Phá đá thông luồng, chuẩn hóa báo hiệu
Dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022 vừa qua, kíp thuyền viên tàu PT-4145 của thuyền trưởng Nguyễn Trọng Phúc (Đoan Hùng, Phú Thọ) không nghỉ mà tận dụng luồng đường thủy tuyến sông Lô thuận lợi để tranh thủ vận chuyển dăm gỗ từ khu vực ngã ba sông Lô - Chảy cho khách ở địa phương đồng bằng và kết hợp chở than, sắt theo chiều ngược lại.
Xếp dỡ hàng hóa lên phương tiện thủy trên tuyến sông Lô
Anh Phúc và một số thuyền viên khác phấn khởi cho biết, từ cuối tháng 12/2021, luồng đường thủy sông Lô qua Phú Thọ và Tuyên Quang đi lại dễ dàng hơn trước vì một số bãi đá ngầm đã được cơ quan chức năng thanh thải mở rộng luồng.
“Sông Lô có nhiều đoạn luồng hay bị cạn và có các dải đá ngầm tự nhiên. Một số đoạn nguy hiểm có lực lượng điều tiết, hướng dẫn cho tàu thuyền qua lại, mới đây vài bãi đá được thanh thải nên các tàu đi lại thuận lợi hơn”, thuyền trưởng trên chia sẻ.
Ông Trần Xuân Khơi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 cho biết, trong tháng 11-12/2021, có 3 dải đá ngầm trên sông Lô thuộc địa phận Phú Thọ và Tuyên Quang được cơ quan chức năng cho nổ mìn, thanh thải thành công, xóa bỏ “điểm đen” TNGT đường thủy.
“Việc thanh thải các dải đá ngầm giúp phương tiện trọng tảu lớn lưu thông nhanh, an toàn hơn, nhất là vào mùa nước cạn hoặc thời điểm đông phương tiện qua lại”, ông Khơi cho biết.
Cụ thể, các bãi đá được thanh thải gồm: Km0+500 (Phú Thọ; khu vực ngã ba sông Hồng - sông Lô), Km68+800 (tỉnh Tuyên Quang) và Km77+500 (ngã ba sông Chảy - sông Lô).
“Kết cấu hạ tầng các tuyến giao thông đường thủy quốc gia khu vực, địa bàn miền núi tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái ngày càng được ưu tiên đầu tư nâng cấp, cải tạo. Cùng với việc thanh thải các vị trí chướng ngại vật ngầm từ nhiên, hệ thống báo hiệu cũng được thay thế, bổ sung theo đúng quy chuẩn. Năm 2021, trên các tuyến khu vực trên được thay thế hơn 50 phao, báo hiệu mới đạt chuẩn kỹ thuật quốc gia”, ông Khơi cho biết.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án nạo vét bãi cạn ghềnh Vật Lợn trên sông Hồng từ Km558+500-Km361+273 (huyện Trấn Yên, Yên Bái) cũng đang được Cục Đường thủy nội địa VN triển khai để mở rộng, khơi thông luồng với chiều sâu 20m, rộng 40m theo chuẩn cấp kỹ thuật.
Thay thế báo hiệu tại một tuyến đường thủy thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Mở mang hạ tầng, hỗ trợ người dân vùng khó khăn
Ông Trần Văn Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I chia sẻ, hệ thống đường thủy quốc gia tại các địa phương miền núi phía Bắc được mở rộng, đầu tư kết cấu hạ tầng và đưa vào quản lý, khai thác vận tải, góp phần thúc đẩy vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường thủy.
“Những năm gần đây, hệ thống đường thủy khu vực miền núi phía Bắc có thêm một số tuyến quốc gia như lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu (từ thượng lưu đập thủy điện Sơn La đến hạ lưu thủy điện Lai Châu) được đầu tư hệ thống báo hiệu, công bố tuyến để đưa vào khai thác phục vụ vận tải thủy. Hệ thống báo hiệu được bố trí đảm bảo theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bên cạnh đó, một số tuyến đường thủy khu vực biên giới được ưu tiên đầu tư, bảo trì, khuyến khích phát triển cảng, bến và vận tải để phục vụ giao thương với Trung Quốc như tuyến sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh), Bằng Giang (Cao Bằng)”, ông Thọ chia sẻ.
Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết thêm, hiện một số tuyến, khu vực đường thủy quốc gia tại các địa phương miền núi phía Bắc khác đang trong quá trình đầu tư hạ tầng, xúc tiến các thủ tục pháp lý để tổ chức thành khu vực vận tải qua biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thông tại địa phương.
“Có thể kể đến như khu vực giao thông thủy sông cửa sông Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh) đã được khảo sát để đầu tư hạ tầng 10km để mở tuyến kết nối với khu vực giao thông thủy tự do; hay, sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Lào Cai sẽ được khảo sát, tổ chức thành khu vực vận tải thủy chung giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc”, theo Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Đường thuỷ nội địa VN.
Về phía địa phương, cũng theo Cục Đường thủy nội địa VN, từ năm 2015 đến nay, một số địa phương miền núi phía Bắc cũng ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển cảng, bến thủy để thúc đẩy phát triển giao thông thủy. Có thể kể đến như tỉnh Sơn La đã hỗ trợ xi măng trị giá 2,7 tỷ đồng để xây dựng đường dẫn lên, xuống cảng thủy; đầu tư bằng vốn ngân sách 2 cảng thủy công cộng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hỗ trợ đào tạo, tặng phao cứu sinh cho người dân miền núi
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, thực hiện Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa, từ năm 2015 đến nay, Cục phối hợp với một số địa phương trong cả nước, trong đó có các tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu hỗ trợ kinh phí và tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy nội địa cho 580 người tại các xã đặc biệt khó khăn.
Trong năm 2021, Cục Đường thuỷ nội địa VN tổ chức Đoàn công tác làm việc với Sở GTVT tỉnh Yên Bái về công tác quản lý kết cấu hạ tầng, công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy tại địa phương. Đồng thời trao tặng 800 dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân cho người dân vùng khó khăn tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, góp phần nâng nhận thức và ý thức giữ gìn bình yên sông nước khu vực miền núi.