Giao thông đi trước mở đường
Bước trên con đường bê tông phẳng lì, ông Liêng Hót Ha Tú (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) phấn khởi chia sẻ: “Sau bao năm mong đợi, người dân đã thoát được cảnh đường sá “nắng bụi mưa lầy”. Đạ Sar bây giờ đường bê tông khang trang, sạch đẹp, chạy khắp thôn xóm, đi lại thuận lợi, nông sản được vận chuyển dễ dàng. Lúc này, người dân yên tâm phát triển kinh tế, làm giàu".
Giao thông nông thôn đang góp phần làm "thay da đổi thịt" vùng quê ở Lâm Đồng. Ảnh: Anh Danh
Cũng theo ông Liêng Hót Ha Tú, nhờ phong trào làm đường giao thông nông thôn triển khai mạnh mẽ, đường người dân đồng lòng ủng hộ, lan tỏa tinh thần hiến đất mở đường, nhà nào có tiền thì đóng góp tiền, không có thì đóng góp ngày công, cứ thế các con đường bê tông ở Đạ Sar không ngừng nối dài...
“Không như trước đây, đường đất là nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Mỗi khi mưa đường lầy lội, bùn đất bám chặt bánh xe, trơn trượt, người dân đi lại và vận chuyển nông sản rất khó khăn", ông Liêng Hót Ha Tú nhớ lại.
Theo ghi nhận, hiện nay hệ thống giao thông ở xã Đạ Sar nói riêng và huyện Lạc Dương nói chung cơ bản đã được cứng hóa, nhất là các tuyến đường đối ngoại, các tuyến đường vào khu sản xuất đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Cụ thể, 100% đường xã và đường trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện.
Các trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa 100%; 90% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 70% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa. Hiện Lạc Dương đã có 4/5 xã đạt tiêu chí giao thông về xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Huynh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lạc Dương cho biết: “Trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đã góp phần tạo sự chuyển biến về mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của địa phương, thúc đẩy giao thương hàng hóa nội vùng và liên vùng.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huyện Lạc Dương tập trung đầu tư một số công trình quan trọng, có sức lan tỏa, tạo đột phá lớn nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn”.
Sức dân làm đổi thay diện mạo vùng nông thôn
Phong trào hiến đất mở đường lan tỏa sâu rộng trong nhân dân đã nối dài các con đường bê tông ở Lâm Đồng. Ảnh: Anh Danh
Đến với huyện Lâm Hà, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực cố gắng, chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân huyện Lâm Hà đã làm bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, mọi mặt đời sống của người dân được nâng lên, các công trình dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp.
Những con đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa bằng phẳng sạch sẽ; những căn nhà ở cao tầng của người dân không ngừng được mọc lên, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên...
Theo thống kê của UBND huyện Lâm Hà, 10 năm qua, địa phương đã huy động đóng góp trên 88.600 ngày công, hơn 261 tỷ đồng, hiến trên 15.000 m2 đất để xây dựng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình phúc lợi xã hội khác.
Bên cạnh đó, người dân Lâm Hà cũng đã tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền của và ngày công lao động để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi,… Tổng kinh phí huy động cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Lâm Hà giai đoạn 2010 - 2020 gần 5 ngàn tỷ đồng.
Theo ghi nhận, kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp khang trang, giúp diện mạo huyện Lâm Hà ngày càng khởi sắc, tạo nên sức sống mới. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Theo UBND huyện Lâm Hà, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người ở Lâm Hà chỉ là 19,71 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm. Năm 2020, tổng thu ngân sách toàn huyện đạt 213,130 tỷ đồng, tăng 130,8% so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 1,61%.
Ông Hoàng Sỹ Bích, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, qua rà soát, đánh giá bộ tiêu chí về huyện NTM, huyện Lâm Hà đã đạt chuẩn 9/9 tiêu chí, trong đó có một số tiêu chí vượt so với yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia. Hiện nay, Lâm Hà đã hoàn thiện hồ sơ và đang chờ để được công nhận huyện NTM trong thời gian tới.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, NTM là cơ hội tập trung mọi nguồn lực để phát triển khu vực nông thôn, tạo tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, nhiều năm qua chương trình xây dựng NTM được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Hơn nữa, Chương trình xây dựng NTM, chính nông dân là người được hưởng lợi trực tiếp, vì vậy Lâm Đồng đã nỗ lực, tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng để lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.
Qua từng năm, bộ mặt nông thôn Lâm Đồng có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp, xây dựng khang trang, hiện đại. Đời sống mọi mặt của người dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 38 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn còn 1,32% (cuối tháng 6/2021).
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 101/111 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 18 xã đạt NTM nâng cao; 3 địa phương được công nhận huyện NTM; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Cát Tiên, Lâm Hà đã đạt các tiêu chí NTM, đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đạt chuẩn NTM.