Giao thông góp phần thay đổi đời sống đồng bào vùng cao
Huyện miền núi Bác Ái là địa phương có trên 90% dân số là người đồng bào dân tộc Raglay sinh sống. Là địa phương từng tách biệt với các huyện, thị còn lại của tỉnh Ninh Thuận, Quốc lộ 27B là tuyến đường độc đạo nối trung tâm huyện Bác Ái với huyện Ninh Sơn và tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, mạng lưới giao thông ở địa phương này đã dần hoàn thiện, 100% xã trên địa bàn đã có đường ô tô vào đến tận trung tâm.
Tuyến đường trung tâm huyện miền núi Bác Ái ở xã Phước Đại
Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất đã gắn liền với những chiến công hiển hách của quân dân Ninh Thuận trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Bon bon trên tuyến đường tỉnh lộ 705 thảm nhựa láng mượt từ xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải) lên xã vùng cao Phước Trung (huyện Bác Ái) là hình ảnh những chuyến xe hàng xuôi ngược chở hàng hoá phục vụ bà con vùng sâu vùng xa.
Tỉnh lộ 705 dài 22 km được đầu tư gần 100 tỷ đồng vào năm 2012, tạo điều kiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa cũng như khai thông với tuyến Phước Trung - Phước Đại. Cùng với đó, các tuyến đường mới liên huyện, liên xã đã được đầu tư xây dựng như: Lương Sơn (huyện Ninh Sơn) - xã Phước Bình (huyện Bác Ái), Phước Đại - Phước Trung, Phước Đại - Phước Tân... và nhiều tuyến đường liên thôn khác đã được xây dựng theo chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Bác Ái.
Ông Nguyễn Văn Bình có nhiều năm làm nghề mua bán nông sản của bà con Raglay ở xã vùng cao Phước Bình để vận chuyển về trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm tiêu thụ. Ông Bình cho biết, nếu như trước đây đi lại khó khăn, việc vận chuyển hàng nông sản từ Phước Bình về tới trung tâm tỉnh Ninh Thuận mất hơn 2 giờ, lại phải vận chuyển bằng xe máy do đường hẹp, nhiều đoạn khó khăn trắc trở thì nay đã có thể “lên đời” phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng xe tải 3 tấn.
“Đường rộng, đẹp nên mỗi chuyến xe có thể thu mua nhiều nông sản hơn, từ Bác Ái về Phan Rang chỉ tầm một tiếng đồng hồ, hàng hoá về đến nơi nhanh hơn, tươi hơn, cuộc sống của bà con đồng bào Raglay vì thế cũng khá giả lên”, ông Bình nói.
Tuyến đường huyết mạch nối Quốc lộ 27B đi xã vùng cao Phước Bình được nhựa hóa khang trang.
Cũng nhờ giao thông thuận lợi mà xã vùng cao Phước Bình cũng “thay da đổi thịt” từng ngày, đời sống của nhiều hộ dân nơi đây cũng khá lên trông thấy, tiêu biểu là hộ ông Katơ Quỳnh, ở thôn Hành Rạc 2. Ông Katơ Quỳnh cho biết, từ ngày nhà nước đầu tư làm đường bê tông, gia đình ông đã hết cảnh vật vã cả ngày để vận chuyển hàng nông sản từ rẫy ra đường lớn để bán như thời điểm trước đó.
“Bây giờ đi lại dễ dàng nên thương lái cho xe tải chạy vào tận vườn để mua với giá cao nên nông dân chúng tôi cũng rất phấn khởi, sau khi trừ chi phí thì gần 5ha trồng bưởi của gia đình cũng lãi được gần 100 triệu mỗi vụ, nhờ đó có điều kiện cho con đến trường ăn học", ông Katơ Quỳnh cho hay.
Song song với hệ thống giao thông liên thôn, liên xã thì mạng lưới giao thông nội đồng cũng đã được mở rộng để giúp nông dân mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất theo kiểu cánh đồng lớn mang lại hiệu quả sản xuất cao.
Ông Chamalé Thu, thôn Suối Kho, xã Phước Chính cho biết, từ ngày đường sá được bê tông mở rộng, việc sản xuất của bà con đã thuận lợi hơn. Việc vận chuyển vận chuyển lúa từ nương rẫy về nhà chỉ diễn ra trong ngày.
“Ngày xưa gieo lúa, cày đất đến thu hoạch đều làm bằng sức người, giờ máy cày, máy gặt đã làm thay, nhờ đó mà năng suất cao hơn, thời gian được rút ngắn hơn nên người dân rất phấn khởi", ông Thu vui vẻ nói.
Tiếp tục mở đường để xây dựng nông thôn mới
Theo ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, trong giai đoạn 2010-2020, từ nguồn vốn Trung ương và địa phương đã đầu tư trên 570 tỷ đồng để phát triển 168 công trình giao thông với tổng chiều dài trên 260 km. Trong đó, có trên 35 km đường giao thông từ trung tâm huyện đến xã, bê tông hóa gần 90 km đường trục thôn và liên thôn, cứng hóa trên 115 km đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa quanh năm.
“Với nguồn kinh phí tập trung cho giao thông đã giúp thông thương, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Toàn huyện đã có 9/9 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn mới, tăng 9 xã so với năm 2011, tăng 7 xã so với năm 2015”, ông Ninh nói và cho biết việc đầu tư vào mạng lưới hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân. Đời sống của bà con đồng bào các dân tộc Raglay, Churu cũng được nâng lên đáng kể. Ngoài việc tiếp cận với điều kiện giáo dục, y tế, người đồng bào cũng duy trì các bản sắc văn hoá của dân tộc mình và có dịp giới thiệu ra bên ngoài thông qua các chương trình lễ hội hàng năm.
Công nhân khẩn trương thi công đoạn còn lại của tuyến đường liên xã Phước Đại - Phước Tân.
Để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, huyện Bác Ái đang đầu tư tuyến đường liên xã Phước Đại - Phước Tân. Tuyến đường này dài 18 km, có tổng vốn đầu tư 187 tỷ đồng được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn cứng hóa cấp IV miền núi. Theo thiết kế, tuyến đường có bề rộng 5m, độ phủ bê tông dày 20cm.
Có mặt tại dự án giao thông này những ngày này, không khí làm việc của các đơn vị thi công rất hối hả, nhộn nhịp để kịp hoàn thành vào cuối năm 2021. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường liên xã Phước Đại - Phước Tân sẽ giúp người dân địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất sản xuất hai bên đường, rút ngắn thời gian đi lại giữa xã Phước Tân với trung tâm huyện Bác Ái chỉ còn khoảng 15 phút. Đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện miền núi Bác Ái ngày càng phát triển, hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.