Thực tế hiện nay, tại nhiều tỉnh miền núi, biên giới còn tình trạng thanh, thiếu niên tổ chức lạng lách, đánh võng, điều khiển xe trong tình trạng say xỉn… làm mất ATGT. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Lã Hoài Nam, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Cao Bằng về kinh nghiệm phòng ngừa, kéo giảm TNGT.
Chú trọng tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm
Ông Lã Hoài Nam, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Cao Bằng. Ảnh VTOTO.
Xin ông cho biết thực trạng vi phạm ATGT trong thanh, thiếu niên, nhất là người dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới tại Cao Bằng diễn ra như thế nào?
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa.
Công tác tuyên truyền các quy định về bảo đảm TTATGT; đào tạo, cấp giấy phép lái xe mô tô cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn vì nhiều người còn hạn chế hiểu biết về Luật giao thông đường bộ.
Năm 2021, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cơ bản ổn định, không xảy ra ùn tắc giao thông, không xảy ra tình trạng đua xe trái phép và chống người thi hành công vụ. Tình trạng sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông được dự báo và phòng ngừa, kiểm soát, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Lực lượng CSGT Cao Bằng tuyên truyền ATGT cho học sinh. Ảnh CSGT.
Từ đó đã hạn chế được các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trên các địa bàn đô thị vẫn nổi lên một bộ phận thanh niên, học sinh thiếu ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, cá biệt có một số học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy điện nhưng không đội mũ bảo hiểm, chạy xe thành nhóm, đi tốc độ cao, lạng lách đánh võng, vi phạm quy định về ATGT.
Để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa những trường hợp như trên, Ban ATGT, Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã có những giải pháp gì để nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATGT của thanh, thiếu niên và người dân trên địa bàn?
Ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch bảo đảm TTATGT năm 2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, phát động “Phong trào thi đua bảo đảm TTATGT năm 2021”. Thực hiện năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT”, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Ban cũng chỉ đạo các cơ quan thành viên ở tỉnh, huyện tập trung tuyên truyền các nội dung: Không uống rượu, bia khi tham gia giao thông, không chở quá người và đội mũ bảo hiểm đúng quy định; cách nhận biết các loại biển báo, các quy định về xử phạt hành chính khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ; Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 16/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt...
Trong năm, các cơ quan báo chí của tỉnh và Trung ương đã đăng tải hàng trăm tin bài, ảnh và nhiều chuyên đề, phóng sự về công tác đảm bảo TTATGT.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 100% các đơn vị trực thuộc đã xây dựng kế hoạch cụ thể tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tham gia giao thông, pháp luật về bảo đảm TTATGT cho học HS,SV; tổ chức ký cam kết với cha mẹ học sinh về việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức tham gia giao thông cho học sinh; không giao mô tô, xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe; hưởng ứng cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” để tuyên truyền, giáo dục ATGT cho HS, SV.
Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT trong đoàn viên, thanh thiếu nhi qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội, sinh hoạt dưới cờ, các phương tiên thông tin đại chúng, mạng xã hội….
Lực lượng CSGT tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chuyên đề về “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”, phối hợp với chính quyền địa phương nắm tình hình trên tuyến nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các nhóm tổ chức đua xe, lạng lách đánh võng…, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tiếp tục kéo giảm, đẩy lùi TNGT
Kết quả cụ thể ra sao? Trong đó, đâu là cách làm riêng của Cao Bằng?
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 69 vụ TNGT đường bộ, làm chết 30 người, bị thương 81 người; giảm 11 vụ, giảm 7 người chết và giảm 6 người bị thương so với năm trước.
Để đạt được kết quả trên, trước hết người đứng đầu các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các huyện, thành phố đã nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công tác bảo đảm TTATGT.
Tập trung tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đến HS,SV và đoàn viên, thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh; tổ chức ký cam kết với cha mẹ học sinh về việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức tham gia giao thông cho học sinh; không giao mô tô, xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe; xây dựng mô hình tổ tự quản “Cổng trường an toàn giao thông”…
Ban ATGT tỉnh Cao Bằng đặt ra mục tiêu, định hướng gì cho công tác trên trong thời gian tới?
Ban ATGT tỉnh Cao Bằng tiếp tục tham mưu chỉ đạo, triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn toàn tỉnh; phấn đấu giảm từ 5 đến 10% ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương và giảm 10% tỷ lệ thương vong đối với trẻ em do tai nạn giao thông so với năm 2021.
Để đạt được mục tiêu trên, đơn vị đã chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; quan tâm tuyên truyền tới đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Các cơ quan thành viên, Ban ATGT các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Tiếp tục thực hiện Kết luận số 45-KL/TW, ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.
Hưởng ứng Chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2021-2030” của Liên hợp quốc về Cải thiện ATGT đường bộ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm để bảo đảm ATGT.
Xin cảm ơn ông!