Phá thế “biệt lập” mở đường cho đồng bào thiểu số ở miền núi Đồng Nai

Vĩnh Phú

Từ khi UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai) xây cầu Đắc Lua, Tà Lài, mở mới các tuyến đường giao thông giúp đồng bào thiểu số xoá đói, giảm nghèo.

Tà Lài là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phú là nơi sinh sống của người dân tộc bản địa Châu Mạ và S’tiêng. Nhờ xây dựng nông thôn mới, đường giao thông nông thôn (GTNT) phủ đến từng xóm ấp vùng nông thôn đã thay đổi diện mạo khác hẳn.

Cầu Tà Lài xây dựng kiên cố phá thế "ốc đảo" mở lối cho đồng bào dân tộc trong xã phát triển kinh tế, giao thương với bên ngoài.

Cuộc sống đổi thay nhờ có cầu

Vào một buổi sáng trung tuần tháng 12, chúng tôi quay trở lại xã Tà Lài (huyện Tân Phú, Đồng Nai). Chỉ sau gần 2 năm thông xe, cây cầu bê tông kiên cố thay thế cho cầu treo Tà Lài nối đôi bờ sông Đồng Nai đã thoả ước mơ chấm dứt cảnh "luỵ phà" của người dân trong xã.

Đứng tại cầu Tà Lài (xã Tà Lài) chúng tôi bắt gặp ô tô, xe máy hối hả chở hàng hóa nông sản tấp nập ra vào xã tỏa đi khắp vùng. Chạy dọc các con đường ấp 4, những cánh đồng vàng óng đang vào vụ thu hoạch, ngoài đồng tiếng máy gặt lúa huyên náo một khu vực.

Dạo quanh một vòng các tuyến đường trong ấp 4, ghi nhận cho thấy cuộc sống của người dân đã có bước thay đổi rõ nét. Những căn nhà sàn, nhà rông đơn sơ ọp ẹp trước đây đã được thay thế bởi những căn nhà mới xây khang trang theo kiến trúc kiên cố hiện đại.

Những công trình công cộng như trung tâm văn hóa, trường học đã được xây dựng mới khang trang phục vụ cho nhu cầu của nhân dân trong xã.

Đời sống khá hơn, người dân ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) thuê máy gặt thu hoạch lúa, nông sản.

Chỉ tay về phía máy gặt lúa đang chạy rầm rập trên đồng chị K’Thị Lan cho hay, người dân ấp 4 (xã Tà Lài) chủ yếu là đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’Tiêng. Gia đình chị đang thu hoạch lúa vụ mùa đông xuân để kịp đón Tết. Khoảng 3 năm trước, khi vận chuyển nông sản phải qua cầu treo, phà vừa nguy hiểm và tốn kém.

Dịp Tết 2019, cầu Tà Lài được thông xe là niềm vui lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số ấp 4. Bởi đây là cây cầu duy nhất kết nối giao thương hàng hoá với bên ngoài.

“Sau khi có cầu, giao thông thuận lợi gia đình tôi thuê thêm hai sào đất trồng lúa để mở rộng sản xuất. Trước đây gặt lúa bằng tay rất vất vả, nay cuộc sống bà con trong vùng khá hơn nên việc thuê máy cắt thu hoạch lúa là chuyện bình thường”, chị K’Thị Lan nói.

Đang phơi lúa trước sân nhà chị K’Thị Loan - người dân tộc Châu Mạ cho biết: "Năm 2016 cầu treo bị sập giao thông gián đoạn người dân phải "luỵ phà". Khi chưa có cầu lúc ốm đau, đưa các cháu đi học phải qua cây cầu treo cũ xuống cấp, rất nguy hiểm khi mưa gió và ban đêm", chị Loan nhớ lại.

Chị K'Thị Loan phơi lúa vụ mùa đông xuân vừa thu hoạch trên đồng.

Sau khi cầu treo bị sập, huyện xây cầu bê tông mới, mở đường giao thông, đầu tư kênh mương thuỷ lợi tạo thuận lợi cho sản xuất của người dân trong vùng. Từ ngày có cầu bê tông nối đôi bờ sông Đồng Nai, từ đây cuộc sống bà con khởi sắc hẳn.

“Đầu năm 2019 khi cầu thông xe, xe tải có thể chạy vào tận xóm thu mua lúa, nông sản, bán được giá hơn trước. Đi lại mua bán thuận lợi, các cháu đi học an toàn ai nấy đều vui mừng”, chị K’Thị Loan phấn khởi nói.

Tương tự tại xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) sau khi thông xe cầu Đắc Lua kết nối huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), cuộc sống người dân đã có sự thay đổi lớn. Đại diện UBND xã Đắc Lua cho biết: Đến nay đường sá, trường trạm đã có đủ. Một số trục đường chính do địa phương quan tâm đầu tư bằng vốn ngân sách. Đối với những tuyến đường liên ấp thì huy động vốn theo hình thức Nhà nước đầu tư 80%, còn lại 20% do người dân đóng góp.

Trên toàn xã hiện đã có 32,31km đường giao thông được xây dựng từ nguồn vốn "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Khi có cầu Đắc Lua, việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng, giá cả cạnh tranh hơn đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

Chung tay hiến đất, góp tiền mở đường

Các tuyến đường bê tông xi măng được phủ đến từng xóm, ấp.

Theo ông Võ Trí - Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Tân Phú, nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân chung tay hiến đất, góp tiền làm đường nên hệ thống đường giao thông ở huyện được đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh. Huyện quản lý 104,66km đường, trong đó 100% số xã có đường nhựa về đến trung tâm xã.

Cầu Tà Lài được khởi công từ tháng 1/2018 với tổng kinh phí trên 77 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Chiều rộng cầu là 8m với 2 làn xe, có tải trọng 30 tấn.

"Cùng với cầu Đắc Lua sau khi cầu Tà Lài khánh thành đã chấm dứt cảnh người dân hai xã đi lại phải luỵ phà. Đây là điểm nhấn quan trọng để bà con đồng bào dân tộc thiểu số vận chuyển nông sản, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương", ông Trí cho hay.

Trao đổi với PV Báo Giao thông ông Nguyễn Hữu Ký - Chủ tịch UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai) cho biết, thời gian qua huyện xác định GTNT là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ngoài những trục đường chính đầu tư bằng vốn ngân sách. Những tuyến đường GTNT đều có đóng góp rất lớn qua việc người dân hiến đất, góp tiền làm đường mới đạt được những kết quả như ngày nay.

Năm 2016, cầu treo bắc qua sông Đồng Nai bị sập, sau đó huyện và tỉnh đã đầu tư cầu Tà Lài tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Cùng với cầu Đắc Lua được tỉnh xây dựng đưa vào khai thác năm 2017, kết nối xã Đắc Lua với huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã phá thế "độc đạo" giao thương hàng hoá giữa hai vùng.

Do hai cầu này nằm sát Vườn quốc gia Cát Tiên, khi chuẩn bị triển khai còn có ý kiến cho rằng xây cầu sẽ làm tăng nguy cơ phá rừng. "Thực tế đang chứng minh điều ngược lại, sau khi đưa vào khai thác cầu Tà Lài, Đắc Lua xe cộ, máy gặt đi lại rất thuận tiện. Đời sống người dân ổn định nâng cao hơn từng bước không bám rừng như trước, công tác bảo vệ rừng hiệu quả hơn", ông Ký nói.

Vĩnh Phú

Cùng chuyên mục