Niềm vui trên 9 cây cầu treo, xóa cảnh người dân đu cáp vượt sông

Ngọc Hùng

Cầu treo dân sinh đã xóa cảnh người dân phải treo mình trên sợi cáp vượt sông góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk.

Không còn cảnh đu cáp… vượt sông

Điều khiển chiếc xe máy chạy bon bon trên con đường bê tông sạch đẹp, dẫn lên cầu treo bắc qua suối (thuộc thôn Ea Ly, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), ông Nông Văn Ngọc (dân tộc Nùng) chia sẻ: “Từ ngày có cầu, có đường đời sống của người dân đã đổi thay rất nhiều. Giao thông đi lại thuận lợi, an toàn, nông sản, vật tư được vận chuyển dễ dàng giúp người dân có điều kiện để phát triển”.

Cầu treo, xóa cảnh đu cáp vượt sông ở xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo ông Ngọc, khu vực trên chủ yếu là người đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái từ phía Bắc vào lập nghiệp từ hơn chục năm trước. Trước đây, để qua được bờ bên kia canh tác, sản xuất người dân phải lội suối hoặc đi cầu treo bằng tre gập gềnh. Mùa mưa, cầu bị cuốn trôi người dân phải đu người trên sợi cáp rất nguy hiểm, đường sá sình lầy. Từ ngày được nhà nước xây dựng cầu và đường bê tông khang trang, người dân “xóa” cảnh đu cáp nên rất phấn khởi, tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản, phát triển kinh tế.

Cách cầu treo thôn Ea Ly không xa, hai chiếc cầu treo tại thôn 7 và thông 8 (xã Ea Huar) đã giúp người dân nơi đây xóa cảnh treo mình nguy hiểm trên sợi cáp mỏng manh vượt sông. Vào ngày mùa, những chiếc cầu treo khang trang, chắc chắn đã giúp người dân nơi đây vận chuyển hàng trăm tấn bắp, mì, lúa,.. dễ dàng.

Những cây cầu chắc chắn nối liền hai bờ, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn. Ảnh: Ngọc Hùng

Cùng chung niềm hạnh phúc với người dân ở Buôn Đôn, người dân thôn 2, thôn 6 (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) cũng không giấu được niềm vui sướng sau hơn chục năm đi lại mưu sinh bằng những sợi cáp tự chế vượt sông, đánh cược mạng sống với “tử thần”.

Bà Nguyễn Thị Nga (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) xúc động nói: “Trước đây, mỗi ngày người dân phải đu mình trên sợi cáp vài lần để vượt sông Krông Ana để vận chuyển phân bón, dụng cụ sản xuất, nông sản qua vùng canh tác. Hành trình mưu sinh biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Gần 15 năm qua, chưa bao giờ người dân nơi đây mơ có ngày được đi lại trên chiếc cầu treo chắc chắn, vượt sông an toàn như vậy.

Cầu treo kết nối, phát triển kinh tế vùng nông thôn

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa đầu tư 24 tỷ đồng xây dựng hơn 13km đường bê tông kết nối hai đầu cầu, giúp người dân đi lại thuận lợi, phát huy thêm hiệu quả của cầu treo dân sinh. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Đoàn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) cho biết: “Hai cây cầu treo dân sinh ở thôn 7 và thôn 8 đã mang lại hiệu quả rất lơn trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Cầu treo đã kết nối được khu dân cư với nhau và khu dân cư với vùng sản xuất của người dân. Vật tư, nông sản người dân làm ra vận chuyển dễ dàng, tiết kiệm được nhiều công sức và chi phí, từ đó giúp đời sống của người dân ngày càng có điều kiện để phát triển.

“Trước đây, mùa mưa nước suối dâng cao, người dân đi lại bằng ròng rọc, dây cáp treo mình trên suối để vận chuyển phân bón, vật tư, nông sản và cả xe máy để qua phía bờ bên kia canh tác, mùa khô thì lội xuống lòng suối đi lại rất khó khăn. Cầu treo được đầu tư xây dựng, đường dẫn hai đầu cầu cũng được đổ bê tông sạch đẹp, khang trang tạo điều kiện thuận cho người dân đi lại, hoạt động sản xuất thuận lợi. Hiện tại, cầu treo bắc qua khu vực trên có hơn 1.000ha đất canh tác và người dân sinh sống nên cầu treo dân sinh mang lại lợi ý rất lớn cho người dân”, ông Hưng nhấn mạnh.

Những cây cầu treo làm đã đáp ứng niềm mơ ước của đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo Quyết định của Bộ GTVT phê duyệt Đề án xây dựng cầu treo dân sinh ở 28 tỉnh, thành miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, được đầu tư xây dựng 9 cầu, chiều dài 740m, với trên 11.000 người dân được hưởng lợi. Các cây cầu được hoàn thiện và đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân được an toàn, thuận lợi.

“9 chiếc cầu treo được Bộ GTVT đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã giúp người dân nơi đây xóa cảnh treo mình nguy hiểm trên sợi cáp vượt sông. Những nhịp cầu không chỉ giúp người dân đi lại an toàn mà hàng hóa, nông sản cũng vận chuyển dễ dàng hơn, tạo đà phát triển KT-XH địa phương”, ông Du cho hay.

Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi 9 cầu treo được đầu tư mặc dù đã xóa cảnh người dân đu cáp vượt sông, mất ATGT. Tuy nhiên, đường dẫn kết nối với cầu chưa được đầu tư, người dân đi lại khó khăn, chưa phát huy hết hiệu quả của cầu. Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã bố trí 24 tỷ đồng, xây dựng các tuyến đường kết nối với 9 cầu treo với tổng chiều dài 13,17km. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả của cầu treo, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân vùng nông thông phát triển.

Ngọc Hùng

Cùng chuyên mục