Nhiều chính sách phát triển bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Nguyên giảm mạnh

Văn Tư

Trong 10 năm đồng bào Tây Nguyên có bước tiến vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh nhờ những giải pháp hỗ trợ giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.

Dấu ấn đầu tiên thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế - xã hội đồng bào các tỉnh Tây Nguyên là mạng lưới giao thông nông thôn. Đến năm 2020 đã có đến 100% đường giao thông từ trung tâm các huyện đến các xã được cứng hóa, ô tô đi được tất cả các tuyến đường đến trung tâm xã.

Với chính sách nhà nước và nhân dân cùng đóng góp làm đường. Đối với đường giao thông nông thôn ưu tiên cho các buôn bản đồng bào thì nhà nước đầu tư 70% kính phí, 30% do nhân dân đóng góp. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương kêu gọi mạnh thường quân để đóng góp thay cho người dân.

Đơn cử như huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) năm 2021 huyện Lâm Hà đã huy động trên 34 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, trong đó nhân dân đóng góp là 17 tỷ đồng, 17 tỉ đồng là của mạnh thường quân giúp đỡ.

Từ nguồn vốn nêu trên, huyện Lâm Hà tập trung đầu tư 25 công trình đường giao thông nông tại các xã như: Đan Phượng, Liên Hà, Phi Tô, Nam Hà, Mê Linh.

Niềm vui người dân trong ngày khánh thành cầu qua sông Pô Kô cửa ngõ Tây Nguyên, giúp đồng bào thị trấn Đắk Glei phát triển kinh tế bền vững

Hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ dân thoát nghèo

Vừa cho đàn dê ăn cỏ, chị Sang ở làng Chrơng 2, xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang (Gia Lai) vui mừng kể về câu chuyện vươn lên thoát nghèo của gia đình mình. Chị Sang cho biết, gia đình chị có hai héc-ta rẫy, nhưng chủ yếu trồng sắn và lúa nương, nên nhiều năm vẫn không thoát khỏi lúc đói mùa giáp hạt.

Năm 2018, vợ chồng chị Sang được UBND xã Đăk Ta Ley tặng hai con dê sinh sản và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn lãi suất thấp để trồng một héc-ta cà-phê thay cây mì hiệu quả thấp. Sau hai năm, gia đình chị đã có đàn dê 10 con và một vườn cà-phê xanh tốt, trĩu quả.

“Nhà nước đã hỗ trợ cho gia đình để mà vươn lên thoát nghèo. Gia đình rất là mừng, có con dê rồi thì làm thêm bời lời, lúa, cà-phê nữa để mà thoát được nghèo, phát triển kinh tế cho tốt”, chị Sang phấn khởi cho hay.

Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai là 19,7%, trong đó có hơn 40% hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số Gia Rai và Ba Na. Vì thế, công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số luôn được Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Từ năm 2016 đến năm 2020, tổng số vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại tỉnh là 1.268 tỷ đồng. Theo đó, các dự án giảm nghèo trong chương trình tập trung hỗ trợ hộ nghèo các cơ sở như nhà ở, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng sống, chất lượng chăm sóc y tế.

Riêng kết quả vào năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai đã giảm còn dưới 4,5%, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số dự kiến còn dưới 6,25%.

Cùng với Gia Lai, Đắk Nông là địa phương có những bước tiến vượt bậc trong thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững.

Theo đó, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 19,20%. Trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40,38%, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 53,79%.

Xác định tầm quan trọng của nguồn vốn trong công tác giảm nghèo, 5 năm qua, Đắk Nông đã triển khai giải ngân cho hơn 100 nghìn hộ nghèo vay tổng số vốn hơn 2.700 tỷ đồng.

Nhờ vậy, tới năm 2020, đã có hơn 8.000 lượt hộ thoát nghèo. Nhờ triển khai đồng bộ các nguồn vốn, sau 5 năm thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2020, tỉnh Đắk Nông đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,20% xuống còn 6,98%...

Là một trong những hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, chị H’Hạnh, ở bon Ka La Dạ, xã Quảng Khê, Đắk Nông cho biết, năm 2014 gia đình chị được ngân hàng cho vay 30 triệu đồng để mua phân bón, mở rộng canh tác bốn sào cà-phê.

