Nhìn diện mạo nông thôn vùng quê nghèo, nay đã thay đổi từ khi có đường giao thông đến tận nhà, ông Lâm Văn Ph. (ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An, huyện Trần Đề) nói: “Trước đây, đi lại khó khăn lắm, không có đường sá gì hết, giờ thấy có lộ xe chạy đến trước sân nhà, bà con chúng tôi mừng dữ lắm!
Buôn bán cũng dễ dàng, thuận lợi nữa, các tuyến kênh thủy lợi có nước ngọt quanh năm bà con trồng lúa, trồng màu không còn phải lo thiếu nước tưới vào mùa khô nữa”.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách phát triển đối với khu vực có đông đồng bào dân tộc, diện mạo nông thôn mới, nhất là những vùng quê khó khăn ở Sóc Trăng đã "thay da đổi thịt".
Trong những năm qua, được sự quan tâm chính quyền địa phương quan tâm đầu tư các chính sách đặc thù về phát triển vùng đồng bào Khmer và Chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM). Do đó, từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), đến nay xã Viên An đã "thay da đổi thịt”.
Đến nay, trên địa bàn xã Viên An đã có trên 95% đường lộ giao thông đã được bê tông hóa (chiều rộng từ 2 - 3m), 100% tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện được bê tông hóa, bảo đảm ấp liền ấp và xã liền xã, hệ thống cầu giao thông nông thôn cũng đáp ứng được nhu cầu đi lại của bà con trong khu vực, không còn khó khăn như trước nữa.
Hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao; nhiều mô hình phát triển theo chuỗi giá trị như: bò sữa, bò thịt, nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa hữu cơ, trồng màu… cho thu nhập cao, có trên 98% hộ có điện và nước sinh hoạt.
Cũng theo ông Ph., bà con ở ấp Tiếp Nhựt rất đồng lòng, cùng chung sức với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, qua những công trình phần việc Nhà nước và nhân dân cùng làm, hiến đất làm đường, góp ngày công xây dựng cầu đường,… chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Người dân nuôi bò sữa góp phần cải thiện kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Viên An cho biết, bước đầu trong xây dựng NTM, tình hình kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của xã Viên An còn nhiều khó khăn với gần 90% là đồng bào dân tộc Khmer. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 15%, nhưng đến nay còn dưới 3%.
“Đến giữa năm 2020, xã Viên An đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM. Đạt được kết quả trên là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp và sự đoàn kết, là cả một quá trình phấn đấu, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Viên An.
Đặc biệt, là nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên bà con hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM. Từ đó, tạo nên sự đồng thuận, ủng hộ và chung tay, tích cực đóng góp, thực hiện tốt các tiêu chí", ông Hòa nói và cho biết thêm, sắp tới, xã tiếp tục ưu tiên các chính sách cho đồng bào dân tộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng chất tiêu chí đã đạt được nhằm tiến tới xây dựng xã Viên An đạt tiêu chuẩn xã NTM kiểu mẫu trong tương lai gần.