Lĩnh vực đường thủy nội địa trên các sông, suối, lòng hồ, trên địa bàn tỉnh Gia Lai là lĩnh vực còn rất mới nên nhiều năm qua lĩnh vực giao thông này còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc.
Một bến đò ở xã Ia Khai - huyện Ia Grai (Gia Lai) nơi người dân đồng bào thiểu số ở xã này hằng ngày vượt sông để đến rẫy.
Hiểm nguy rình rập trên các lòng hồ
Nhiều năm gần đây, khi các con đập thuỷ điện trên sông Sê San (Gia Lai, Kon Tum) được tích nước phát điện thì các lòng suối ở xã Ia Khai (Ia Grai, Gia Lai) hình thành nên một mạng lưới giao thông mới đó là đường thuỷ nội địa. Người dân nơi đây đa phần là người dân tộc thiểu số mưu sinh ở ven sông nước. Để lên nương lên rẫy, phương tiện thuyền trở nên hữu ích nhất.
Bến đò làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) là một trong những điểm tập kết thuyền tham gia giao thông đường thủy lớn nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mỗi ngày, hàng chục chiếc thuyền vượt dòng nước sông Sê San chở người dân tại xã Ia Khai đến làm nương rẫy tại địa phận xã Ia Tơi, (H. Ia H’Drai, T. Kon Tum) cứ thế đi về.
Ở đây, những chiếc thuyền chủ yếu là tự đóng thô sơ sau đó gắn động cơ vào đuôi thuyền. Người dân nơi đây thì vô tư lắm, cả gia đình cứ nhảy lên thuyền là đi mà không cần đến chiếc áo phao. Mỗi chiếc thuyền chở từ 2-3 người, thậm chí một số chiếc chở từ 4-5 người cùng các nông cụ phục vụ sản xuất. Mỗi buổi chiều, những chiếc thuyền trên còn “gồng gánh” một lượng nông sản đem về tiêu thụ dẫn đến việc nhiều phương tiện có dấu hiệu “quá tải”, không đảm bảo yếu tố an toàn.
Theo một người dân nơi đây khi được hỏi về chiếc áo phao thì chỉ cười. Có mấy đợt họ đem đến tặng áo, nhưng tặng xong rồi đem về nhà treo. “Đi lên rẫy, bỏ lại áo phao ở thuyền thì sợ bị trộm. Còn mặc theo thì vướng víu”, người đàn ông chúng tôi gặp ở bến đò làng Nú cười còn nói thêm: “Ở đây có mấy người mặc đâu, dù nhà ai (có thuyền) cũng được cấp”.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai cho biết, Hiện nay xã có hơn 100 chiếc thuyền hoạt động trên 8 bến và khoảng 12 km đường sông. Toàn xã có khoảng 300 hộ dân hàng ngày đi thuyền đến canh tác trên khoảng 500 ha đất nông nghiệp tại xã Ia Tơi (Kon Tum) đều đa phần đi đường sông".
Bà Lương cho hay: “Những năm qua đã xảy những vụ lật thuyền trong mùa nước lớn dẫn đến có người tử vong vì không mang áo phao, người dân cũng tận mắt chứng kiến và cảm thấy hoang mang nhưng rồi lại đâu vào đấy vì tâm lý chủ quan. Dù đã được cấp áo phao nhưng hầu hết người dân đều không mang theo nên rất nguy hiểm mỗi khi xuất hiện bất trắc, tai nạn”.
Tại bến đò làng Dlâm (xã Ayun, huyện Chư Sê), mỗi ngày có khoảng trên 50 chiếc thuyền của người dân trong làng ngoài dùng làm phương tiện đánh cá còn dùng để vượt từ 2-5 km lòng hồ Ayun Hạ để đi làm rẫy trên diện tích hơn 100 ha. Đa phần người dân chỉ dùng mái chèo, một số có gắn động cơ. Cũng chỉ với những chiếc thuyền cũ kỹ có “thâm niên” hàng chục năm nhưng rất hiếm người dân được trang bị áo phao. Họ vẫn vô tư đánh cược tính mạng mình với “hà bá” bởi sự chủ quan giữa mênh mông sóng nước.
Ông Nguyễn Đức Cường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: “Đa phần bà con làm nghề sông nước nên cũng có tâm lý chủ quan, chúng tôi cũng thường xuyên cảnh báo người dân cần cẩn trọng nhất là trong mùa mưa lũ”.
Không chỉ riêng trên các lòng hồ thuỷ lợi, thuỷ điện ở Gia Lai mà trên các con sông Ba đoạn qua tỉnh Gia Lai cũng xảy ra tình trạng người dân đồng bào dân tộc thiểu số sống ở ven sông này tự mua máy móc, độ chế những chiếc thuyền để tiện đi nương đi rẫy, vận chuyển nông sản sang sông. Trong nhiều năm qua, tại Gia Lai cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc dẫn đến chết người.