Sau một thời gian, vườn cà-phê đã cho năng suất cao nhờ được chăm bón đúng kỹ thuật nên đã giúp thu hồi được vốn ban đầu và dư một khoản tiền mua thêm đàn dê để chăm sóc. Năm 2019, gia đình chị H’Hạnh thoát nghèo.

Đáng mừng hơn, chị H’Hạnh đã bỏ được tâm lý trông chờ, ỷ lại như trước kia, biết chủ động vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cây nông nghiệp, mua con giống, vật nuôi để gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc - Tôn giáo Việt Nam tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên giữ ở mức khá, đời sống người dân được cải thiện.

Trong giai đoạn 2015-2020, Đắk Lắk đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 9,13%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm và Kon Tum là 9,7%, 4,05%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Gia Lai là 7,93%/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn dưới 4,5% vào cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%.

Tại Đắk Nông, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,02%/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm 12,26% so với năm 2016; tại Lâm Đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là tăng 8,0%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, toàn tỉnh hiện còn 1,75%.

Về văn hoá, xã hội, thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: miễn, giảm học phí, triển khai các trường dân tộc nội trú, hỗ trợ gạo cho học sinh khu vực đặc biệt khó khăn, ưu tiên cộng điểm khi thi tuyển đại học, cao đẳng…

Tạo vốn cho đồng bào Tây Nguyên phát triển nông nghiệp, là chính sách hiệu quả của nhà nước

5 giải pháp giúp đồng bào Tây Nguyên phát triển bền vững

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh trưởng Quân khu 5, chia sẻ 5 giải pháp đang được thực hiện tốt, giúp đồng bào Tây Nguyên phát triển bền vững. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi kết cấu hạ tầng ch­ưa phát triển, mặt bằng văn hóa và trình độ dân trí còn thấp.

Cho nên, vấn đề quan trọng đặt ra cho các cấp, các ngành là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức và đồng bào các dân tộc, để họ nắm vững nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nơi đây; từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong tổ chức thực hiện.

Việc tuyên truyền, giáo dục phải đ­ược tiến hành th­ường xuyên, bằng nhiều hình thức, biện pháp sinh động, thiết thực, phù hợp để các doanh nghiệp, cán bộ, công chức và bản thân từng hộ, từng người có quyết tâm vươn lên lao động sản xuất, kinh doanh nhằm thoát nghèo, tiến lên làm ăn khá giả, giàu có.

Trên cơ sở nhận thức đúng, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các thôn, buôn đồng bào phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống; đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng chăm lo phát triển kinh tế làm giàu cho mình và cho quê hương.

Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tiếp tục duy trì các lớp xóa mù chữ bằng chữ phổ thông và chữ của các dân tộc; phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú các cấp.

Đồng thời, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ công tác tại trường dân tộc nội trú, bán trú để họ yên tâm công tác; chính sách ưu tiên tuyển chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học các trường nội trú.

Tăng cường giáo viên và cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi để đồng bào tiếp thu kiến thức mới và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để tự vươn lên làm kinh tế có hiệu quả.

Người dân Tây Nguyên từng bước làm giàu trên chính quê hương mình

Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đây là thể hiện tính ưu việt của sự nghiệp đổi mới đất nước, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Do vậy, cùng với đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế có nhiều lợi thế tạo động lực phát triển kinh tế các tỉnh ở Tây Nguyên cần tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, giáo dục. Tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập nhằm đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.

Thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện để đồng bào, nhất là trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ.

Phát triển kinh tế gắn chặt với xây dựng thế trận khu vực phòng thủ. Việc làm này tạo môi trường thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mạnh lên cả về kinh tế - xã hội và thế trận, chủ động đấu tranh ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Do đó, cần chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đủ sức bảo vệ địa bàn trong mọi tình huống.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền trong tổ chức thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, bảo đảm cho chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ đi vào thực tiễn một cách thực chất và hiệu quả.

Văn Tư

Cùng chuyên mục