Chung tay xây cầu dân sinh ở miền núi Đồng Nai

Vĩnh Phú

Chỉ trong thời gian ngắn, chương trình "Nhịp cầu vui" đã nhận được 4 tỷ đồng để xây dựng 15 cầu dân sinh ở các huyện miền núi Đồng Nai.

Xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), nằm giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai với 14 đồng bào dân tộc thiểu số chung sống. Giao thông cách trở cuộc sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.

Chương trình “Nhịp cầu vui” xóa cầu tạm, xây cầu dân sinh được thực hiện từ năm 2017, đến nay 15 cây cầu đã được xây dựng tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nguồn vốn xã hội hóa được Tỉnh đoàn Đồng Nai kêu gọi từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng góp.

Một cầu dân sinh đưa vào sử dụng từ nguồn vốn xã hội hóa ở Đồng Nai.

Xóa cầu tạm, đi lại an toàn hơn

Những cây cầu dân sinh bằng bê tông cốt thép có quy mô vừa và nhỏ nhưng đã tháo gỡ “nút thắt”, đáp ứng mong đợi của nhiều người dân, đi lại thuận lợi, an toàn.

Gần đây chúng tôi đã có dịp quay lại xã này chứng kiến bộ mặt giao thông tại xã thay da đổi thịt, đường bê tông xi măng kết nối đến từng xóm ấp.

Bà Trần Thị Mỹ Phúc, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) cho biết: Sau chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) nhiều tuyến đường bê tông đã được xây dựng. Tuy nhiên, tại một số xóm ấp giao thông bị chia cắt vào mùa mưa, nước lũ chảy xiết, bà con đi lại trong rẫy rất nguy hiểm, đặc biệt là các em học sinh đi học.

Trên địa bàn xã có 14 đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Dao… chung sống, lập nghiệp tại đây nhiều năm qua. Từ khi biết được chủ trương làm đường, xây cầu người dân đều nhiệt tình ủng hộ góp ngày công làm đường.

Khánh thành cầu dân sinh ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán).

Theo bà Phúc, trong 2 hai năm qua đã xây dựng được 4 cầu dân sinh qua địa bàn ấp 3. Mỗi cầu có giá trị khoảng 150 triệu đồng, bề ngang khoảng 2,5m, chiều dài khoảng 10 - 15m bằng bê tông cốt thép bắc qua các con suối. Tổng kinh phí xây 4 cầu là hơn 500 triệu đồng từ nguồn các nhà hảo tâm và huyện đoàn, Tỉnh đoàn đóng góp.

“Cùng với cầu Thanh Sơn bắc qua sông Đồng Nai đang triển khai, trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện đã phê duyệt đầu tư thêm 30km đường bê tông, hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn xã, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng”, bà Phúc nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Định Quán cho hay, trong những năm qua được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện, giao thông xã Thanh Sơn đã thay da đổi thịt. Do đặc thù xã nằm vùng sâu, miền núi và nhiều dân tộc sinh sống nên việc đầu tư thêm đường, cầu rất cần thiết.

“Nguồn vốn còn hạn hẹp, việc các mạnh thường quân xây cầu cho người dân đi lại an toàn là niềm vui của bà con nơi đây. Hy vọng sẽ có thêm nhiều cây cầu mới được xây dựng từ vốn xã hội hóa…”, ông Sơn chia sẻ.

Góp sức, chung tay nối “Nhịp cầu vui”

Tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), trong năm 2020 hai cây cầu mới vừa hoàn thành với kinh phí khoảng 200 triệu đồng, mỗi cầu kết nối các khu phố trong xã. Anh Nguyễn Đình Long, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Tân cho hay, cầu được xây dựng, kè đá chắc chắn, người dân đều vui mừng vì đi lại được thuận lợi an toàn.

“Từ ngày có cầu, học sinh, công nhân trong Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Vĩnh Cửu) thường xuyên đi qua đây rút ngắn được thời gian đi lại.

Cầu Nhịp cầu xanh, huyện Cẩm Mỹ.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thanh Hiền, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Đồng Nai cho biết, để triển khai “Nhịp cầu vui” , việc đầu tiên là kết nối với các mạnh thường quân, doanh nghiệp, doanh nhân hỗ trợ. Kinh phí xây dựng mỗi cây cầu tùy quy mô thiết kế sẽ dao động từ 150 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, nhận thức được lợi ích của các cây cầu nên người dân trong khu vực cùng các đoàn viên thanh niên đều nhiệt tình ủng hộ bằng những ngày công.

Đến nay, Tỉnh đoàn đã vận động được đủ vốn xây dựng 15 cây cầu dân sinh với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Trong năm 2020, Tỉnh đoàn đã bàn giao cho các địa phương 7 cầu tại các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ.

"Nhu cầu xóa cầu tạm ở các địa phương rất lớn, nhưng nguồn lực còn hạn chế. Chúng tôi cũng mong rằng có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ đến để có thêm nhiều cây cầu khác để người dân ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số đi lại an toàn hơn”, bà Hiền chia sẻ.

Vĩnh Phú

Cùng chuyên mục