Thạnh Quới là xã khó khăn của huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), với hơn 52% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Nhưng nhờ sự quan tâm, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân đã đưa địa phương này phát triển nhanh, mạnh.
Diện mạo nông thôn mới khu vực đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) khởi sắc từ khi có đường giao thông nông thôn.
Đồng lòng hiến đất
Năm 2019, xã Thạnh Quới đã được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, với nguồn vốn thực hiện trên 340 tỷ đồng. Trong đó người dân đóng góp gần 35,5 tỷ đồng, còn lại là vốn chương trình xây dựng Nông thôn mới, vốn lồng ghép và các doanh nghiệp ủng hộ.
Ông Thạch Sơn (ngụ xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên) phấn khởi cho biết, nhờ được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các ấp đều có đường bê tông hóa, xe chạy đến nhà, cuộc sống của người dân đồng bào thay đổi hẳn lên.
“Đến nay, điện, nước sạch đã được kéo đến từng nhà, mạng internet cũng đã phủ sóng đến tận phum sóc. Nhờ vậy,bà con Khmer ở đây nắm bắt được nhiều thông tin thời sự, chính trị và khoa học công nghệ”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, trình độ hiểu biết của người dân được nâng lên rõ rệt, người đồng bào đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất. Kinh tế gia đình được cải thiện, thu nhập ổn định hơn, nhiều căn nhà lụp xụp trước đây nay đã được thay thế bằng nhà bê tông kiên cố.
Vui mừng khi thấy phum sóc ngày càng khang trang, Hòa thượng Dương Nê, Trụ trì chùa Pêk Tà Cuôl (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Bà con đồng bào Khmer chúng tôi rất phấn khởi, khi các chính sách của Đảng và Nhà nước được áp dụng cho vùng đồng bào dân tộc phù hợp với lòng dân, đời sống được nâng cao”.
Ông Lê Văn Hận, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên) cho biết, toàn xã có 5.972 hộ dân, trong đó, dân tộc Khmer là 3.185 hộ (chiếm 52% dân số toàn xã). Thời gian qua, Thạnh Quới đã được cấp trên quan tâm, đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, phát triển sản xuất, đặc biệt là quan tâm đến vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
“Chúng tôi đã xây dựng nhiều công trình, trong đó nổi bật là công trình xây dựng đường, cầu giao thông nông thôn (chiều rộng 2m trở lên), nối liền tất cả 12 ấp trong xã. Điều đáng vui mừng là bà con đồng bào dân tộc Khmer ở xã Thạnh Quới rất đồng lòng trong việc hiến đất làm đường.
Có người hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường, góp phần không nhỏ trong việc đưa xã hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới vào năm 2019. Tất cả các công trình nông thôn phục vụ dân sinh đều hoàn thành đúng tiến độ, đạt hiệu quả và phát huy tác dụng ngay sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng”, ông Hận nói.
Một tuyến đường liên ấp kết nối, phát triển đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc ở huyện Mỹ Xuyên.
Cùng góp vốn xây dựng nông thôn mới
Cũng theo ông Hận, nổi bật nhất là tuyến đường Đay Sô - Bưng Thum, đường đê ngăn mặn từ Hòa Khanh đến Đào Viên… đã có đường ô tô đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa.
Song song đó, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống thủy lợi… được đầu tư hoàn chỉnh. Từ đó, bà con yên tâm phát triển sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật để đạt năng suất cao, nên cuộc sống ngày càng được nâng lên.
“Thời gian tới, chúng tối tiếp tục làm tốt công tác quản lý quy hoạch, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, khảo sát đề xuất các công trình cần nâng cấp cũng như xây dựng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhất là ở khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống”, ông Hận nói.
Theo UBND huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), năm 2011, khi tỉnh chọn làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới, tình hình kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng nông thôn còn khó khăn; đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 27,6%...
Từ đó, huyện Mỹ Xuyên đề ra chương trình thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân để thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.
Đến nay, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, … cơ bản hoàn chỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,9%… tổng số vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên 5.960 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp chiếm khoảng 12%.