Những con đường rộng mở nhờ dân xứ đạo hiến đất

Cờ Đỏ - huyện vùng xa của Cần Thơ, có nhiều xã có đồng bào tôn giáo sinh sống, đã chọn hướng đi đúng để phát triển giao thông nông thôn (GTNT).

20 năm trước, muốn về xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ gần như chỉ có con đường duy nhất là từ trung tâm quận Thốt Nốt hiện nay đi vào, khoảng 10km. Đó thực sự là nỗi ám ảnh.

Con đường đá cục chưa hoàn chỉnh, gập ghềnh, nắng thì bụi kinh khủng, mưa thì vô phương tiến…

Trung Hưng là xã với diện tích rộng, dân số đông: trên 5.130 hộ dân với 20.308 người sinh sống. Với 95% dân số là tín đồ phật giáo Hòa Hảo, bà con xã Trung Hưng sinh sống chủ yếu nhờ nông nghiệp.

“Nông sản, rau màu, phương tiện vận chuyển, đường sá, giao thông phải được đầu tư nâng cấp góp phần khơi thông, tạo bàn đạp cho kinh tế chính trị, xã hội, ngày một phát triển”. Đó là định hướng của huyện Cờ Đỏ dành cho xã đặc biệt này.

Những chiếc cầu khang trang, kiên cố mọc lên ở Trung Hưng. Ảnh: Hồ Thảo

“Thứ nhất phải xác định công trình trọng tâm, trọng điểm làm bàn đạp để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Thứ hai là phát huy tốt quy chế dân chủ và cơ sở về việc “Dân biết dân làm”, “Dân kiểm tra” và “Dân hưởng thụ”. Thứ ba là thực hiện tốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc giữa nhà nước, nhân dân và các tổ chức tôn giáo. Thứ tư: phát huy tính từ thiện của bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn, để thực hiện tốt trong công tác xây dựng giao thông nông thôn”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch UBND xã Trung Hưng.

Theo lãnh đạo huyện Cờ Đỏ, các tuyến đường GTNT hoàn thành nhanh, ngoài sự quan tâm đầu tư kinh phí từ trên, phải lựa chọn giải pháp đúng đắn. “Nhà nước làm đường, dân hiến đất”.

Với nông dân, đất là máu thịt, nhưng họ sẵn sàng hiến để làm đường vì thấy rõ lợi ích trước mắt. Còn nếu vận động bà con góp tiền thì rất khó, bởi đa số người dân nơi đây chưa dư dả nhiều, sẽ ảnh hưởng tiến độ thực hiện…

Cầu khỉ đã xóa hết, chỉ còn những chiếc cầu bê tông. Ảnh: Hồ Thảo

Ông Nguyễn Trường Thọ, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ khẳng định: “Trung Hưng là xã đi đầu trong công tác GTNT: làm cầu, đường”. Trong năm 2019-2020, người dân Trung Hưng đã hiến tổng cộng gần 34.200m2 đất để làm đường GTNT, trong lúc giá đất ngày càng tăng vọt, có nơi cả triệu đồng mỗi m2.

Ông Lê Văn Sáu, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, 62 tuổi ở ấp Thạnh Hưng 2, xã Trung Hưng, từng hiến 1.000m2 đất để làm đường, ủng hộ 50 triệu đồng xây dựng cầu.

“Ngày xưa tuyến đường qua nhà tôi xập xình lắm. Vì vậy Nhà nước đề nghị mở lộ rộng cho bà con qua lại dễ dàng, ai cũng đồng tình. Hồi trước toàn là cầu gỗ, mưa trơn trợt, người dân gặp tai nạn liên tục, nhất là con em học sinh”, ông kể.

Những con đường bê tông thẳng tắp. Ảnh: Hồ Thảo

Có học sinh đi học, té nhào xuống sông phải nước mắt nước mũi trở về nhà thay đồ rồi đi học tiếp. Nói chung là khổ trăm bề. “Nhưng từ ngày bắc được cây cầu bê tông kiên cố, bà con không còn thấy tai nạn nào nữa. Đó là ước mơ cao lâu nay của người dân làm nông nghiệp nay đã thành hiện thực. Xe 2 bánh qua lại thuận tiện trong việc vận chuyển, vui lắm. Tuyến đường và những chiếc cầu này đem lại sự hạnh phúc cho bá tánh, muôn dân”, ông nói thêm.

Cũng từ khi có lộ GTNT thẳng tắp 4m ở ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng, học sinh, trẻ nhỏ được đến trường trên một con đường an toàn; các bậc phụ huynh cũng vui mừng; thương lái hoan hỉ ra vào mua trái cây, rau của cho bà con…

Anh Nguyễn Văn Nê, ấp Thạnh Phú 2, chia sẻ: “Nhờ Nhà nước quan tâm, xây dựng tuyến đường, khang trang theo chủ trương Nhà nước làm, dân hiến đất, khi hoàn thành người dân hân hoan. Lúc trước trời nắng còn đi được, mưa thì thua bởi sình lầy, trơn trợt…”.

Nông dân xã Trung Hưng có thể phóng xe gắn máy bon bon đi thăm đồng. Ảnh: Hồ Thảo

Riêng năm 2020, xã Trung Hưng vận động thực hiện 6 công trình cầu bê tông (ngang 4m) với tổng kinh phí 3,85 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 2,83 tỷ đồng). Đó là cầu Huy Lâm (Tuệ Tâm 107) ấp Thạnh Phú 1, kinh phí 212 triệu đồng (được tài trợ 180 triệu, nhân dân đóng góp 32 triệu): cầu Phú Hưng, ấp Thạnh Phú 2, dài 16m, kinh phí 128 triệu (1 mạnh thường quân ở TP HCM tài trợ 103 triệu, nhân dân đóng góp 25 triệu); cầu kênh số 4 xã Trung Hưng, ấp Thạnh Hưng 2, kinh phí 1,02 tỷ đồng (vốn Nhà nước)…

Với sự chỉ đạo của UBND TP và huyện, UBND xã Trung Hưng đã vận động trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, hoàn thành trên 40km đường GTNT. Nhờ vậy, từ xã vùng sâu, đi lại khó khăn, chỉ sau 10 năm tỉ lệ bê tông hóa tuyến lộ giao thông đã vượt 80% tiêu chuẩn xây dựng xã Nông thôn mới.

Giờ đây, đời sống nhân dân cải thiện, nhà cửa, cơ sở vật chất khang trang, nông sản không bị thương lái ép giá nhờ giao thông thuận lợi… Thành quả trong xây dựng GTNT mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp bà con đồng bào tôn giáo không còn cảnh ngăn sông, cách chợ. Giờ đây, về Trung Hưng, dễ dàng nhận thấy những chiếc cầu nối đôi bờ kênh, những tuyến lộ thẳng tắp, những tiếng reo đùa vui nhộn của đám trẻ ven đường…

Cùng chuyên mục