Ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Lạc Dương cho biết, do ngân sách hạn hẹp nên ở tất cả các dự án hầu như không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc hiệu quả. Chính vì vậy, chỉ tính riêng 9 dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường từ năm 2020 tới nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã có 752 gia đình và tổ chức hiến khoảng 85.000m2 đất.
Chính quyền huyện Lạc Dương mở đường đến đâu đều được người dân tự nguyện hiến đất làm đường
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, để tạo được sự đồng thuận, trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư đều phối hợp với chính quyền địa phương gặp gỡ nhân dân, công khai, minh bạch về dự án, nói rõ dự án không có hạng mục bồi thường khi giải phóng mặt bằng. Nếu bà con đồng thuận hiến đất thì nhà nước sẽ triển khai dự án ngay.
Những gia đình hiến đất cho nhà nước mở đường cũng sẽ được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Lạc Dương tạo mọi điều kiện trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chỉnh lý biến động trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… để đảm bảo quyền lợi.
Gặp gỡ người dân, điều ông Quang nói đã được rõ thêm. Về tổ dân phố Đăng Gia Dền B, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, anh Đào Quang Trinh (48 tuổi), tổ dân phố Đăng Gia Dền B, chia sẻ, nửa năm về trước, anh cũng như hàng trăm hộ gia đình khu vực này được chính quyền địa phương, và chủ đầu tư về họp dân xin ý kiến việc mở rộng tuyến đường Duy Tân, nối liền trục đường chính của thị trấn vào buôn Bnơ C, bà con nghe mở rộng đường ai nấy cũng phấn khởi.
Ngoài hiến khoảng 120 m2 đất mặt đường, anh Trinh còn phá bỏ toàn bộ tường rào và một phần của dãy nhà trọ đang cho thuê (mỗi tháng 4 triệu đồng) để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tính riêng 120 m2 đất trên, nếu quy đổi ra tiền theo giá trị đất trên thị trường đã có giá trên 1 tỷ đồng. Thế nhưng, vì lợi ích chung và lâu dài, gia đình anh Trinh, cùng bà con nơi đây không ai tính toán chuyện thiệt hơn.
“Lúc đầu vợ tôi không đồng ý, bởi giá trị đất và tài sản quá lớn, nhưng tôi đã thuyết phục được vợ mình đồng lòng hiến đất, khi Nhà nước nâng cấp, mở rộng đường, việc đi lại cũng thuận tiện. Nhiều nơi bà con phải tự cắt đất, rồi đóng góp tiền của để mở đường mà đi, đằng này có Nhà nước làm cho rồi, tội gì mình không hiến đất để dự án được sớm triển khai”, anh Trinh vui vẻ nói.
Hàng chục năm qua, tất cả các dự án mở đường trên địa bàn huyện Lạc Dương đều không mất tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngay cả ở khu vực trung tâm thị trấn Lạc Dương, mỗi mét vuông đất có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Khi bà con tự nguyện trả lại đất, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công mở đường là không xảy ra cảnh khiếu kiện kéo dài hoặc cưỡng chế thu hồi đất gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.
Nhờ dân tự nguyện hiến đất Lạc Dương nhanh chóng có những tuyến đường đẹp lãng mạn lên đỉnh Lang Biang
Không chỉ tại trung tâm huyện, những con đường liên thôn của xã vùng dân tộc thiểu số. Xã Đạ Sar được bê tông hóa. Bộ mặt nông thôn của xã vùng sâu, vùng xa cũng có nhiều đổi thay. Đó là thành công của việc vận động người dân hiến đất làm đường, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Ông Liêng Hót Ha Tú (Thôn 1, xã Đạ Sar) phấn khởi: "Trước đây, mưa xuống bùn, đất lầy lội, đường đi trơn trượt, người dân đi lại khó khăn. Những năm gần đây, phong trào làm đường của xã được phát động mạnh mẽ nên người dân rất ủng hộ, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít.
Nhờ vậy, đến nay, hệ thống đường sá của xã khang trang, sạch đẹp, đi lại dễ dàng, thuận tiện. Bà con rất hài lòng và cũng có ý thức giữ gìn đường thôn xóm".
Gia đình anh Liêng Jrang Ha Than - Thôn 6, xã Đạ Sar là một trong những hộ gia đình hiến đất làm đường giao thông nhiều nhất xã với trên 2.000 m2. Anh cho hay: “Khi chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi và các hộ trong thôn phải đi lại trên con đường nắng bụi mưa lầy, muốn ra quốc lộ phải đi đường vòng rất xa.
Vì vậy, khi được tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã phá bỏ một phần vườn cà phê hiến đất mở con đường rộng đẹp thông ra Quốc lộ 27C. Việc đi lại, sản xuất thuận tiện hơn rất nhiều”.
Không chỉ riêng anh Ha Than, nhiều hộ đồng bào DTTS xã Đạ Sar cũng hiến đất làm đường, đồng lòng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Lê Chí Quang Minh, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, để tạo được sự đồng thuận của bà con trong việc hiến đất mở đường, trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư đều phối hợp với chính quyền địa phương gặp gỡ người dân, công khai, minh bạch về dự án, nói rõ dự án không có hạng mục bồi thường khi giải phóng mặt bằng, và thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, tức Nhà nước bỏ vốn, bà con bỏ mặt bằng.
Huyện Lạc Dương có diện tích tự nhiên là 1.312 ha, dân số là 29. 962 người, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 67,95%. Với diện tích tự nhiên trải rộng trên địa bàn huyện, Lạc Dương có 2 tuyến quốc lộ (27C, Trường Sơn Đông) và một tuyến đường tỉnh (ĐT 722) đi qua.
Về giao thông nông thôn, trên địa bàn huyện hiện có 218 km; trong đó, đường liên xã 42 km chiếm 19,26%; đường liên thôn 33 km, chiếm 15,14%; đường thôn 82 km, chiếm 37,61%; đường chuyên dùng, vào nương rẫy 61 km, chiếm 27,98%.
Theo đó, hiện nay, 100% đường xã và đường trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và 100% đường trục thôn, đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; có hơn 90% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 70% đường trục chính nội đông đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện.