"Đòn bẩy" giao thông tạo đà phát triển, xóa nghèo ở Gia Lai

Tạ Vĩnh Yên

Phát triển hạ tầng xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại Gia Lai.

Có đường, đồng bào làm du lịch

Trước năm 2015, xã Chư Đăng Ya là xã vùng III-vùng đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah (Gia Lai), có tổng diện tích 42,48 km2, 4 làng dân tộc Jrai. Toàn xã có 486 hộ với 2.351 nhân khẩu thì đã có 253 hộ nghèo và 51 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào cây trồng và vật nuôi hạn chế.

Đường bê tông được triển khai thi công lên đến ngọn núi lửa Chư Đăng Ya (Chư Păh) giúp cho người dân và du khách thuận tiện ngắm cảnh.

Tại vùng nông thôn thuần tuý là người đồng bào dân tộc thiểu số này, đời sống người dân vẫn còn chật vật với cuộc sống thường ngày. Đất sản xuất không nhiều lại thiếu nước tưới nên năng suất cây trồng không cao. Trước đây, làng Ia Gri có 80 hộ dân thì chỉ 20 hộ có ruộng, còn lại là đất rẫy. Xã có 2 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới là Ia Tiêng và Ia Pơ song điều kiện cung cấp nước nơi đây không thuận lợi: mùa mưa ruộng ngập nước vì không có hệ thống thoát nước, mùa khô nước không đủ cung cấp. Nước sinh hoạt cũng eo hẹp vì không khoan được giếng. Trước nay, đã có nhiều hộ gia đình thử đào giếng nhưng cứ đào được 3 mét là gặp phải đá, thậm chí đá tảng.

Núi lửa Chư Đăng Ya cách trung tâm thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) làm một trong những "kỳ quan" mà thiên nhiên ban tặng cho xã này nhưng chẳng mấy ai biết tới. Và dẫu có biết thì chẳng mấy người tìm đến đây vì đường sá chưa thuận lợi. Một tài nguyên gần như lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya, Chư Pah cho biết: đời sống kinh tế khó khăn, giao thông không thuận tiện khiến tiềm lực kinh tế như một lối đi cụt trong phát triển kinh tế tại địa phương. Năm 2020, xã Chư Jô là xã đặc biệt khó khăn có 7 thôn làng đã sáp nhập vào xã Chư Đăng Ya.

"Trước đây, hệ thống đường giao thông nông thôn đa phần là đường đất ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại vận chuyển hàng hoá của người dân. Trong đó có tiềm năng phát triển du lịch nhưng vẫn còn ở dạng "tiềm năng" mà thôi, Chủ tịch xã Chư Đăng Ya nhớ lại và cho biết, muốn thay đổi kinh tế tại địa phương, tiêu chí giao thông là một trong những tiền đề rất quan trọng tại đây.

Được sự quan tâm từ cấp tỉnh đến cấp huyện, việc đẩy mạnh giao thông nông thôn mới thông qua Chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững như một "động lực" làm thay đổi cả một nông thôn tại Chư Đăg Ya.

Ông Nguyễn Văn Nội cho biết, giao thông thuận tiện cùng với sự phát triển kinh tế tại địa phương đã thúc đẩy ngành du lịch tại xã nhà như sang một trang mới. Chỉ trong một thời gian ngắn khi núi lửa Chư Đăng Ya trở thành điểm du lịch thu hút du khách thập phương tìm đến. Và cũng từ đây, các ngành nghề như làm rượu cần, các món ăn đặc sắc trên địa bàn như gà nướng, cơm lam; Những con đường hoa, vườn hoa để thu hút khách du lịch đến trên địa bàn, nâng cao thu nhập làm thay đổi hẳn diện mạo của địa phương".

Cũng theo ông Nội, hiện trên địa bàn xã đã hoàn thành trên 50 km đường giao thông. Trong đó: Nhựa hóa 19,13 km, bê tông hóa 28,24 km, chưa cứng hóa 3,93 km. Chỉ tính riêng từ 2015 đến năm 2020, UBND xã được giao làm chủ đầu tư nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững) với tổng chiều dài các tuyến đường là 12,37 km.

"Nhìn chung, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về giao thông nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của người dân sản xuất ra thuận lợi rất nhiều. Góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn", Chủ tịch xã Chư Đăng Ya chia sẻ.

Giao thông làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào thiểu số ở Gia Lai.

Hiệu quả sau 10 năm phong trào nông thôn mới

Theo UBND tỉnh Gia Lai sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có 70 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thông mới (NTM). Theo dự kiến, UBND tỉnh sẽ công nhận thêm 17 xã đạt chuẩn NTM năm 2020. Ngoài TP. Pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, thị xã An Khê và Ayun Pa đang hoàn thiện hồ sơ xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.

Kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung sức đồng lòng của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị quân đội tích cực hỗ trợ giúp cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày một nâng cao.

Đặc biệt, mô hình “Quân đội chung sức xây dựng NTM” của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả rất tốt khi huy động được 17.203 ngày công, hỗ trợ khoảng 5,8 tỷ đồng, làm 131,1 km đường giao thông nông thôn, sửa chữa trường học, nhà ở cho hộ nghèo…

Phong trào xây dựng NTM còn gắn với cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo động lực để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 70 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; TP. Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thị xã An Khê và Ayun Pa đã thẩm tra đạt kết quả xây dựng NTM năm 2019 và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ công nhận. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 41 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn NTM…

Lan tỏa phong trào xây dựng NTMPhong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” đã mang lại sự đổi thay mạnh mẽ ở các vùng nông thôn của tỉnh. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng; nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được triển khai, giúp người dân mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Mục tiêu nâng cao đời sống toàn dân

Ngày 29/9, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ 5 (mở rộng). Tại kỳ họp này, Tỉnh uỷ Gia Lai đưa ra hội nghị với 4 dự thảo nghị quyết và 1 chương trình hành động của Tỉnh ủy, gồm: Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến năm 2030; Nghị quyết về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030; Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030; Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương, trao đổi với Báo Giao thông ông Hồ Phước Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai xác định một số vấn đề trọng tâm như: Định hướng thời gian đến; thay gì phát triển theo chiều rộng thì tập trung đi vào chiều sâu, nghĩa là phải tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích. Muốn vậy đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ bởi nhiều giải pháp.

Trong đó, áp dụng khoa học vào sản xuất, phải cơ giới hoá, muốn vậy phải đổi mới cơ chế quản lý đất nông nghiệp, nhất là đất lúa, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường; thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

"Thực hiện tốt chính sách bảo vệ đất trồng lúa và hỗ trợ cho người trồng lúa theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi, đời sống của nông dân khi cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất hoặc hợp tác với người nông dân để đôi bên cùng có lợi nhất là thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; thủ tục về chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê đất; thủ tục về giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư; thủ tục góp giá trị quyền sử dụng đất để hình thành cổ phần, cổ đông của doanh nghiệp.

Đổi mới cơ chế, chính sách để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã ở khu vực nông thôn.

Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá của người dân làm ra, giúp người dân hàng hoá phải xây dựng được thương hiệu, xuất xứ hàng hoá, phát triển thị trường trong và ngoài nước cho nông sản; quản lý chặt chẽ thị trường nông sản làm thực phẩm trong nước: Hình thành chuỗi sản xuất trong liên kết sản xuất và tiêu thụ, tạo giá trị gia tăng hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến.

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm Chương trình OCOP, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn", ông Thành cho biết.

Tạ Vĩnh Yên

Cùng chuyên mục