Khi đặt chân đến các tuyến đường xứ đạo huyện Thống Nhất, Xuân Lộc (Đồng Nai) nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì các tuyến đường cũ xuống cấp đã được thay thế bằng những con đường khang trang, sạch đẹp.
Thời buổi "tấc đất, tấc vàng” nhưng nhiều người sẵn lòng hiến đất để đường được mở rộng đi lại thuận lợi, an toàn và mở ra nhiều cơ hội, hướng làm ăn mới.
Hiến đất mở đường, chuyện bình thường ở xứ đạo
Về xứ đạo Dốc Mơ, (huyện Thống Nhất) đi trên những con đường bê tông xi măng dài, rộng khang trang, cây xanh rợp mát, ô tô có thể chạy thẳng ra bờ hồ Trị An. Đây là con đường bê tông xi măng vừa được mở mới nhờ người dân hiến đất, góp tiền. Tuyến đường vừa làm xong đã nối thẳng từ QL20 với 2 xã Gia Tân 1 (Thống Nhất) và xã Phú Cường (Định Quán).
Tuyến đường bê tông xi măng vừa hoàn thành nhờ người dân hiến hàng nghìn mét vuông đất mặt tiền.
Chỉ tay về con đường bê tông xi măng vừa mới hoàn thành, ông Phạm Minh Hậu (xã Gia Tân 1) cho biết, năm 2020, con đường dưới chân Núi Cúi dẫn ra hồ Trị An là con đường theo mương nước, rộng chưa đến 2m, sình lầy, không thể đi được. Khi trời mưa, người dân đi làm rẫy phải đi vòng qua xã Phú Cường (huyện Định Quán) ra QL20 để về nhà.
“Hay tin chính quyền địa phương vận động triển khai dự án mở rộng, nâng cấp đường kết nối từ QL20 đến hồ Trị An, người dân đều nhiệt tình ủng hộ. Nhận thấy mở đường đi lại an toàn, tôi là người đi đầu đứng ra vận động hàng chục hộ dân hiến hàng ngàn mét vuống đất, góp thêm tiền mở đường”, ông Hậu cho biết.
Cũng theo ông Hậu, sau hoàn thành, con đường dài 1,8km có chiều rộng 5m, trong đó người dân hiến đất, về kinh phí xây dựng Nhà nước và nhân dân cùng làm (tỷ lệ 7/3). Ngoài việc hiến hơn 1.000m2 đất, gia đình ông Hậu góp thêm 115 triệu đồng để làm đường.
“Hiện nay bà con trong xã vận chuyển nông sản, trái cây ra QL20 đến các chợ đầu mối rất nhanh chóng. Để bảo vệ đường chúng tôi cũng kiến nghị lực lượng chức năng ngăn chặn xe quá tải trọng đi vào, không để đường bị xuống cấp”, ông Hậu cho hay.
Đoạn đường dẫn ra hồ Trị An được lắp biển báo, việc đi lại an toàn hơn.
Ông Nguyễn Thắng, ấp Dốc Mơ 1 (xã Gia Tân 1) khoe với chúng tôi: “Đường đẹp không? Năm ngoái chỗ này vẫn là bãi sình lầy, bà con giáo dân nơi đây quá khổ với con đường đau khổ nhưng nay thì đường đã khang trang".
Nhà ông Thắng ngoài đóng góp hơn 28 triệu đồng làm đường còn hiến phần đất dài 62m ngang và lấn vào đất rẫy hơn 3m, tính ra cũng gần 200m2. Bây giờ đường làm xong ô tô vào được, đi lại thuận lợi hơn trước rất nhiều.
“Việc hiến đất mở đường đối với bà con giáo dân giáo xứ Dốc Mơ là chuyện bình thường. Bởi trước đây chúng tôi đã từng góp tiền, hiến đất mở nhiều con đường trong thôn, xóm khác”, ông Thắng cho biết thêm.
Đường sá khang trang, thay đổi bộ mặt nông thôn
Theo ông Trần Nhật Tân - Phó chủ tịch xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất), dân số ở xã là hơn 12.000 người, trong đó có trên 99% đồng bào theo đạo Công giáo.
Ông Tân xác nhận tuyến đường liên xã vừa mới hoàn thành tháng 6 là nhờ đóng góp rất lớn từ người dân. Ông dẫn chứng: tuyến đường dài gần 2km, vốn ngân sách chiếm 7 phần, còn lại người dân góp 3 phần và mỗi hộ tính trung bình hiến trên một trăm mét vuông đất,
Nhiều tuyến giao thông miền núi, vùng sâu vùng xa ở Đồng Nai sớm hoàn thành nhờ người dân hiến đất, góp tiền mở đường. (Trong ảnh: Một tuyến đường liên xã ở huyện Thống Nhất)
Theo ông Tân, trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc, được sự ủng hộ của đông đảo giáo dân trong vùng, nên tiêu chí quan trọng về giao thông nông thôn đã hoàn thành sớm trước kế hoạch.
Ông Nguyễn Đình Cương - Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất nhận định, phong trào hiến đất mở đường, xây dựng đường sá, công trình công cộng là điểm nhấn quan trọng của chương trình nông thôn mới của huyện, tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương,
Vừa qua huyện đã vận động người dân tiếp tục hiến đất để mở rộng đường Đức Huy - Thanh Bình (kinh phí phê duyệt hơn 60 tỷ đồng) để kết nối hai huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu. “Theo thiết kế, con đường sẽ được mở rộng từ 5m lên 10m. Qua họp dân, hầu hết các hộ dân hai bên đường đều nhất trí cao ủng hộ và sẵn sàng hiến đất”, ông Cương cho biết.
Theo Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1,1 triệu đồng bào Công giáo. Trong giai đoạn 2015-2020, bà con giáo dân các xứ đạo đã tích cực triển khai phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”.
Đồng bào Công giáo đã, tự nguyện hiến đất bàn giao mặt bằng làm đường giao thông, ủng hộ kinh phí xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi, lắp đèn chiếu sáng đường làng ngõ hẻm… Những việc làm này góp phần làm cho diện mạo nông thôn, đô thị các xứ đạo ngày càng khang trang, đẹp đẽ.
“
Đồng Nai là tỉnh có đông đảo đồng bào theo đạo Công giáo lớn nhất cả nước. Địa bàn tỉnh có Giáo phận Xuân Lộc với khoảng 300 giáo xứ, hơn 1,1 triệu người (chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh).
”