Tuyến đường liên huyện Chư Pah - Ia Grai - Đức Cơ - Chư Prông sau 2 năm đưa vào sử dụng đã trở thành con đường kết nối có ý nghĩa quan trọng tại các huyện phía Tây của tỉnh Gia Lai.
Đường giao thông liên huyện Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ - Chư Prông hoàn thành đưa vào sử dụng đã trở thành một trục chính giao thông phía tây tỉnh Gia Lai giúp kết nối giao thương góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào thiểu số
Người dân đồng thuận mở đường lớn
Nhiều năm trước đây, cả gia đình ông Ksor Lah (52 tuổi, trú tại xã Ia Tô, H. Ia Grai, T. Gia Lai) canh tác mì và bời lời trên thửa đất có diện tích khoảng 6ha. Cũng vì đường đất, đường xuống cấp khi qua địa bàn xã đã nên việc bán mì của gia đình ông thường thua thiệt hơn những hộ dân khác.
"Lúc đó nếu có đường tốt, việc bán mì tươi dễ dàng và được giá hơn. Phơi mì khô, giảm chi phí vận chuyển nhưng vẫn bị ép giá và lo nhất là khi phơi mì gặp trời mưa", ông Ksor Lah chia sẻ.
“
Góp phần "đột phá" kinh tế
“Hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện là cơ sở quan trọng thúc đẩy giao thương, đặc biệt là những tuyến đường liên huyện đã gia tăng tính kết nối giữa các vùng trong khu vực.
Đây chính là điểm tựa mạnh mẽ để tạo nên tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và gia tăng kết nối với các tỉnh lân cận; mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho người dân từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt, hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Hơn thế nữa, giao thông kết nối góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương ổn định kinh tế vươn lên làm giàu".
Ông Đoàn Hữu Dũng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai
Năm 2017, con đường liên huyện nối từ Chư Pah - Ia Grai - Đức Cơ - Chư Prông được tiến hành giải phóng mặt bằng để đầu tư nâng cấp. Ông Lah và nhiều hộ dân khác đã tự nguyện dọn mặt bằng để dự án được khẩn trương thi công.
"Lúc đó mình cũng nghĩ là con đường sẽ giảm chi phí vận chuyển hàng hoá, dễ đi nương đi rẫy. Từ ngày có đường, đồng bào mình có thêm thu nhập để tính kế làm ăn lâu dài".
Không chỉ gia đình ông Lah, mà rất nhiều người dân người đồng bào dân tộc thiểu số khắp tuyến đường liên huyện đã tự nguyện hiến đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng để dự án được khẩn trương tiến hành.
Tháng 5/2018, tuyến đường liên huyện Chư Pah - Ia Grai - Đức Cơ - Chư Prông được khởi công. Toàn tuyến có tổng chiều dài 114 km (từ tỉnh lộ 661 đoạn qua địa phận xã Ia Nhin, huyện Chư Pah đến xã Ia Ga, huyện Chư Prông), trong đó có hơn 20 km tận dụng đường cũ và hơn 93 km đường xây dựng mới theo quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường cấp cao A1, vận tốc thiết kế 40 km/giờ. Tổng số vốn đầu tư toàn tuyến đường là 880 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, khi chưa xây dựng, việc đi lại giữa các huyện gặp khó khi một số nơi phải đi vòng. Cả một vùng rộng lớn nhất là những khu vực tuyến đường đi qua có mật độ dân cư thấp, những căn nhà còn lụp xụp. Khi dự án triển khai, đại đa số người dân nhận thấy được tầm quan trọng của dự án cũng như tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần thay đổi được bộ mặt giao thông, góp phần phát triển kinh tế.
Người đồng bào tại huyện Ia Grai (Gia Lai) vui mừng khi con đường mới liên huyện đi qua địa bàn.
Diện mạo đổi thay
Năm 2020, đường liên huyện Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ-Chư Prông hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Tuyến đường hình thành kết nối vào đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 19 tạo hệ thống giao thông thuận lợi trên con đường nông sản và vận chuyển hàng hoá tại 4 huyện nêu trên. Không chỉ vậy, tuyến đường liên huyện còn kết nối vào các tỉnh lộ 661, 663, 664, 665 đã góp phần tạo nên diện mạo khác hẳn cho các địa phương nằm dọc trên tuyến.
Rất nhiều km đường trước đây lầy lội, giao thông cách trở, không thể đi lại được trong mùa mưa bão nay đã được thảm nhựa phẳng lỳ, đem lại niềm vui lớn cho người dân tại các địa phương mà dự án đi qua. Nhiều ngôi nhà mới nối tiếp nhau mọc lên dọc hai bên đường suốt từ xã Ia Nhin (huyện Chư Păh), Ia Bă, Ia Tô (huyện Ia Grai), Ia Dơk, Ia Kla, Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) cho đến các xã Ia Púch, Ia Ga, Ia Pia (huyện Chư Prông).
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, trong những năm qua ngoài tuyến đường Quốc lộ 14C, đường 19 được đầu tư nâng cấp, trên địa bàn huyện có các tuyến đường giao thông mới như tuyến đường cấp bách nối từ TT. Chư Ty đi các xã biên giới và tuyến đường liên huyện Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ-Chư Prông đã tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt.
"Giao thông kết nối liên khu vực đã góp phần tạo nên diện mạo của Đức Cơ và các địa phương. Việc những tuyến đường giao thông được nâng cấp mở rộng đã tạo điều kiện cho hàng hoá thông suốt, tác động rất lớn đến kinh tế của địa phương.
“Đơn cử như ở xã Ia Púch là xã biên giới, khi có con đường thông thoáng chạy qua địa bàn khiến người dân rất phấn khởi. Trước đây đường đường cũ rất hẹp, xuống cấp nghiêm trọng. Từ trung tâm huyện đến xã Ia Púch phải đi vòng sang quốc lộ 14C, mất nhiều thời gian. Giờ có đường mới, chỉ cần chạy thẳng một mạch là tới. Nhiều hộ dân có nhà mặt đường đã sửa sang hàng quán để buôn bán, kỳ vọng con đường sẽ giúp đời sống người dân chuyển mình. Bên cạnh đó, người dân cũng mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư xây dựng nông thôn mới góp phần tạo nên diện mạo mới tại khu vực phía tây của tỉnh”, ông Định nói.
Cũng theo ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, việc hình thành hệ thống đường vành đai, đường liên huyện đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, cải thiện đáng kể chất lượng hệ thống giao thông khu vực. Đặc biệt, không những liên kết vùng khó với vùng thuận lợi, mở ra hướng vận tải mới mà tuyến đường còn hình thành và phát triển các đô thị mới, điểm dân cư mới nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi tuyến đường đi qua.