Cà Mau: Quan tâm đào tạo cấp GPLX cho đồng bào dân tộc, hạn chế TNGT

Gia Minh

Cà Mau luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc tham gia học và thi sát hạch cấp GLPX giúp hạn chế TNGT.

Tự tin hơn khi có giấy phép lái xe

Những năm qua, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) mô tô 2 bánh hạng A1 và ô tô hạng B2 cho người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp được các cấp, các ngành của tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Từ đó góp phần thiết thực vào việc kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Việc đào tạo và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe cho đồng bào dân tộc thời gian qua được các cấp, các ngành ở Cà Mau đặc biệt quan tâm. Ảnh: T.C

Ông Thạch H. (người dân tộc Khmer, ngụ xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) chia sẻ: “Trước khi diễn ra đợt dịch lần thứ 4, tôi có đăng ký học và thi bằng lái xe mô tô hạng A1 tại một cơ sở đào tạo trên địa bàn TP Cà Mau, quá trình học được sự hỗ trợ nhiệt tình của giáo viên hướng dẫn, nên tôi rất tự tin để đi học dù trình độ chỉ mới hết lớp 5.

Tôi đã vượt qua kỳ sát hạch, đến nay đã nhận được bằng lái xe hạng A1. Có bằng lái xe, tôi an tâm hơn khi tham gia giao thông, và không còn phải lo sợ bị CSGT thổi nữa”.

Còn anh Hữu Việt Tâm (người dân tộc Khmer, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) chia sẻ: “Do đã học xong chương trình lớp 12, nên khả năng tiếp cận kiến thức về lái xe của mình cũng an tâm hơn. Hồi tháng 4/2021, tôi đã tham gia và thi đậu sát hạch lái xe ô tô hạng B2 ở Cà Mau”.

Cũng theo anh Tâm, quá trình học, anh được giáo viên dạy những kiến thức cơ bản về an toàn giao thông, những quy định phải chấp hành khi tham gia giao thông, kỹ năng lái xe an toàn, đạo đức lái xe, Luật Giao thông… để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, nên giờ ra đường anh cảm thấy rất an tâm.

“Đối với những người lớn tuổi, trình độ học vấn còn thấp, khi đăng ký học lái xe hơi khó tiếp thu, nhất là ở môn học Luật Giao thông, việc đọc hiểu và trả lời các câu hỏi lý thuyết cũng còn chậm. Không ít người do không nắm bắt kịp, nên đăng ký học được thời gian đầu thì bỏ ngang không học nữa”, anh Tâm chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, Sở cũng có phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho bà con vùng đồng bào dân tộc, trong đó có việc dạy và thi sát hạch cấp GPLX mô tô và ô tô, có nhiều trường hợp đã được cấp GPLX.

“Phần lớn bà con đăng ký học đều nói và viết được tiếng Việt, nên việc đào tạo không mấy khó khăn. Sở cũng đề nghị các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến lĩnh vực ATGT đối với học viên là người đồng bào dân tộc để có hỗ trợ kịp thời, cố gắng để bà con có hoàn thành chương trình đào tạo và có được GPLX. Từ đó, giúp bà con tham gia giao thông an toàn, hạn chế xảy ra tai nạn”, ông Sơn thông tin.

Thế nhưng, do trình độ học vấn của đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không ít trường hợp không biết chữ, không đủ điều kiện để được đào tạo, thi sát hạch cấp GPLX. Mặc dù, các đối tượng này đều đủ năng lực, hành vi về điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, người đồng bào cũng ngại đi thi.

Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 1.495 lao động là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề.

Nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc

Ông Từ Hoàng Ân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, hàng năm, tỉnh đều có kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn - bình quân 10.000 lao động/năm.

Trong đó, đào tạo cho lao động dân tộc thiểu số chiếm 4% của chính sách Đề án (trong đó, có việc hỗ trợ đào tạo cấp giấy phép lái xe cho vùng đồng bào dân tộc).

Cũng theo ông Ân, giai đoạn 2016-2020 thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn 45.865 người, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề là 1.495 người.

“Các cơ chế, chính sách trong hỗ trợ chi phí đào tạo, chính sách ưu đãi đối với học sinh dân tộc thiểu số học nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe, vay vốn học nghề đã giúp cho người học nghề an tâm học tập, áp dụng mức hỗ trợ chi phí đào tạo cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng theo Quyết định 46 ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện các chính sách đặc thù đào tạo 191 học sinh, sinh viên với kinh phí 568 triệu đồng. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí theo quy định của Nghị định 86 ngày 2/10/2015 của Chính phủ; Chính sách nội trú theo Quyết định 53 ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp”, ông Ân thông tin thêm.

Năm 2022, Sở sẽ tiếp tục thực hiện rà soát nhu cầu cần đào tạo của người đồng bào dân tộc theo từng thời điểm để xác định ngành nghề cần thực hiện đào tạo.

Song song đó, các trường cao đẳng trên địa bàn thực hiện các chính sách đặc thù theo Quyết định 53 ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp.

Qua đó, giúp học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Gia Minh

Cùng chuyên mục