Huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có 3 thành phần dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa) sinh sống chủ yếu với 43.057 hộ, 160.181 nhân khẩu. Trong đó, có 5.069 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, với 20.184 khẩu, chiếm 11,77% dân số toàn huyện.
Kinh tế của người dân trong huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.
Diện mạo nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc ở Sóc Trăng ngày càng khởi sắc, nhiều tuyến đường ô tô đến trung tâm xã đã được bê tông hóa.
Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông
Những năm qua, huyện Kế Sách đã đề ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt là các chương trình, dự án, chính sách được thực hiện trong đồng bào dân tộc thiểu số, kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bào dân tộc luôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Qua đó, đã góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất.
Anh Danh S. (ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách) phấn khởi cho biết, trước kia, đời sống của bà con trong xã còn nhiều khó khăn, không có lộ bê tông hóa, việc giao thương, đi lại của người dân rất vất vả, nhất là thời điểm mùa mưa, đường đất các cháu học sinh đi lại rất khó khăn, mình mẩy bê bết bùn.
"Những năm qua nhờ được sự chăm lo của các cấp, các ngành giờ đây những ấp khó khăn trong xã đã có đường bê tông hóa đến tận nhà, bà con đồng bào rất phấn khởi", anh S. nói.
Cung theo anh S., có đường giao thông, việc đi lại, giao thương thuận tiện, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hàng hóa nông sản được thương lái vào tận nơi để thu mua. Bà con đỡ tốn thời gian và chi phí vận chuyển nông sản đến điểm tập kết, việc vận chuyển người bệnh cũng nhanh chóng… Giao thông phát triển kéo theo phát triển hệ thống điện, nước ở các xóm, cuộc sống người dân khởi sắc hơn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Thành Bâu, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kế Sách cho biết, hàng năm, huyện đều có kế hoạch xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đặc biệt là tập trung vốn đối với những xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Những tuyến đường chưa được đầu tư (đường đất, đường đá cấp phối - PV), huyện đã có kế hoạch đưa vào vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách của huyện để sớm triên khai xây dựng.
Mặc dù ngân sách của huyện còn hạn chế, nhưng đối với các xã thuộc xã trong Chương trình 135 trước đây, các xã nghèo cửa huyện Kế Sách như: Thới An Hội, Trinh Phú, Kế Thành, An Mỹ, đều được ưu tiên từ những nguồn vốn về các mục tiêu quốc gia.
“Chúng tôi ưu tiên đưa các dự án giao thông nông thôn vào các xóm, ấp, từng con hẻm thuộc vùng đồng bào dân tộc, để tạo điều kiện cho bà con đi lại được thuận lợi. Đến nay, hệ thống giao thông ở các xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện cơ bản đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đường bê tông hóa liên ấp, bảo đảm cho người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng”, ông Bâu nói.
Đến nay 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện Kế Sách đã có đường giao thông liên ấp, liên xã, người dân đi lại, giao thương thuận tiện, dễ dàng.
Tiếp tục ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc
Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Kế Sách, từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn vốn Chương trình 135, huyện đã đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn và ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, xây dựng 49 công trình giao thông, 4 công trình thuỷ lợi.
Đồng thời duy tu 36 công trình giao thông nông thôn; hỗ trợ đất ở cho 37 hộ, diện tích là 4.503m2, với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng; có 426 hộ được vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, với số tiền trên 2 tỷ đồng; kéo điện mới cho 142 hộ.
Qua thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đến nay 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường giao thông liên ấp, liên xã; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điện sử dụng chiếm 97,89% và 94,31% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Ông Lâm Sơn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Kế Sách cho biết, trong năm 2020, đã có trên 15 tỷ đồng từ các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc như: giải quyết cơ bản mục tiêu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào Khmer nghèo. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và ổn định đời sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống ở Kế Sách đang dần thay đổi toàn diện. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, bà con cũng luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, chung tay góp sức xây dựng quê hương.
“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách về công tác dân tộc. Đồng thời, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích và có hiệu quả, nhất là chăm lo cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa của huyện”, ông Sơn thông tin.
Cũng theo ông, huyện cũng sẽ hỗ trợ tối đa để bà con đồng bào dân tộc làm kinh tế, tạo thêm thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo trong toàn huyện.