Bằng sự đồng sức, đồng lòng, đóng góp của người dân, nhiều con đường, ngõ hẻm, ở tỉnh Đắk Nông được nối dài làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương. Từ đó, đời sống người dân từ bước được nâng cao…
Ông Phan Đình Duyệt hiến 65m2 đất mặt tiền đường, đồng thời đập bỏ quán cà phê thiệt hại hơn 300 triệu đồng để hiến đất mở đường. Ảnh: Ngọc Hùng
Dở bỏ nhà cửa, hiến đất mở đường
Những ngày này, đến xã Cư K’nia (huyện Cư Jút, Đắk Nông) bước trên còn đường bê tông trải dài, mới cảm nhận được sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện bộ mặt nông thôn nơi đây.
Các trục đường đường liên xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng hầu hết đã được bê tông, cứng hóa khang trang, sạch đẹp. Dọc các tuyến đường với những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát nhau…
Theo ghi nhận, bộ mặt nông thôn xã Cư K’nia “thay da đổi thịt” từng ngày là nhờ công tác tuyên truyền, vận động người dân được chính quyền thực hiện hiệu quả, giúp người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, là sự đồng lòng, chung sức và tích cực tham gia đóng góp của người dân.
Qua đó, phong trào hiến đất và tài sản trên đất để xây dựng hạ tầng,… đã được lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Trong đó, có những hộ gia đình đã tự nguyện dở nhà, đập tường rào tốn kém gần 100 triệu đồng để hiến đất.
Theo UBND xã Cư K’nia, uớc tính đến nay, sức dân đã đóng góp đạt hơn 50 tỷ đồng trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đường giao thông liên xã, đường liên thôn đã được bê tông hóa đạt 84%, các tuyến đường giao thông, ngõ xóm đạt gần 50%, đường giao thông nội đồng đạt 74%”.
Nhờ sự đồng lòng của người dân, hiến đất mở đường giúp cho nhiều tuyến đường GTNT ở xã Cư K'nia không ngừng nối dài. Ảnh: Ngọc Hùng
Ông Dương Văn Ngài (dân tộc Mông), người đã tự nguyện dở căn nhà gia đình đang ở, để hiến hơn 100m2 đất làm đường chia sẻ: “Nhiều năm đi lại, vận chuyển nông sản trên con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội rất vất vả. Giao thông không thông thương, người dân thua thiệt nhiều mặt.
Khi được cán bộ vận động, mở đường tôi rất vui mừng và sẵn sàng di dời nhà cửa, hiến đất để làm con đường thêm rộng lớn, trải bê tông sạch đẹp. Làm đường, lợi ích là người dân hưởng nên tôi thì sẵn sàng đóng góp, chứ tính thiệt hơn thì biết bao giờ mới có con đường khang trang, sạch đẹp để đi”.
Chủ tịch UBND xã Cư K’nia Lê Xuân Cường cho biết: “Xã Cư Knia có đến 82% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chính là đồng bào phía Bắc. Ngày mới thành lập xã chỉ có một tuyến đường nhựa, còn lại đường liên thôn, ngõ xóm là đường mòn, đường đất lầy lội.
Từ ngày thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Cư K’nia đã “thay da đổi thịt”, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) trải dài khắp, đáp ứng được như cầu đi lại và lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của người dân.
Đến nay, xã Cư K’nia đã đạt 19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn khoảng 2,56%.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng/ người/ năm”.
Chia sẻ về kinh nghiệm huy động sức dân, ông Cường nói: “Chính quyền phải sát sường với người dân để hiểu được những khó khăn và mong muốn của họ. Việc làm phải đi vào lòng dân, để dân thấy được quyền lợi của họ.
Nếu chúng ta áp đặt người dân thì làm rất là khó. Phải làm sao để người dân hiểu được, việc hiến đất, hiến tài sản là người dân trực tiếp hưởng lợi, thì người dân sẽ hiểu, sẽ đồng thuận.