Người dân đồng bào thiểu số ở xã Đăk Tơ Ve (Chư Păh) vượt suối đi rẫy.
Đường thuỷ nội địa là lĩnh vực mới
Theo Sở GTVT tỉnh Gia Lai, hoạt động đường thuỷ nội địa của tỉnh này là vấn đề còn rất mới. Chủ trương đưa giao thông đường thủy nội địa vào quản lý theo đúng quy định của pháp luật đã được các lực lượng chức năng quan tâm từ lâu nhưng vẫn còn “bỏ ngỏ”.
Bà Nguyễn Mai Lương thẳng thắn thừa nhận: “Trước thực trạng người dân không sử dụng áo phao khi tham giao thông đường thủy, hiện UBND xã cũng chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, cảnh báo mà không thể xử lý vì không có chức năng. Hơn nữa là vấn đề nhân sự đủ nghiệp vụ cũng như phương tiện cho công tác tuần tra, kiểm soát. “UBND xã cũng kiến nghị UBND huyện và Sở GTVT hỗ trợ kinh phí để mở lớp đào tạo lái và sửa chữa thuyền cho người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhưng vẫn chưa thực hiện được”, bà Lương bày tỏ.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hạnh - Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT cũng thẳng thắn: "Hoạt động đường thủy nội địa phát triển trong một vài năm trở lại đây nên ở các cơ quan quản lý cấp tỉnh, cấp huyện chưa có cán bộ được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực đường thủy nội địa, kinh nghiệm quản lý về lĩnh vực này. Cụ thể: Sở GTVT không có công chức chuyên ngành về đường thủy nội địa; Thanh tra giao thông chưa được bồi dưỡng chuyên ngành về thanh tra đường thủy nội địa; Phòng CSGT (Công an tỉnh) chưa có cán bộ, chiến sĩ được đào tạo chuyên ngành CSGT đường thủy; không có phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm soát hoạt động đường thủy nội địa…
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định về giao thông đường thủy của người dân chưa cao, các phương tiện hầu hết đều tự phát, không có quy chuẩn thiết kế đảm bảo an toàn. Theo Sở GTVT Gia Lai, đơn vị này thường xuyên tuyên truyền và thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa cho 21 phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm, đăng ký quản lý. Đây đều là những phương tiện này hoạt động chủ yếu để kiểm tra lòng hồ thủy điện, thủy lợi.
Ông Hạnh cho biết: “Về đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đề nghị Trường Cao đẳng giao thông đường thủy II phối hợp tổ chức tuyển sinh, đào tạo người lái phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, theo báo cáo của địa phương, đa số chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện là người đồng bào dân tộc thiểu số, người dân lao động có đời sống kinh tế khó khăn, không có thời gian, kinh phí để tham gia đào tạo để cấp chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện đúng quy định”.
Bên cạnh đó, về đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa tự phát, Sở GTVT đã phối hợp Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), UBND huyện Ia Grai đã thực hiện khảo sát, kiểm tra thực tế 60 trong tổng số 146 thuyền có gắn động cơ tại huyện Ia Grai. Chi cục Đăng kiểm số 4 đã có công văn triển khai, Sở Giao thông vận tải đã thông báo đến 60 chủ phương tiện bố trí phương tiện, kinh phí và thời gian để Chi cục Đăng kiểm 4 cử cán bộ đến địa bàn huyện Ia Grai để thực hiện đăng kiểm, có gửi kèm danh sách phương tiện, kinh phí cụ thể. Dù UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo UBND các xã tích cực đề nghị người dân đăng ký để được đăng kiểm phương tiện nhưng người dân không đăng ký.
Khi những giải pháp căn cơ chưa thể triển khai, hiện Sở GTVT vẫn đang tích cực phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong công tác tuyên truyền. Qua đó cấp phát 1.500 tờ rơi tuyên truyền về an toàn phương tiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa; phối hợp các Công ty thủy điện trên địa bàn cấp phát 800 áo phao, 15 dụng cụ nổi cá nhân cho người dân sử dụng phương tiện giao thông thủy nội địa; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh lắp đặt bảng hiệu tuyên truyền các quy định về hoạt động phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa tại 3 bến khách tự phát trên địa bàn huyện Ia Grai tại xã Ia Khai, xã Ia Grăng và xã Ia O.
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đưa hoạt động đường thủy nội địa vào quy củ từ con người đến phương tiện. Sở sẽ cử lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tham gia đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đường thủy nội địa. Đồng thời đề nghị Công an tỉnh Gia Lai nghiên cứu giải pháp bố trí cán bộ tham gia đào tạo chuyên môn về đường thủy, trang bị trang thiết bị để phục công tuần tra xử lý đảm bảo an toàn đường thủy trên toàn tỉnh", ông Lê Văn Hạnh - Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT cho biết.