; trong đó, hội viên Hội CCB hiến 1.070 m2 đất mặt tiền đường liên thôn với giá trị tương đương 1,04 tỷ đồng.

Hội viên Hội CCB còn giải tỏa gần 1.000 trụ hồ tiêu, 3 cổng ngõ, 1 căn nhà gỗ với tổng trị giá tài sản trên 600 triệu đồng. Hội CCB các cấp trên địa bàn huyện cũng đóng góp 225 triệu đồng và 504 ngày công để làm đường giao thông. Hiện nay, Hội CCB toàn huyện đang nhận quản lý 29 con đường liên thôn xanh-sạch-đẹp và đảm bảo an toàn giao thông…

Theo thống kê của Hội CCB tỉnh Gia Lai, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã vận động hội viên di dời vườn cây, mở rộng hành lang, hiến đất, giải phóng mặt bằng không nhận đền bù 70.370 m2 đất. Ngoài ra, hội viên còn tham gia góp trên 8 tỷ đồng và 15.860 ngày công làm đường bê tông, đường cấp phối và nạo vét kênh mương thủy lợi.

Tiêu biểu trong phong trào này là Hội CCB các huyện: Krông Pa, Chư Prông, Mang Yang, Chư Pưh, Ia Grai… Với những việc làm ý nghĩa này, các cấp Hội CCB đã đóng góp không nhỏ cùng với hệ thống chính trị các địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới cũng như góp phần đảm bảo trật tự ATGT tại địa bàn.

Đối với Hội CCB tỉnh Đắk Lắk, đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 50.302 hội viên CCB luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, là lực lượng tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Nhiều năm nay phong trào thi đua hiến đất làm đường CCB luôn luôn đi đầu.

Nổi bật nhất là năm 2018, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, các CCB trong tỉnh đã tham gia tu sửa và làm mới hơn 106 km đường giao thông liên thôn; nạo vét 35 km kênh mương nội đồng; sửa chữa và làm mới 17 cây cầu, cống dân sinh; hiến hơn 45.500 m2 đất và tham gia góp 19.296 ngày công lao động với tổng trị giá hơn 23 tỷ đồng xây dựng NTM ở các địa phương.

Ông Võ Thanh Chín, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2021 Hội CCB tỉnh Kon Tum tiếp tục lập thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Tổng kết, giai đoạn 2011-2020, các cấp hội và hội viên đã ủng hộ trên 4,7 tỷ đồng, hơn 100.000 ngày công lao động, hiến trên 100.000 m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng trường học và xây dựng các công trình dân sinh.

Đặc biệt, các hội viên cựu chiến binh luôn tích cực, đi đầu trong các hoạt động phát triển kinh tế, giảm nghèo, nuôi dạy con cái và xây dựng khu dân cư phát triển. Có được kết quả này chính nhờ các cấp hội xác định xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là nhiệm vụ quan trọng để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Văn Tư

Cùng chuyên mục