Với đặc thù bốn bề rừng núi giao thông cách trở, xã Kon Pne (huyện Kbang) từ một địa phương nghèo khó bậc nhất ở tỉnh Gia Lai đã khởi sắc nhờ vào hệ thống hạ tầng được nâng cấp.
"Xế hộp" đã đến được từng làng ở nơi từng mệnh danh là "Ốc đảo Kon Pne".
Cách biệt núi rừng
Từ trung tâm tỉnh Gia Lai (TP.Plieku) để đến xã Kon Pne chúng tôi phải đi gần 200 km. Trước đây, đoạn đường từ xã Đak Rong vào đây chưa đầy 30 km nhưng phải mất gần 1 ngày trèo đèo lội rừng mới đến được trung tâm xã. Và cũng chính vì khó khăn vậy nên Kon Pne được ví như “ốc đảo” ở giữa đại ngàn.
Kon Pne có diện tích tự nhiên hơn 175 km2, 3 làng đặc biệt khó khăn gồm: Kon Hleng, Kon Ktonh, Kon Kring với gần 300 hộ, hơn 1.300 khẩu, trong đó, hơn 95% dân số là người Bahnar. Người dân nơi đây nghèo nên kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp, nông sản làm ra rất khó bán hoặc giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Đất đai màu mỡ, rộng thênh thang là thế nhưng do kỹ thuật canh tác hạn chế nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm hơn 80%.
Ông Đinh Khiu, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne vẫn nhớ những ngày gian khó, kể lại: "Xã cách trung tâm huyện hơn 80 km. Thế nhưng để vào được xã phải lội bộ theo đường mòn dưới rừng già nguyên sinh vắt vẻo trên các sườn núi, một bên dốc cao dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút. "Thời còn là học sinh, mỗi lần đến trường ông phải mất 2 ngày 1 đêm mới ra được đến nơi.
Từ sáng, ông phải dậy sớm lội bộ men theo lối mòn xuyên rừng, vượt qua mấy dốc núi đến chiều tối mới đến được xã Đak Rong. Ngủ đêm ở đây, ngày hôm sau mới đi bộ ra đường lớn, nếu may mán có xe nào đi qua thì tiếp tục hành trình".
“Vừa đi, vừa thận trọng dò đường, bởi chỉ cần sảy chân hay trượt dốc là nguy hiểm đến tính mạng. Nhớ nhà, nhớ làng nhưng vì trở ngại đường đi nên mỗi năm tôi chỉ về nhà 2 lần vào dịp Tết và hè", ông Khiu nói và cho biết thêm: "Vượt đường vất vả nên không ít bạn học cùng khi đó bỏ dở giữa chừng”.
"Vì vậy, hàng chục năm năm sau ngày giải phóng, Kon Pne vẫn là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh: không điện, đường, trường, trạm y tế. Đa phần người dân Kon Pne vẫn chỉ quen với lối canh tác “phát, đốt, chọc, trỉa” truyền thống và hoàn toàn tự cung tự cấp.
Đời sống của bà con hết sức khó khăn, thiếu đói, lạc hậu; mỗi lần muốn bán con heo hay con bò thì phải dắt theo chúng lội rừng qua xã khác của huyện Đak Đoa, Mang Yang (Gia Lai) hay Kon Plông (tỉnh Kon Tum), mãi quá buổi mới đến. Mua xong ít mắm, muối, cá khô, bột ngọt, họ vội vã quay trở lại làng, còn lỡ gặp mưa thì phải ngủ lại giữa rừng", ông Khiu kể.
Đường vào ốc đảo xã Kon Pne nay đã khác nhờ vào hệ thống giao thông được kiên cố hoá
Đổi thay từng ngày
Theo UBND xã Kon Pne, từ năm 2004 con đường mòn vòng qua núi Kon Hleng được san ủi đã góp phần thuận lợi cho người dân và học sinh đi lại đến trường. Vào thời điểm đó, thời tiết thuận lợi thì đi xe máy chỉ mất gần 2 giờ là đến trung tâm xã. Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn bủa vây ở "ốc đảo Kon Pne". Đời sống kinh tế của người dân nơi đây phụ thuộc vào mùa màng và sự hỗ trợ của nhà nước. Người dân vẫn đầy rẫy những khó khăn do giao thông cách trở.
Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, tuyến đường bê tông từ xã Đak Roong vào xã được bê tông hóa hoàn thiện, thời gian đi lại càng được rút ngắn hơn. Từ xã đi xe máy chưa đầy 2 tiếng đồng hồ là ra đến huyện Kbang. Đường bê tông rộng rãi đã đi đến từng làng.
Và cũng kể từ ngày có con đường bê tông đó, Kon Pne đã thực sự thay da đổi thịt từng ngày. Những ngôi nhà sàn, nhà xây ngói đỏ khang trang dần mọc lên hai bên đường. Diện mạo nông thôn mới ở "ốc đảo" hôm nay đã khác xưa. Vài tháng trở lại đây, mỗi ngày có 2 chuyến xe vào tận xã để đưa đón khách. Hàng nông sản của bà con, thương lái tìm mua, vận chuyển tận rẫy vô cùng tiện lợi.
Chúng tôi đã đến Kon Pne một ngày mùa mì bội thu. Anh H’Vun-làng Kon Ktonh (xã Kon Pne) vừa nói chuyện với chúng tôi thì chiếc ô tô tải đến thu mua.
"Vụ này, hơn 1 ha mì cho thu hoạch được hơn 7 tấn khô, giá bán 3.200 đồng/kg, anh thu hơn 22 triệu đồng. Đó là chưa kể 4 sào bời lời, 6 sào lúa nước và 2 sào mắc ca đang đến kỳ thu hoạch", anh Vun cười cho biết thêm: "Trước đây mùa mì nhiều thương lái đến ép giá rẻ bèo, thậm chí không mua. Nhưng từ khi đường đi đến tận làng là người dân dần khấm khá...", anh H’Vun-làng Kon Ktonh nói.
Theo UBND xã Kon Pne, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao dần thay thế cho các loại cây truyền thống trước đây. Hiện tổng diện tích gieo trồng của xã là 767,7 ha, trong đó, 212 ha lúa nước vụ Đông Xuân và vụ mùa với năng suất 4 tấn/ha, 58 ha lúa rẫy, 50 ha bắp, 150 ha mì, 25 ha rau đậu các loại, 1,4 ha chanh dây, 5,7 ha sa nhân tím, 2,5 ha cà phê, 150 ha bời lời đỏ, 49,9 ha cây ăn quả các loại.
Ngoài ra, người dân nơi đây đang canh tác 123 ha cây mắc ca xen canh. Tổng đàn gia súc trên 2.200 con, chủ yếu là trâu, bò, heo, dê… Nhờ làm ăn hiệu quả mà thu nhập bình quân của người dân đạt 28 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo tính theo tiêu chí mới còn hơn 30%. Từ giữa năm 2021, Kon Pne đã chính thức thoát khỏi danh sách xã vùng III.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne-chia sẻ: “Hàng năm, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh của trường luôn đạt trên 98%. Những năm qua, nhà trường đã có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, nhiều em sau khi học hết THCS đã theo học THPT và lên cao đẳng, đại học”.
Khoe với chúng tôi, ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-cho biết: “Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tình hình kinh tế-xã hội và diện mạo nông thôn của Kon Pne từng ngày khởi sắc. Đến nay, xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với lợi thế sẵn có, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự đồng lòng của người dân, xã Kon Pne đặt mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2025”.