Hiến cả khuôn viên nhà thờ để… rộng đường
Những ngày cuối tháng 10/2021, PV Báo Giao thông có mặt tại thôn Bình Yên, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân vào đây là hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT).
Đường GTNT ở thôn Bình Yên, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh
Dù ở đầu, giữa hay ở cuối thôn thì đường giao thông đều rộng bằng hoặc hơn 6m. Tất cả đã được đổ bê tông phẳng lỳ, rãnh thoát nước 2 bên đường luôn thông suốt và có nắp kín đậy lại. Hai bên, người dân còn trồng rất nhiều cây xanh, hoa để tô điểm thêm cho các tuyến đường.
Bà Hoàng Thị Xuân không giấu hết niềm tự hào về quê hương: Trước đây các tuyến đường trong thôn chỉ rộng 2,5m, mặt thấp hơn rất nhiều. Năm 2018, thực hiện chủ trương làm nông thôn mới (NTM), người dân trong thôn đã đồng lòng hiến đất để mở đường rộng ra 6m. Sau khi bàn bạc, gia đình tôi cũng quyết định hiến 200m2 đất ở 3 mặt tiền.
“Đất ông cha để lại, một tấc cũng quý, nhưng hiến cho nhà nước làm đường rộng ra thì chính mình được hưởng đầu tiên. Chú nhìn xem, hệ thống đường sá của thôn được quy hoạch rộng rãi, đồng bộ… xe cộ lưu thông thuận tiện, người dân hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ”, bà Xuân nói.
Cùng niềm cảm xúc, ông Hoàng Quang Vinh - Trưởng thôn Bình Yên cho biết thêm: Theo quy định khi làm nông thôn mới, đường rộng tối thiểu 5m nhưng ở đây 100% rộng 6m, có nơi còn rộng hơn. Để có được bộ mặt đường GTNT như hiện đã có rất nhiều hộ dân đã hiến hàng trăm m2 đất, phá dỡ hơn 1.700m tường bao cũ, 25 cổng cố định… Toàn thôn xây dựng được hơn 4,3km rãnh thoát nước, xây mới 3,1km tường bao, cổng cố định, bồn hoa, hàng rào xanh 3,1km, với tổng giá trị các công trình hơn 3,1 tỷ đồng…
Đoạn đường phía trước nhà thờ giáo xứ Kim Lâm, xã Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh
Phong trào hiến đất, mở rộng đường cũng diễn ra rầm rộ tại vùng giáo ở các xã: Vượng Lộc, Gia Hanh, thị trấn Nghèn… Ông Nguyễn Minh Vỵ - Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc cho biết: Trên địa bàn xã có 2 xóm giáo, trong đó xóm Cự Lâm có đến 90%, còn xóm Đoài Duyệt có khoảng 50% người công giáo. Thực hiện chủ trương xây dựng NTM, bà con công giáo đã tích cực hiến đất, tường rào, cây xanh, vật kiến trúc để mở rộng đường GTNT.
“Tính trung bình, người dân đã lùi vào 1 - 2m chiều sâu để nhường đất làm đường. Ở các trục đường chính của 2 thôn này, bề rộng đều từ 6m trở lên và đã được đổ bê tông cao ráo, sạch sẽ. Đặc biệt, ở xóm Đoài Duyệt, hội đồng mục vụ còn hiến 1 phần khuôn viên của nhà thờ để mở đường rộng ra”, ông Vỵ nói.
Đường mới, mở ra tương lai mới
Theo tìm hiểu, xã Xuân Lộc có 4 thôn giáo toàn tòng. Trong đó có 2 thôn Bình Yên và Văn Thịnh là 2 thôn vùng giáo đầu tiên về đích NTM kiểu mẫu của cả tỉnh. 2 thôn còn lại dự kiến trong cuối năm nay cũng sẽ về đích NTM kiểu mẫu. Về GTNT thì ở cả 4 thôn này đều đã được đổ bê tông 100%, và cơ bản rất rộng rãi.
Theo những người đứng đầu địa phương: Việc nâng cấp, mở rộng đường GTNT không chỉ làm thay đổi bộ mặt của thôn xóm mà còn giải quyết vấn đề ngập lụt mỗi khi mưa xuống. Trước đây vũng trũng Xuân Lộc hễ mưa xuống là lầy lội, nhưng giờ ngớt mưa thì đường khô ráo luôn.
Trong khi đó, cha xứ Nguyễn Huy Tuấn - ở giáo xứ Kim Lâm, xã Vượng Lộc cũng cho biết: Ngay khi nhận được chủ trương về làm đường GTNT để xây dựng NTM, cha và hội đồng mục vụ đều rất đồng tình, ủng hộ cao và động viên người dân hiến đất để mở đường.
Ông Hoàng Quang Vinh - Trưởng thôn Bình Yên, Xuân Lộc cho biết, để có con đường mới rộng rãi như hiện nay, người dân đã đồng lòng hiến hàng trăm m2 đất
“Đường sá rộng rãi, người đầu tiên được hưởng lợi chính là người dân địa phương và con em sau này. Đường mới mở rộng ra thì cũng có nghĩa là một tương lai mới đang mở ra với người dân. Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu đi lại của người dân cũng nâng lên, đường rộng hơn đi lại sẽ thuận tiện, an toàn. Rồi giao thương, buôn bán thuận lợi thì kinh tế địa phương sẽ ngày càng phát triển…”, cha Tuấn cho nói.
Khi được hỏi đâu là nguyên nhân để địa phương có được kết quả này, các ông Nguyễn Minh Vỵ - Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc, Trần Xuân Hải - Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc đều cho rằng: Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp trên; sự hỗ ủng hộ, hỗ trợ của các cha xứ, hội đồng mục vụ và ý thức chấp hành của người dân là yếu tố quyết định đến thành công nói trên.
Có cùng quan điểm, ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết thêm: Ngay từ đầu, huyện Can Lộc đã đưa việc xây dựng NTM vào Nghị quyết của Đại hội đảng bộ huyện và xem đây là nhiệm vụ xuyên suốt. Kết quả là năm 2019, huyện Can Lộc về đích NTM - địa phương thứ 2 của cả tỉnh Hà Tĩnh và huyện đang phấn đấu đến năm 2024 sẽ về đích NTM nâng cao.
Theo ông Cường, trong thành công đó không thể không nhắc đến sự ủng hộ cao của các cha xứ, hội đồng mục vụ ở các giáo xứ, giáo họ. Điển hình như cha Bách ở Gia Hanh, cha Tuấn ở Kim Lâm, cha Bá ở Tân Vịnh… và nhiều cha khác nữa.
“Tôi nói thế này không phải là để so sánh giữa lương với giáo, nhưng nhìn chung cả tỉnh, đường GTNT ở vùng lương thường rộng rãi hơn vùng giáo. Thế nhưng ở Xuân Lộc, Vượng Lộc… của huyện Can Lộc thì ngược lại hoàn toàn. Có thể nói GTNT ở vùng giáo của Xuân Lộc, Vượng Lộc… là điểm sáng của cả tỉnh”, một cán bộ Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết.