Những năm qua, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chăm lo cuộc sống, hỗ trợ các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi... mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mô hình chăn nuôi nuôi bò sữa giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vươn lên thoát nghèo, phát triển bền vững.
Là một trong những hộ hộ đồng bào dân tộc Khmer được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chị Lý Thị Quyên (ngụ phường 5, TP Sóc Trăng) phấn khởi nói: “Được vay vốn ưu đãi từ năm 2002, gia đình tôi rất mừng và dùng số vốn vay trên 80 triệu đồng để đầu tư vào nuôi gà và buôn bán tạp hóa nhỏ, đến nay cuộc sống đã ổn định hơn trước đây rất nhiều. Hiện tại, gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế gia đình đã ổn định”.
Tận dụng nguồn vốn vay khoảng 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Sơn Đ. (người Khmer, ngụ phường 10, TP Sóc Trăng) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi bò sữa, đến nay gia đình ông đã phát triển được khoảng 10 con bò sữa.
“Hiện tại, tôi đã trả xong nợ đã vay, kinh tế gia đình đã ổn định, và nhờ tiếp cận được ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi bò sữa, giờ đây tôi đã yên tâm phát triển mô hình này. Mỗi tuần, sau khi trừ tất cả chi phí, tôi vẫn còn lời được khoảng 5 triệu đồng từ bán sữa bò”, ông Đ. nói.
Cũng theo ông Đ., ngày nay, hạ tầng giao thông nông thôn đã được thay đổi, nhiều tuyến đường đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa về đến tận vùng sâu, vùng xa, ấp liền ấp, đặc biệt là có đường ô tô về trung tâm xã, phường giúp cho bà con đi lại thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí, các cháu học sinh đi học an toàn hơn.
Theo ông Thạch Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, thời gian quan, tỉnh đã triển khai thực hiện rất nhiều chính sách, dự án, đề án nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho bà con ở vùng đồng bào dân tộc Khmer.
“Dự án tín dụng ưu đãi là một trong những chính sách hiệu quả nhất giúp các hộ đồng bào dân tộc Khmer nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên phát triển ổn định kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập”, ông Tùng cho hay.
Cũng theo ông Tùng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư hạ tầng cũng như thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhất là quan tâm đẩy mạnh Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đưa diện mào vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, thực hiện dự án tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo từ đầu năm đến nay, tỉnh đã phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi khoảng 7.742 lượt hộ (trong đó, có 2.128 hộ dân tộc thiểu số).
Bên cạnh đó, tỉnh còn cho vay giải quyết việc làm được 1.241 hộ dân tộc thiểu số, với số tiền trên 44 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động với tổng kinh phí 468 triệu đồng.