Quan trọng hơn, khi làm công trình đưa người dân vào trực tiếp tham gia giám sát, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân được lâu dài.
Ngoài ra, trong quá trình vận động, các thôn huy động đóng góp của dân tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể, tuyệt đối không được quá sức dân”.
Sức dân… góp phần phát triển hạ tầng giao thông nông thôn
Những con đường bê tông đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng nông thôn ở tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Anh Trọng
Thời gian qua, sức dân đã góp nhiều con đường, hẻm nhỏ ở thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút) được nâng cấp, mở rộng thành những tuyến đường rộng rãi. Một số tuyến trung tâm cũng được chỉnh trang, mở rộng, tạo điều kiện cho người dân đi lại và phát triển thương mại, dịch vụ.
Những tuyến đường GTNT được mở rộng, nối dài là nhờ người dân nơi đây tự phá dỡ công trình, nhà cửa, hiến đất và đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng. Trong đó, đáng tuyên dương là hộ ông Nguyễn Đình Duyệt đã hiến 65m2 đất mặt tiền đường để mở rộng tuyến đường.
Ngoài ra, gia đình ông còn đập bỏ quán cà phê đang kinh doanh trên diện tích đất này để xây dựng lại, tốn kém hơn 300 triệu đồng.
Ông Duyệt chia sẻ: "Tốn kém tiền bạc, nhưng gia đình tôi rất vui vẻ. Mình chịu thiệt một chút nhưng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội thì việc nên làm.
Việc đường phố được đầu tư khang trang, đẹp đẽ sẽ giúp việc kinh doanh của gia đình tôi thuận lợi hơn, kinh tế xã hội địa phương cũng phát triển mạnh mẽ hơn”.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea T'ling cho biết, việc mở rộng đường sá đã khó, việc huy động người dân hiến đất, đóng góp tiền bạc lại càng khó hơn.
Bởi vì đất đai ở thị trấn Ea T'ling hiện nay khá đắt đỏ, thuộc diện “tấc đất tấc vàng”. Do đó, được sự ủng hộ, đóng góp của người dân như thời gian qua là kết quả vô cùng to lớn.
Người dân sẵn sàng đập bỏ tường rào, hiến đất để mở đường. Ảnh: Ngọc Hùng
“Nhiều người dân hiến đất, đập bỏ vật kiến trúc, mở rộng, nối dài thêm nhiều con hẻm, tuyến đường. Qua đó, đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, kinh tế của người dân địa phương.
Nhờ đó, khoảng 5 năm trở lại đây, bộ mặt thị trấn Ea T'ling đã có chuyển biến theo hướng khang trang, hiện đại. Nhiều con hẻm đã được nâng cấp, mở rộng thành tuyến đường, tạo ra sự liên kết, thông thương cho thị trấn với những địa phương khác.
Để có được kết quả này, thị trấn Ea T'ling đã tuyên truyền, vận động người dân hiến hàng ngàn m2 đất cùng nhiều tài sản, vật kiến trúc khác, với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng”, ông Hòa chia sẻ.
Ông Phan Văn Sinh, Phó chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông cho biết, trong thời gian qua, công tác xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng luôn được các ngành, các cấp chú trọng quan tâm thực hiện.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự hưởng ứng tích cực của người dân nông thôn nên các công trình đường giao thông từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch đẹp, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện hiệu quả, đa số người dân trên địa bàn đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quang trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng lòng và tích cực tham gia đóng góp.
Trong năm 2020, đã ghi nhận đóng góp trong cộng đồng, bao gồm ngày công, tiền mặc, hiến đất đai,…với số tiền đạt 227,438 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 41/60 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, giúp bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
“Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, người dân đã đoàn kết, chủ động phát huy nội lực là điều rất phấn khởi. Kết quả tốt đẹp này rất cần được tuyên truyền, nhân rộng, nhằm thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở những khu vực còn gặp nhiều khó khăn…”, ông Sinh nhấn mạnh