Người dân một ngôi làng ở Lâm Đồng tự bỏ tiền mở đường phá thế "biệt lập"

Văn Tư

Di cư từ miền Bắc vào Tây Nguyên, đồng bào Dao sống trong ngôi làng biệt lập. Năm 2020 người dân tự góp 680 triệu đồng để mở đường vào làng.

Thèm khát một con đường

Chúng tôi hỏi thăm nhiều người, vượt qua gần hết đèo Tân Thanh (tỉnh lộ 725) mới tìm được con đường dẫn vào xóm 4, thôn 10, xã Tân Thanh, huyện Tân Hà (Lâm Đồng). Một con đường đất được san lấp tạm thời, tuy nhiên đồi dốc, trơn trượt hơn 2km mới đến được nhà ông trưởng xóm Lý Sinh Nhân.

Người thanh niên đẹp trai của làng đón chúng tôi vui cười dí dỏm nói: “Nhà trưởng xóm Nhân cũng là trung tâm hành chính- đô thị của xóm”.

Người dân tự góp 680 triệu đồng để mở một con đường tạm

Ông Nhân, tâm sự: “Nay có đường đi là tốt rồi đó. Gần 30 năm nay, 55 hộ dân định cư tại các xóm bên hồ thủy điện này muốn đi ra trung tâm thôn 10 phải đi bộ theo 2 con đường mòn. Đến năm 2019, toàn dân trong xóm họp lại, bàn nhau mở một con đường đất rộng khoảng 3m từ tỉnh lộ 725 vào xóm.

Lúc đầu người dân cứ nghĩ chỉ cần cầm cuốc xẻng chặt cây, san phẳng mặt đường là xong. Nhưng đồi núi ở đây phần lớn là nền đất mùn đen, nên chỉ một trận mưa đất trôi hết và đường cũng mất. Cuối cùng, người dân trong làng phải tự đóng góp tiền thuê xe chở đất sét từ nơi khác để đắp lên một con đường. Chỉ con đường đất gần 2km mà 55 hộ dân phải đóng góp đến 680 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hải Quân, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh tâm sự, 55 hộ dân xóm 4 thôn 10 đã được chính quyền cấp hộ khẩu để họ được định cư đầy đủ từ lâu.

“Chúng tôi cũng đã quy hoạch xóm 4 nằm trong quy hoạch tổng thể lâu dài của địa phương. Theo quy hoạch từ mấy chục năm trước, chính quyền đã cấp mấy chục hecta đất nông nghiệp cho người dân trồng trọt, chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Nhưng ngặt nỗi con đường vào xóm 4 lại phải đi qua khu vực của đất lâm nghiệp, đất trồng rừng.

Chúng tôi cũng đã có những báo cáo lên huyện đều chỉnh lại quy hoạch cho người dân có con đường. Tuy nhiên, theo quy hoạch chung thì nếu con đường này được bê tông hóa người dân cũng phải bỏ kinh phí đối ứng 50%, nhà nước trợ cấp 50%. Mà điều kiện người dân xóm 4 chưa thể đáp ứng được”, ông Quân nói.

Có doanh nghiệp từ Hà Nội vào làm đường ủng hộ người dân xã Tân Thanh, nhưng xóm biệt lập này vẫn phải đi con đường tạm

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, hiện nay mạng lưới giao thông nông thôn xã Tân Thanh đang được bê tông hóa rất nhanh. Hiện đang có một tập đoàn bất động sản từ Hà Nội hỗ trợ kinh phí làm hàng chục km đường bê tông nông thôn cho người dân.

Người dân huyện Lâm Hà nói chung và người dân xã Tân Thanh nói riêng có nguồn gốc từ người dân Hà Nội vào đây lập nghiệp. Chính vì vậy, chính quyền Hà Nội rất quan tâm đến mạng lưới giao thông huyện Lâm Hà.

Riêng năm 2021 huyện Lâm Hà đã huy động trên 34 tỷ đồng xây dựng đường giao thông. Từ nguồn vốn nêu trên, huyện Lâm Hà tập trung đầu tư 25 công trình đường giao thông nông tại các xã như: Đan Phượng, Liên Hà, Phi Tô, Nam Hà, Mê Linh, Tân Hà…

Một trong 25 công trình giao thông nông thôn huyện Lâm Hà vừa được khởi công nhưng "làng biệt lập" vẫn khao khát con đường chỉ 2km

Được biết, toàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, đang tập trung triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng huyện nông thôn mới của tỉnh.

