Cao Bằng: Nâng cấp ĐT211 lưu thông thuận tiện, phát triển kinh tế vùng biên

Văn Thương

Được nâng cấp, cải tạo, đường tỉnh 211 đã giúp người dân lưu thông, phát triển kinh tế tại huyện biên giới Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Trao đổi với PV trên con đường nhựa vừa đưa vào sử dụng, bà Hoàng Thị Nơi, người dân tộc Tày, ở xóm Bản Mán, xã Xuân Nội, huyện Trùng Khánh hồ hởi chia sẻ: Trước đây, tuyến đường vừa nhỏ hẹp, lại xuống cấp nghiêm trọng, đi lại rất khó khăn. Khi đó, mỗi khi có dịp buộc phải ra ngoài thôn, xã người dân đều phải đánh vật với những “ổ voi”, “ổ trâu” chi chít trên đường.

Đường hỏng đến nỗi xe ô tô con gần như không thể di chuyển. Gia đình tôi bán hàng tạp hóa, phục vụ người dân trong xóm nhưng dù hết hàng cũng phải đợi 1 tuần mới có xe tải đến trả hàng 1 lần. Mỗi khi có việc, người dân trong thôn cũng rất ngại phải di chuyển vì tuyến đường rất khó đi.

Đường tỉnh 211, đoạn qua thị trấn Hùng Quốc, huyện Trùng Khánh vừa hoàn thành nâng cấp, cải tạo giúp người dân thuận tiện lưu thông, phát triển kinh tế.

“Nay thì đã khác rồi, tuyến đường đã được nâng cấp, cải tạo, mở rộng cả về 2 phía nên đi lại dễ dàng hơn. Không chỉ vận chuyển đầy đủ hàng hóa về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ khi tuyến đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhiều thương lái đã đến tận nơi thu mua hoa hồi thương phẩm với giá cao.

Nhờ đó, nghề trồng hồi cũng ngày càng phát triển, trở thành mô hình chính giúp người dân trong xã thoát nghèo, làm giàu”, bà Hoàng Thị Nơi nói.

Nói về ý nghĩa của dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 211, ông Nông Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Trùng Khánh thông tin: Trước đây, đường tỉnh 211 nối thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh với thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh.

Từ ngày 1/3/2020, 2 huyện trên đã được giải thể, sáp nhập thành huyện Trùng Khánh mới. Theo đó, hằng ngày đều có vài chục cán bộ, công chức trước đây vẫn sinh sống và làm việc tại huyện Trà Lĩnh cũ đều phải khăn gói đến thị trấn Trùng Khánh mới công tác.

Đường tỉnh 211, đoạn qua xã Xuân Nội, huyện Trùng Khánh đã cơ bản hoàn thành cải tạo, nâng cấp, đưa vào sử dụng.

“Khi đó, thay vì mỗi ngày chỉ phải vượt đoạn đường hơn 50 km cả đi và về từ thị trấn Hùng Quốc, theo đường tỉnh 211 lên Trùng Khánh, chúng tôi phải vượt đoạn đường hơn 120 km, vòng ra QL3 để đi và về giữa 2 thị trấn.

Do quãng đường di chuyển quá xa nên hầu hết cán bộ, công chức đều phải mượn tạm những trụ sở UBND cấp xã bỏ hoang sau sáp nhập để trọ lại, bảo đảm công tác.

Tuy nhiên, từ khi đường tỉnh 211 hoàn thành nâng cấp, cải tạo, đi lại bớt khó khăn, chúng tôi đã không còn phải đi ở trọ như trước nữa”, ông Nông Văn Tuấn nói.

Được biết, dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 211 được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt đầu tư cuối năm 2017 với tổng chiều dài 28 km. Trong đó, tuyến chính 27,6 km và tuyến nhánh hơn 400 m.

Dự án có tổng mức đầu tư 283 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, sử dụng cho các chi phí xây lắp, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, kiểm toán và vốn đối ứng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Dự án do Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 và Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Anh Long thực hiện.

Các nhà thầu gấp rút hoàn thành cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 211 trước Tết Nguyên đán năm nay.

Theo thiết kế, tuyến dường có quy mô đầu tư nâng cấp thành đường cấp 4 miền núi, mặt đường rộng 5,5 m nối liền từ thị trấn Trà Lĩnh qua xã Xuân Nội và xã Quang Trung đến thị trấn Trùng Khánh. Dự án được khởi công từ tháng 6/2020, theo kế hoạch đến 10/6/2022 mới hoàn thành.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án hạ tầng cơ bản, phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc (Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng), khẳng định: Do được người dân và chính quyền địa phương đồng tình, ủng hộ với hơn 700 hộ dân nhường hơn 40 ha mặt bằng sạch ngay ngày đầu triển khai nên các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ thị công, hoàn thành ngay trong năm 2021, vượt tiến độ hơn 6 tháng.

Không chỉ giúp người dân đi lại, tuyến đường còn giúp kết nối Cửa khẩu Trà Lĩnh và Cửa khẩu Pò Peo, huyện Trùng Khánh, giúp lưu thông thuận lợi, thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Tuyến đường còn giúp nối gần thị trấn Trùng Khánh và thị trấn Hùng Quốc; nối Cửa khẩu Trà Lĩnh với Cửa khẩu Pò Peo, huyện Trùng Khánh; tạo điều kiện giúp người dân các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông tại huyện biên giới Trùng Khánh phát triển các mô hình kinh tế xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Văn Thương

Cùng chuyên mục