Đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) nằm cách đất liền 56 hải lý (khoảng 104km). Dù là huyện đảo giữa biển khơi nhưng hệ thống hạ tầng giao thông gây ấn tượng mạnh với du khách từng đến đây. Năm 2016, huyện đảo Phú Quý được công nhận là huyện đảo đạt chuẩn nông thôn mới.
Chính vận tải hàng hải cùng hạ tầng giao thông được xây dựng đồng bộ đã góp phần thay đổi diện mạo đảo Phú Quý. Giao thông đi lại tiện lợi đời sống đồng bào dân tộc trên đảo khá lên trông thấy.
Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ khang trang trên đảo Phú Quý.
Chung tay mở đường
Khi đặt chân đến đảo Phú Quý, du khách không khỏi ngạc nhiên khi thấy hệ thống hạ tầng giao thông khang trang sạch sẽ, thẳng tắp rộng 4 làn xe. Dải phân cách, cây xanh được cắt tỉa gọn gàng đẹp mắt.
Tại bến cảng đảo Phú Quý, tàu khách nhộn nhịp cập cảng, bốc dỡ hàng hóa tỏa ra khắp các tuyến đường. Các trục đường Hùng Vương, Võ Văn Kiệt là “xương sống” của đảo, tập trung hầu hết các cơ quan hành chính và các hàng quán, khách sạn, nhà hàng...
Ông Huỳnh Quán (71 tuổi, xã Ngũ Phụng) cho biết, trước đây các tuyến đường trên đảo bị hư hỏng sụt lún, nơi ổ gà, ổ voi, nơi bong tróc, việc đi lại vất vả khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa.
Từ lúc chương trình nông thôn mới được triển khai, ông cũng như bà con trong thôn đều tích cực hưởng ứng xây dựng đường giao thông, các công trình công cộng.
“Người dân ở đây hầu hết đều bám biển mưu sinh, ngoài việc góp tiền làm đường thì khi nào không đi biển còn đóng góp ngày công để xây dựng các công trình công cộng trong thôn, xóm”, ông Quán nói.
Hầu hết các tuyến đường dẫn đến từng thôn, xóm đã được bê tông nhờ sự chung tay góp sức của người dân trên đảo.
Ông Nguyễn Thanh Nhanh, thuyền trưởng tàu chở khách Hưng Phát 26 cho biết, người dân nơi đây có gốc tích là đồng bào Chăm và ngư phủ đến từ nhiều tỉnh miền Trung. Nhiều năm trước bà con chủ yếu sống bằng nghề đánh cá nên cuộc sống nhiều khó khăn.
Cuộc sống thay đổi mạnh sau khi Nhà nước mở nhiều tuyến đường lớn trên đảo thì hoạt động du lịch bắt đầu phát triển. Năm 2014, ông Nhanh vay tiền ngân hàng đóng tàu vận chuyển khách, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân huyện đảo và khách du lịch. Con tàu có sức chở 250 khách cùng 20 tấn hàng hóa.
Sau này khách du lịch ngày càng tăng, nhiều tàu vận tải cao tốc đưa khách du lịch đến đảo, công ăn việc làm của người dân ngày càng mở mang.
Ngoài đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản thì du lịch đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống bà con trên đảo.
Anh Nguyễn Văn Giỏi, xuất thân từ đảo, cử nhân kinh tế kinh tế, sau khi ra trường về quê làm du lịch Homestay.
“Đầu năm 2021 tôi đã mở thêm cơ sở và đầu tư tàu cao tốc để phục vụ khách tham quan biển đảo ở Phú Quý”, anh Nguyễn Văn Giỏi nói.
Một đoạn bờ kẻ kiên cố dọc bờ biển trên đảo Phú Quý.
Huyện nông thôn mới đầu tiên ở tỉnh Bình Thuận
Trao đổi với PV, ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) cho biết, trong những năm qua, chất lượng cuộc sống của người dân trên đảo đã có nhiều bước thay đổi vượt bậc. Điểm nhấn quan trọng không thể không nhắc đến là nhờ vào luồng vận tải phát triển, nhiều tàu cao tốc có quy mô lớn chở được hàng trăm khách được đưa vào hoạt động tuyến Phan Thiết - Phú Quý.
Theo ông Nhựt, trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, đến 2016 tỉnh, huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông đồng bộ đã thay đổi diện mạo của đảo. Huyện đã phát động chương trình "Nhà nước và nhân dân cùng làm đường", chỉ trong thời gian ngắn nhiều tuyến đường bê tông xi măng kết nối đến từng thôn, xóm.
"Đến năm 2015, huyện đảo Phú Quý là huyện đầu tiên ở tỉnh Bình Thuận đạt chuẩn nông thôn mới nên người dân trên đảo rất tự hào", ông Nhựt nói.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Quý, đến 2017, mạng lưới giao thông trên địa bàn hiện có trên 72,72 km; trong đó đã cứng hóa mặt đường láng nhựa hoặc bê tông xi măng là 64,28 km. Bê tông hóa với trên 21km mặt đường theo chương trình Nhà nước và nhân dân đóng góp, gắn với xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp góp phần thay đổi diện mạo trên hòn đảo này.