Một lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà cho biết, qua rà soát, đánh giá bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới thì huyện Lâm Hà đã đạt chuẩn 9/9 tiêu chí, trong đó có một số tiêu chí vượt so với yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia. Hiện nay, Lâm Hà đã hoàn thiện hồ sơ và đang chờ để được công nhận huyện nông thôn mới trong thời gian tới.

Làng bên hồ thủy điện nhưng không có điện

Thực tế nhà ông Nhân chỉ là ngã 3 của lối mòn sau khi chúng tôi vượt hơn 2km đường đất trơn trượt. Nhà ông Nhân có kê bộ bàn ghế ngoài cửa để tập hợp họp xóm mỗi khi có việc, cũng là nơi để ông Nhân buôn bán đồ ăn sáng, trà, cà phê và bán tạp hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của bà con trong xóm.

Gần 100% người dân là đồng bào Dao, di cư từ tỉnh Cao Bằng và Bắc Cạn vào đây lập nghiệp từ những năm 90. Chỉ cách đây hơn 2 năm xóm 4 này đúng nghĩa là “làng 4 không” (không điện, không đường, không trường, không trạm).

Trao đổi với phóng viên, người dân khao khát có con đường để các cháu đến trường, có điện lưới giúp người dân sinh hoạt

Trưởng thôn Lý Sinh Nhân, cho biết gia đình đầu tiên vào đây từ năm 1992. Những năm đầu tiên người dân ở đây đầu tắt mặt tối vì miếng cơm manh áo. Đời sống sinh hoạt hằng ngày chủ yếu tự cung, tự cấp, con cháu không được đến trường. Mãi đến đầu những năm 2000, ngành giáo dục đào tạo cử thầy cô vào động viên cha mẹ cho các cháu đi học.

Ông Triệu Văn Lâm, cũng là những người đến đây sinh sống gần 30 năm cho biết: “Mình đã phải lam lũ bỏ học, nghe thầy cô nói hợp lý mình cho con đến trường, nhưng đường mòn chỉ đi được xe máy vào mùa khô, còn mùa mưa phải lội bộ hơn 2km theo con đường mòn, rồi lên đường lớn đi thêm 6km nữa mới đến được trường học. Lúc đầu chúng tôi cũng cho các cháu đến trường. Nhưng sau đó đi lại khổ quá, các cháu bỏ học dần, chỉ còn một ít cháu chịu khó theo học.

Ngày ấy, có mấy gia đình nghĩ ra cách, cùng mua một chiếc công nông cũ. Cứ mỗi buổi sáng thay phiên nhau dắt các cháu lội bộ lên đường lớn (tỉnh lộ 725), sau đó lấy xe công nông chở các cháu đến trường. Chiều về về đón các cháu ngược lại, còn chiếc công nông được cất giấu trong bụi. Vậy mà cũng chỉ được mấy tháng, bọn ăn trộm lấy mất chiếc công nông”.

Vì không có đường vận chuyển bằng ô tô, nên nông sản người dân luôn bị tiểu thương ép giá thấp hơn thị trường rất nhiều

Thế là một số cháu tiếp tục phải bỏ học, một số cháu phải đi ở trọ trên trung tâm thôn 10 để tiếp tục theo học”. Mấy người già của xóm nhẩm tính gần 30 năm trời cũng được 5 người đi học hết đại học, nhưng khi học xong họ lên thành phố xin việc chứ không về quê nữa.

Ở cái xóm nằm bên mấy hồ thủy điện dọc sông Đồng Nai, người dân vẫn sống trong tăm tối. Ông trưởng Nhân chỉ tay lên con đường tỉnh lộ 725 mà nói đùa như mếu: “Anh thấy không, chúng tôi nhìn lên thấy đường dây điện chạy dọc đường lớn chỉ cách chưa đầy 2km, mà thèm khát ánh điện như người chết đói nhìn miếng cơm mà không được ăn”

“Chúng tôi như con chim, con nai sống trong rừng. Tự cung, tự cấp, tự lo cho nhau. Không có một thầy thuốc bán thuốc tây, chứ đừng nói gì đến y sỹ, y tá ở đây. Mỗi lần có người đau yếu, trời khô chúng tôi chở xe máy. Trời mưa, chúng tôi phải khiêng cáng chạy bộ vượt hết con đèo hơn 8km để đưa bệnh nhân đến với trạm xá. Và ít nhất cũng có 2 người chưa kịp đến trạm xá đã tử vong dọc đường mòn”, ông Triệu Văn Lâm, tâm sự.

Văn Tư

Cùng chuyên mục